04:09 20/04/2013

Báo động bạo lực học đường

80% các vụ xô xát giữa các em học sinh đều bắt nguồn từ xích mích. Thay vì cảm thông cho nhau thì các em đã "giải hòa" bằng bạo lực.

80% các vụ xô xát giữa các em học sinh đều bắt nguồn từ xích mích. Thay vì cảm thông cho nhau thì các em đã "giải hòa" bằng bạo lực. Nhiều em đã dùng hung khí như thước compa đâm vào đầu bạn, có em đã mang giao Thái Lan từ nhà giấu trong cặp sách để "xử" bạn dẫn đến thương tích nặng. Điều đáng lo ngại là các em tự tạo ra hung khí, mã tấu và tổ chức đánh nhau theo băng nhóm.


Chỉ vì lời khích


Trong giờ chơi, em Nguyễn Văn An học sinh lớp 9A một trường THCS ở thành phố Vũng Tàu đang chơi con quay cùng với nhóm bạn vô tình đụng phải em Quyết cùng lớp, thay vì xin lỗi bạn thì em lại to tiếng. Hai em lời qua tiếng lại rồi xông vào đánh nhau, các bạn can ngăn cũng không được. Ấm ức, An chạy vào lớp lấy con dao Thái Lan dấu trong cặp ra đâm Quyết vào mạng sườn. Quyết ôm bụng, máu ướt đầm áo. Các bạn nữ báo cáo cô giáo chủ nhiệm và gọi xe cấp cứu, Quyết phải mổ gấp vì bị thủng dạ dầy mới cứu được tính mạng.

Những hung khí do học sinh tự chế.


Cũng có hành động bạo lực như An, từ đôi bạn thân thiết, Trung đã dùng thước Compa đâm vào đầu Tài phải khâu 6 mũi. Sự việc xảy ra ngay trong giờ học môn lịch sử, bỗng Tài kêu "Cô ơi, cứu em với, bạn Trung đâm em". Cả lớp nhìn xuống dãy bàn cuối thì thấy Tài đang ôm đầu, máu đầm đìa, còn Trung mặt tái xanh lầm lì tuyên bố: "Cho mày chết. Ngày nào mày cũng chanh chỗ của tao". Cô giáo chủ nhiệm cùng các bạn học sinh đưa Tài đi cấp cứu. Trung được bảo vệ nhà trường "giải" lên Ban giám hiệu, sự viêc phải báo cáo công an và thông báo cho gia đình biết. Trong bản tường trình, Trung viết: "Do bạn Tài ngày nào cũng tranh chỗ, ngăn vạch không cho em ngồi lấn sang. Em đã đánh bạn Tài hai lần nhưng bạn không chừa"!? Em Trung còn khai: "Hôm thứ 5, em bị bác bảo vệ khám cặp và thu mã tấu em tự tạo bằng liềm cắt cỏ. Em mang theo để xử bạn Tài nhưng chưa kịp hành động".


Mới đây, ở trường phổ thông trung học nổi tiếng là có nề nếp "tiên học lễ, hậu học văn" của thành phố, một nhóm bạn lớp 10A4 đang chơi cầu thì một nhóm học sinh lớp 10A1 đến dành chỗ. Sự việc lẽ ra chỉ dừng lại ở cãi cọ, cảm thông, song do bạn bạn bè kích động nên lớp học sinh lớp 10A1 đã kéo đến mang theo một thanh sắt và hai mã tấu tự tạo chém hai em Tâm và Hoài lớp 10A4. Tâm bị gãy hai xương sườn, Hoài bị chém vào đầu và cánh tay (do Hoài đưa tay lên đỡ theo phản xạ tự nhiên). Sau khi đánh các bạn lớp 10A4 bị thương tích, 5 em học sinh lớp 10A1 đã bỏ đi bụi đời lang thang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà trường phải nhờ đến công an, thông báo cho gia đình để cùng bàn biện pháp tìm kiếm và giáo dục.


Đâu là nguyên nhân


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự buông lỏng từ phía gia đình các em. Nhiều phụ huynh học sinh phó thác việc dạy dỗ con em mình cho nhà trường và thầy cô giáo chủ nhiệm, thậm chí họ cho rằng có tiền là họ "Khoán trắng" cho thầy cô giáo và "nhờ" dạy bảo!?. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế thuê "ô sin" đưa đón con, ba mẹ ít khi quan tâm đến việc học hành và thay đổi tính nết của con. Chị Nguyễn Thị Mai, mẹ của em An cho biết: "Gia đình bận rộn, việc học hành của cháu đều do người giúp việc quản. Vợ chồng tôi không có thời gian dạy bảo nó. Ai dè nó hư đến vậy". Còn anh Liên, bố của em Kiệt (Kiệt đã dùng mã tấu chém vào đầu bạn Hoài) kể: "Cháu Kiệt gần đây về nhà lầm lì, hay đóng cửa phòng riêng một mình ngồi trong đó cả tiếng đồng hồ. Có lúc nó gọi điện thoại cho bạn rồi rủ lên núi Lớn "chơi". Vợ chồng tôi chưa kịp kiểm tra thì chuyện đã xảy ra. Tôi xin chịu tiền thuốc và viện phí của hai cháu Hoài và Tâm".

Bạo lực học đường không ngừng gia tăng.


Một nguyên nhân khác có tác động không nhỏ đến bạo lực học đường là học sinh chơi "trò chơi đánh nhau" trên mạng. Ngay trong giờ học, nhiều học sinh đã trốn học lên mạng online. Có học sinh đã "nghiền games" quên cả ăn uống. Tiền chúng lấy đâu ra? Rõ ràng có nhiều em đã ắn cắp tiền bố mẹ. Khi bố mẹ không cho tiền, chúng ăn cắp của người khác và bán đồ dùng trong nhà. Chính những cảnh chém giết trong games, học sinh đã "nhiễm" sâu trong tiềm thức. Khi có sự xích mích, là chúng "áp dụng" ngay những ngón đòn giống như trong trò chơi. Một điều mà ai cũng nhận ra là học sinh bây giờ hay nói tục. Các em đến chơi games, tay lướt bàn phím, miệng chửi tục. Thôi thì đủ thứ trên đời từ cái bẩn nhất, cặn bã nhất được chúng nói ra không ngượng, và không cần biết bên cạnh mình có ai. Liệu phụ huynh học sinh có nghe được những lời chúng chửi tục tĩu? Có biết chúng "ngoan" như thế nào khi bỏ nhà đi bụi và cầm mã tấu hung hăng, hay chỉ bận rộn "trăm công nghìn việc" không có thời gian chăm sóc con mình?


Cần sự chung tay


Xuất phát từ những nguyên nhân do phụ huynh thiếu quan tâm đến việc học tập của con em mình, dẫn đến bạo lực học đường. Nhà trường rất cần sự chung tay góp sức của phụ huynh học sinh, bởi chính họ là những người hiểu tâm lí con em mình hơn ai hết. Cô Lương Thị Hoa, giáo viên trường TH Phước Thắng cho biết: "Bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng tăng, học sinh cấp hai, cấp ba hay đánh lộn hơn cấp một, nam nhiều hơn nữ và chủ yếu rơi vào các em gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, giàu có, cha mẹ bận công việc không chăm lo con cái.

Trách nhiệm của nhà trường và các thầy cô giáo là dạy chữ, dạy kiến thức cho các em, còn về phía gia đình là dạy lễ nghĩa gia phong, cách đối nhân xử thế, không nên khoán trắng cho nhà trường. Dù nhà trường và các thầy cô giáo có tận tình đến mấy, nhưng không có sự quan tâm từ phía gia đình phụ huynh thì chất lượng cũng không đạt kết quả cao. Để giảm bớt và chấm dứt bạo lực học đường, thì sự chung tay góp sức của phụ huynh học sinh là rất cần thiết".


Khi hỏi em Kiệt về hành động dại dột của mình, Kiệt nói: "Em chỉ biết làm bạn với trò chơi điện tử trên mạng, những phim đấm đá chém giết. Ba mẹ bận công chuyện chỉ cho em tiền và người giúp việc đưa em đi học. Em ăn cơm hộp ngoài tiệm. Em lớn rồi cần sự quan tâm của ba mẹ hơn là tiền"…


Có thể thấy đa phần các vụ bạo lực trong học đường xảy ra đối với các em học sinh là từ sự xích mích nhỏ và kích bác lẫn nhau. Có em, một học kỳ đã đánh bạn ba lần, trong đó hai lần dùng hung khí đâm bạn thương tích. Điều đáng nói là hiện nay, bạo lực học đường xảy ra và hình thành các băng nhóm.

Chúng đánh nhau không chỉ ở ngoài đường, mà còn hẹn nhau lên núi, thậm chí hành xử ngay trong nhà vệ sinh của trường. Nhà trường đã có nhiều biện pháp như đình chỉ tạm thời học tập, kỷ luật dưới cờ, thậm chí buộc phải thôi học đối với những học sinh có ý thức kém, bất cần, không tiến bộ sau ba lần vi phạm, song vẫn chưa chặn đứng được tình trạng ẩu đả, đánh nhau trong học đường, nhất là các em thường xuyên đánh nhau có tính chất hệ thống nhiều lần/năm.


Bạo lực học đường đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động, sự cảnh tỉnh của các thầy cô giáo, sự quan tâm của những người làm công tác giáo dục, sự "giác ngộ" của cha mẹ học sinh.

M.T