Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân trí để khám phá cách tờ báo điện tử hàng đầu này ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng báo chí và lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập báo Dân trí cho nhà báo Phạm Tuấn Anh (giữa ảnh) và bổ nhiệm 2 Phó tổng biên tập vào ngày 1/3/2025. Ảnh: Báo Dân trí
Thưa nhà báo Phạm Tuấn Anh, ông có thể chia sẻ thông tin về mô hình tòa soạn số mà Dân trí đang xây dựng?
Báo Dân trí hiện là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa hoạt động báo chí tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi tập trung phát triển mô hình tòa soạn số toàn diện, nơi công nghệ không chỉ là công cụ mà trở thành một phần cấu trúc của quy trình làm báo. Trong đó, hệ thống quản trị nội dung (CMS) là trung tâm của tòa soạn, giúp phóng viên, biên tập viên thao tác nhanh chóng, chính xác, từ khâu sản xuất bài viết, lưu trữ dữ liệu cho đến phát hành đa nền tảng.
Các loại hình như: eMagazine, infographic, interactive, báo nói đến công nghệ Text-to-Speech được thực hiện với giọng đọc tự nhiên để chúng tôi đa dạng hóa cách kể chuyện, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho độc giả. Ngoài ra, công nghệ AI được tích hợp sâu rộng trong các khâu biên tập bài, vở để kiểm lỗi chính tả, tối ưu tiêu đề, SEO và kiểm duyệt bình luận... Những hoạt động này đã và đang góp phần tạo ra một không gian báo chí tương tác nhưng vẫn văn minh. Một điểm nhấn nữa trong việc ứng dụng công nghệ số là Báo triển khai công nghệ QRPay tích hợp trong chương trình Nhân Ái. Việc này không chỉ hiện đại hóa quy trình quyên góp mà còn nâng cao tính minh bạch, củng cố niềm tin của bạn đọc vào các chương trình thiện nguyện mà Dân trí tổ chức.
Ngày nay, việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số đã và đang tạo nên một bước phát triển nhảy vọt tại báo Dân Trí. Trong năm qua, Dân trí đã thu hút hơn 162 triệu độc giả toàn cầu, với hơn 4,15 tỷ lượt xem và 2,2 triệu người đọc thường xuyên mỗi tuần. Thời gian đọc trung bình đạt 15 phút 24 giây, con số cho thấy mức độ gắn bó cao của độc giả với chúng tôi. Mặt khác, trên bảng xếp hạng Similarweb, Dân trí hiện xếp thứ 12 trong số các website phổ biến nhất Việt Nam và đứng thứ 96 toàn cầu trong lĩnh vực báo chí. Đây là thành quả từ việc kết hợp giữa nội dung chất lượng cao và khả năng tiếp cận linh hoạt, đa nền tảng. Ngoài ra, việc ứng dụng di động của Dân trí cũng không ngừng nâng cấp, cá nhân hóa trải nghiệm đọc báo và mở rộng tương tác với độc giả trẻ thông qua TikTok, Zalo và các nền tảng mạng xã hội khác.
Thưa ông, trong quá trình chuyển đổi số, báo chí sẽ gặp những thử thách và khó khăn, Báo Dân trí làm gì để vượt qua những thách thức này?
Ngoài những kết quả khả quan, trong quá trình chuyển đổi số, Báo Dân trí cũng đang gặp phải một số thách thức. Thách thức đầu tiên đến từ áp lực cạnh tranh của mạng xã hội, nơi chiếm đến 80% thị phần quảng cáo trực tuyến. Thứ hai là dòng chảy thông tin nhanh, khiến yêu cầu cập nhật, kiểm chứng và sản xuất nội dung phải được thực hiện tức thời nhưng vẫn chuẩn xác. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên, sự thay đổi hành vi tiêu dùng thông tin cũng đòi hỏi chúng tôi phải liên tục thích ứng.
Báo Dân trí nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông cũ, nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch. Ảnh: Báo Dân trí
Theo tôi, trong thách thức luôn có cơ hội. Dân trí xác định rõ con đường không chạy theo "cú click" ngắn hạn mà tập trung vào xây dựng thương hiệu báo chí đáng tin cậy. Chúng tôi đầu tư mạnh vào AI, dịch thuật đa ngôn ngữ, thực tế ảo 360 và đang thí điểm blockchain, NFT để xác thực bản quyền, bảo vệ giá trị nội dung. Đặc biệt, tại tòa soạn Báo Dân trí phân định rõ vai trò giữa nội dung và kinh tế. Người làm báo chỉ làm báo và không bị chi phối bởi lợi ích thương mại. Chúng tôi cũng đào tạo đội ngũ về báo chí dữ liệu, sản xuất đa phương tiện và khuyến khích văn hóa học hỏi từ thất bại.
Trong thời đại công nghệ số, theo ông báo chí cần làm gì để lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội?
Tôi luôn tâm niệm: Báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải là "ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh, là tiếng nói bênh vực công lý và là cầu nối sẻ chia". Vì vậy, tại tòa soạn Báo Dân trí, những chương trình lan tỏa giá trị tốt đẹp luôn được ưu tiên, trong đó chương trình Nhân Ái là minh chứng rõ ràng cho cam kết ấy của Dân trí. Được xây dựng trên nguyên tắc "một đồng đến là một đồng đi", chương trình đã lan tỏa tình thương và khát vọng tử tế đến hàng triệu người. Tính đến tháng 6/2025, chúng tôi đã xây dựng 133 nhà Nhân ái, 30 cây cầu Dân trí, 56 công trình phòng học, trao tặng 5.054 thẻ BHYT cho học sinh khó khăn, tổ chức 19 chương trình khám - tư vấn sức khỏe miễn phí cho hơn 3.300 người dân vùng sâu, vùng xa. Năm 2024, tổng số tiền bạn đọc ủng hộ thông qua Dân trí vượt 60 tỷ đồng. Tất cả đều minh bạch, công khai và đến đúng nơi, đúng người cần giúp đỡ.
Ngoài các hoạt động thiện nguyện, Dân trí còn mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua những chương trình truyền thông có chiều sâu. Tiêu biểu là Diễn đàn ESG Việt Nam, ra mắt từ năm 2024, quy tụ nhiều lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động về phát triển bền vững. Phiên bản 2025 với chủ đề “Khoa học công nghệ và động lực cho phát triển bền vững” sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tinh thần ESG đến với cộng đồng; Chương trình Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam do Dân trí khởi xướng suốt 3 năm liên tiếp đã tạo nên sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, kêu gọi toàn xã hội hành động vì một môi trường giao thông an toàn, văn minh hơn.
Phóng viên Hữu Khoa, báo Dân Trí tác nghiệp trong mưa lũ. Ảnh: Báo Dân trí
Không chỉ dừng lại ở xã hội và chính sách, Dân trí còn là đơn vị tổ chức những sự kiện truyền cảm hứng sống khỏe, sống đẹp, từ “Ngày hội Yoga Dân trí” xác lập kỷ lục quốc gia với 5.000 người tham gia, đến giải đấu Aqua Warriors và Marathon quốc tế Quảng Bình 2025, đưa hàng nghìn vận động viên khám phá di sản, ẩm thực và thiên nhiên Việt Nam.
Cuối cùng, điều khiến tôi và đội ngũ Dân trí tự hào nhất khi làm nghề đó chính là niềm tin của độc giả. Niềm tin ấy không chỉ dành cho nội dung chúng tôi sản xuất mỗi ngày mà còn dành cho giá trị mà Dân trí theo đuổi. Đó là tử tế, minh bạch và nhân văn. Chúng tôi tin rằng, dù công nghệ thay đổi nhanh đến đâu thì cốt lõi của báo chí vẫn là con người và sự thật. Trong dòng chảy hỗn loạn của tin tức, Dân trí sẽ luôn là điểm tựa thông tin đáng tin cậy, đồng hành cùng cộng đồng và kiên định với sứ mệnh lan tỏa điều tốt đẹp.
Thực hiện Nghị định số 25 ngày 21/2/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, kể từ ngày 1/3/2025, báo Dân trí chính thức trở thành cơ quan ngôn luận của Bộ Nội vụ. Báo Dân trí được hình thành từ sự phát triển và hợp nhất của 3 cơ quan báo chí gồm Báo điện tử Dân trí, Báo Lao động và Xã hội và Tạp chí Vì Trẻ em.
Xin cảm ơn ông!