07:01 15/07/2021

Bảo đảm thị trường hàng hóa khu vực phía Nam - Bài 2: Liên kết đưa thực phẩm về TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế lớn của cả nước mà còn là thị trường tiêu thụ và đầu mối giao thương của khu vực phía Nam. Việc TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là những mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay đặt ra là bài toán liên kết ngành, địa phương đưa thực phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Chú thích ảnh
Bên trong siêu thị Co.opXtra thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Vận hành đồng bộ chuỗi cung ứng 

Từ khi TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày (kể từ 0 giờ ngày 9/7) đã xảy ra những vấn đề thách thức trong hoạt động thương mại như: người tiêu dùng có tâm lý mua sắm lương thực, thực phẩm dự trữ dẫn đến khan hàng cục bộ, giá cả thực phẩm tăng đáng kể, nhiều kênh bán lẻ quá tải... Trong khi đó, chuỗi cung ứng hàng hóa tại thị trường TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung gặp khó khăn không nhỏ trong vấn đề lưu thông, vận chuyển khi phát sinh thêm chi phí, mất thời gian đáp ứng yêu cầu kiểm soát khi qua một số tỉnh, thành phố.

Trước thực trạng trên, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã và đang chủ động phối hợp với các địa phương khu vực phía Nam thống nhất cơ chế chính sách vận hành đồng bộ chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực. Đồng thời, thành phố thúc đẩy liên kết ngành, địa phương hiệu quả hơn để tháo gỡ điểm nghẽn trong lưu thông hàng hóa, nhất là phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm được di chuyển xuyên suốt qua các địa phương trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của các bộ, ngành. 

Cụ thể, hiện tại phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh là đầu mối tiếp nhận và có công văn kèm danh sách gửi Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh. Riêng phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu lưu thông qua địa bàn TP Hồ Chí Minh do Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ là đầu mối tiếp nhận và có công văn kèm danh sách gửi Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.

UBND Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản khẩn điều tiết, phân luồng trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đảm bảo cung ứng mặt hàng rau củ, quả nhằm ngăn chặn đầu cơ, tăng giá. Điển hình từ ngày 11/7, Trung tâm trung chuyển hàng hóa ở bãi xe container chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức được hoạt động từ khoảng 17 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, với khả năng "sang xe" từ 1.500 - 2.000 tấn rau củ, quả mỗi đêm. 

Trung tâm trung chuyển hàng hóa ở bãi xe container này được giám sát và kiểm soát nghiêm ngặt về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như các phương tiện vận chuyển hàng phải đăng ký trước với Ban quản lý chợ Thủ Đức mới được ra - vào. Ngoài ra, Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh cũng đang đề xuất phương án lập trạm trung chuyển hàng hóa cũng trong khuôn viên chợ này.

Ở góc độ địa phương cung ứng hàng hóa thiết yếu vào thị trường TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho hay, Hiệp hội đã đề xuất với chính quyền địa phương cho phép mở thêm những điểm bán thịt lợn tại thành phố Biên Hòa với nguồn lợn lấy từ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đây là giải pháp có thể khắc phục tình trạng thu mua lợn tại địa phương bị đình trệ, gây mất cân bằng chuỗi cung - cầu hàng hóa tại khu vực phía Nam như thị trường TP Hồ Chí Minh.

Điều tiết cung - cầu thị trường

Chú thích ảnh
Người dân nhận nhu yếu phẩm, lương thực khi đến với Siêu thị 0 đồng. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Thống kê trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tại mạng lưới chợ truyền thống chỉ còn hơn 60 chợ hoạt động, còn ở kênh bán lẻ hiện đại một số điểm bán lẻ cũng đang tạm đóng cửa để thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Song song đó, ngày càng nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống có sức mua tăng cao do người dân có tâm lý mua dự trữ đã kéo giá cả tăng theo và gây ra tình trạng khó khăn hơn về nguồn cung trên địa bàn thành phố. 

Tuy vậy, Sở Công Thương và nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã kích hoạt linh hoạt nhiều kịch bản cung ứng hàng hóa cho từng khu vực, nhất là địa phương bị cách ly, phong tỏa... Đặc biệt, ngành công thương TP Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực bình ổn thị trường, kiểm soát giá cả hàng hóa để đảm bảo người dân không thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa kịp thời tại hệ thống điểm bán lẻ, quầy, kệ siêu thị..., ngành công thương TP Hồ Chí Minh đang đồng hành cùng đơn vị kinh doanh phát huy hết công suất của điểm bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... để bổ sung thêm danh sách thực phẩm tươi sống vào khu dân cư. Đồng thời, khắc phục điểm yếu của điểm bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... bị hạn chế về diện tích thông qua những giải pháp tổ chức vận chuyển, cung ứng hàng hóa từ kho trung tâm với nhiều phương thức phù hợp tình hình thực tế tại điểm bán.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, triển khai bán hàng lưu động trong giai đoạn hiện nay cũng sẽ tạo thêm điểm bán lẻ cho người dân mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giảm áp lực cho kênh bán lẻ offline và online. Đây là mô hình có thể thay thế những chợ truyền thống đang phải tạm ngưng hoạt động trên địa bàn thành phố. Vì vậy, địa phương nào có nhu cầu đưa hàng về bán lưu động thông báo với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh để được hướng dẫn tổ chức.

Để giải quyết bài toán lưu thông hàng hóa ra thị trường, ngoài những giải pháp của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thúc đẩy tăng nguồn cung hàng hóa và bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện những mô hình mua chung, mua hàng tận gốc do thương nhân, tiểu thương các tỉnh, thành phố phía Nam kết nối triển khai, gồm 10 chủng loại rau, củ Đà Lạt có giá bán phổ biến từ 400.000 - 500.000 đồng hoặc bán sỉ theo combo đa dạng chủng loại trái cây như: ổi có giá 100.000 đồng/10kg, cam 150.000 đồng/5kg...

Ở góc độ nhà bán lẻ, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) khẳng định, giá cả nhóm mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo... của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng từ trước khi giãn cách xã hội đến nay, dù giá những mặt hàng này trên thị trường đã tăng đáng kể. Nhiều nhà bán lẻ và kênh phân phối hiện đại giữ và giảm giá không nằm ngoài mục tiêu đồng hành cùng chính quyền TP Hồ Chí Minh chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân.  

Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết, đang thực hiện chủ trương của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh về việc tăng cường bổ sung vào danh mục những món ăn chế biến nấu chín tiện lợi để đưa lên kinh doanh tại app, website và những ứng dụng công nghệ giao đồ ăn. 

Dự kiến, Saigon Co.op sẽ cung cấp khoảng 200 món ăn và combo, chia làm 3 nhóm chính, gồm: món ăn sáng, món dinh dưỡng ăn liền và món tiện lợi cả ngày.

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 này tại TP Hồ Chí Minh, mô hình "Siêu thị 0 đồng", điểm cung cấp thực phẩm miễn phí, nguồn cung thực phẩm từ nhiều địa phương hỗ trợ... cũng đã kịp thời được triển khai và ngày càng nhân rộng cả quy mô lẫn số lượng trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, những mô hình này đã trở thành điểm đến quen thuộc và được đánh giá là "phao cứu sinh" cho nhóm người dân yếu thế, nhất là người lao động mất việc, có hoàn cảnh khó khăn... do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tiếp cận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.

Bài 3: Mong… chợ đừng đông

Mỹ Phương - Thanh Vũ (TTXVN)