09:20 22/09/2021

Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt để phòng, chống dịch hiệu quả

Các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp, thông qua Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, để có thể huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ cho nhân dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID-19; đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở xã hội, đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế và các hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chú thích ảnh
Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Khánh có gần 10 người (ở đường Hưng Phú, Quận 8, TP Hồ Chí Minh) vui mừng đón nhận 4 phần quà từ "Siêu thị 0 đồng di đồng" san sẻ trước những khó khăn chuỗi ngày giãn cách xã hội "ai ở đâu, ở yên đó".

Trên đây là đề nghị của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại buổi sơ kết, đánh giá kết quả công tác của Tổ công tác sau 2 tháng hoạt động tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam vào ngày 22/9. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì sơ kết.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68, Quyết định 23 của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo các địa phương có giải pháp tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… để đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Sau 2 tháng trực tiếp đôn đốc việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đánh gia cao sự nỗ lực của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố phía Nam đã nhanh chóng vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người dân đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Các hoạt động hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động kịp thời đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị từng thành viên Tổ công tác cần bám sát hơn nữa mục tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện đồng bộ các kế hoạch công tác theo quyết định của Bộ trưởng. “Trong đó, chú trọng theo dõi tình hình đời sống công nhân, người lao động mất việc làm, khảo sát đánh giá về nhu cầu việc làm; tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu với Bộ ban hành các chính sách phù hợp khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ, Tổ Phó thường trực Tổ công tác đặc biệt, từ ngày thành lập, Tổ công tác đã thường xuyên cập nhật việc hỗ trợ tại các tỉnh, thành phía Nam để đưa ra những kiến nghị nhằm gỡ khó cho từng địa phương; liên tục đôn đốc lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh cơ bản đã đảm bảo công tác an sinh; kịp thời giải quyết các nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân, người lao động. Thành phố đã cấp phát xong 14.500 tấn gạo hỗ trợ cho người dân trong đợt đầu; đồng thời đang chuẩn bị tiếp nhận đợt hai với 56.605 tấn còn lại trong tổng số hơn 71.100 tấn gạo Chính phủ cấp hỗ trợ.

TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ gần 1,8/2 triệu túi an sinh, mỗi túi trị giá 300.000 đồng cho người dân; vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê 670.000 phòng trọ với số tiền 329 tỷ đồng; đã cơ bản triển khai xong gói hỗ trợ từ ngân sách của thành phố theo Nghị quyết số 09 của Hội đồng nhân dân thành phố cho các lao động tự do với số tiền trên 5.400 tỷ đồng. Thành phố đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục chi hỗ trợ đợt ba cho trên 7,3 triệu người mất việc, mất thu nhập, hộ nghèo, cận nghèo, người dân gặp khó khăn đang có mặt tại địa phương, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người từ sau ngày 22/9.

Về công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam, ông Phạm Anh Thắng nhận định có những tiến triển khả quan, số ca mắc tại 19 tỉnh, thành phố đều giảm so với đầu tháng 9. "Các tỉnh, thành phố phía Nam đều coi trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội, coi đây là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, mở rộng đối tượng hỗ trợ từ nguồn ngân sách và vận động xã hội hóa từ các nguồn lực thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp để đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, đồng thời phủ rộng hơn đối tượng được hỗ trợ", ông Thắng nhận định.

Theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành phố phía Nam đã nhận được hơn 58.800/136.300 tấn gạo (đạt hơn 43% số gạo được Thủ tướng Chính phủ quyết định). Tổng kinh phí chi chính sách của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt hơn 9.800 tỷ đồng; chính sách bảo hiểm xã hội hơn 2.700 tỷ đồng; chính sách tiền mặt hơn 7.000 tỷ đồng; chính sách vay vốn hơn 35,7 tỷ đồng...

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)