06:17 12/06/2014

Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của PTT Nguyễn Xuân Phúc

Chiều 12/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Tin Tức trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo.

Chiều 12/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Tin Tức trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo:

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thưa đồng bào cử tri cả nước,
­
Theo sự phân công của đồng chí Thủ tướng và thay mặt Chính phủ, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội và đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhất là trong ổn định kinh tế vĩ mô và ứng phó với diễn biến tình hình trên Biển Đông.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Tại Kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến và gửi 149 phiếu chất vấn với 185 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Chính phủ trân trọng và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội và các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước nêu trong Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các câu hỏi chất vấn đã và đang được các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Trong hai ngày qua, đã có 4 thành viên Chính phủ trực tiếp trả lời và một số thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Sau đây, tôi xin báo cáo và giải trình thêm một số vấn đề mà Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

1. Cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014


Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Giá tiêu dùng 5 tháng tăng 1,08%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm kiểm soát ở mức khoảng 5%. Xuất khẩu 5 tháng tăng 15,4%; xuất siêu 1,65 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 45,8% dự toán, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao hơn cùng kỳ, đạt 4,6 tỷ USD. Các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực; c hỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 5,6% (cùng kỳ 4,9%); sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định [1] . Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11 % (nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 6%, cùng kỳ 2013 tăng 4,8%).

Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm thực hiện. Trong 5 tháng đã tạo được gần 620 nghìn việc làm mới, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu trên 45 nghìn lao động, tăng gần 40%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được chú trọng. Thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh và đã khống chế được dịch sởi, sốt xuất huyết, chân tay miệng.

Trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực [2]. Quốc phòng an ninh được tăng cường; các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; đặc biệt đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hòa bình kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Tuy nhiên, như Chính phủ đã báo cáo và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu, kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; thêm vào đó là các tác động từ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Ngay trong tháng 5, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, du lịch, hàng không có mức giảm nhẹ; các thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán có dao động trong một hai ngày do tác động tâm lý nhưng đã ổn định trở lại.

Thời gian tới, kinh tế - xã hội nước ta dự báo có thể bị ảnh hưởng trên một số lĩnh vực với mức độ khác nhau tùy thuộc vào diễn biến tình hình quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và các đối sách, nỗ lực của chúng ta. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém; tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động các phương án ứng phó, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 mà Quốc hội đã đề ra.

2. Tình hình Biển Đông và biện pháp ứng phó


Theo Thông cáo của Quốc hội, từ đầu tháng 5 năm 2014, Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan và triển khai lực lượng hộ tống bảo vệ, có cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) và sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục và kịp thời của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chúng ta đã tiến hành giao thiệp bằng nhiều hình thức với Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân ta đã dũng cảm kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các cơ quan thông tin truyền thông trong nước và nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn đã thông tin kịp thời, trung thực về những hành động phi pháp, vô nhân đạo của Trung Quốc. Nhiều chính phủ, tổ chức, diễn đàn, cá nhân, học giả nước ngoài đã lên tiếng ủng hộ chính nghĩa và những biện pháp đấu tranh của Việt Nam; bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và phê phán mạnh mẽ các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc [3]. Chính phủ, nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Vừa qua, tại một số địa phương, người dân đã biểu tình phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, trong đó kẻ xấu và một số người bị kích động đã có hành vi manh động, vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương kiên quyết ngăn chặn, nhanh chóng ổn định tình hình, xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm và bảo đảm vững chắc an ninh trật tự. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị thiệt hại.

Tất cả các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để tình trạng này tái diễn, bảo đảm an ninh an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp, người nước ngoài tại Việt Nam và bảo đảm tốt môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ cũng đang chỉ đạo các Bộ, cơ quan chức năng dự báo các khả năng có thể xảy ra, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó cả trước mắt và lâu dài; theo dõi sát diễn biến tình hình để áp dụng giải pháp phù hợp trong một số lĩnh vực có quan hệ lớn với Trung Quốc như xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp, các dự án tổng thầu EPC gắn với vốn vay ưu đãi, du lịch...

Tập trung nguồn lực đầu tư phương tiện, trang thiết bị và có chế độ, chính sách phù hợp đối với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn, hỗ trợ kịp thời cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân trên biển trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc, đây là quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, trong kinh tế thị trường. Việt Nam chủ trương nhất quán tăng cường hợp tác hiệu quả với Trung Quốc trong các lĩnh vực này, cả song phương và đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và WTO vì lợi ích của mỗi nước.

Bối cảnh hiện nay đòi hỏi chúng ta càng phải quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế đi liền với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, nguồn vốn đầu tư và đối tác, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác; tạo nền tảng cho phát triển ổn định, bền vững.

3. Về phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ ngư dân


a) Về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Đã sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; báo cáo Bộ Chính trị ra Kết luận về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã có báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2008 - 2013 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2015 và 2020. Thời gian qua, ngay cả khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, phát triển tương đối toàn diện, góp phần ổn định kinh tế - xã hội chung của đất nước. Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi tiếp tục được nâng lên. Đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Công tác quy hoạch, lập đề án, cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới được ban hành khá đồng bộ và tập trung thực hiện. Nguồn lực đầu tư ngày càng tăng và đa dạng; cơ sở hạ tầng nông thôn có chuyển biến rõ rệt. Đời sống của nông dân được cải thiện, thu nhập của người dân nông thôn năm 2013 gấp gần 2,2 lần năm 2008 (nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì tăng 36%, bình quân mỗi năm tăng 6,4%) [4].

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu. Tiến độ triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung; tiêu thụ một số nông sản khó khăn. Việc chuyển dịch cơ cấu, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; nhiều lĩnh vực, địa phương chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được coi trọng đúng mức.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là đối với các mặt hàng nông sản chủ lực. Tập trung tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết, hợp tác, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Có chính sách đủ mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Cùng với việc quan tâm ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tập trung huy động, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác.

b) Về hỗ trợ ngư dân

Phát triển thủy sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ không những có ý nghĩa quan trọng về kinh tế mà còn là hiện diện dân sự, khẳng định và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, thực hiện nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân. Đến nay, hoạt động khai thác hải sản đã tạo việc làm cho khoảng 1 triệu ngư dân tại 28 tỉnh ven biển, trong đó có hàng trăm nghìn ngư dân hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Xây dựng được đội tàu khai thác hải sản với 120 nghìn tàu, trong đó có gần 30 nghìn tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, ngành thủy sản và ngư dân còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, hạn chế về nguồn lực tài chính, các dịch vụ hậu cần, hỗ trợ và thị trường tiêu thụ.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân. Ban hành Nghị định về các chính sách và giải pháp phát triển thủy sản; mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng chính sách khuyến khích, hỗ trợ nuôi trồng, khai thác hải sản và các dịch vụ hậu cần, nhất là trên các vùng biển xa.

Hỗ trợ tín dụng đối với ngư dân để hiện đại hóa tàu cá, đóng mới tàu vỏ thép, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và trang bị ngư cụ, phương tiện thông tin cho tàu cá trên biển. Có chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Triển khai cho vay ưu đãi với thời hạn phù hợp, lãi suất thấp, phương thức, thủ tục cho vay thuận tiện, kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước dành khoảng 10 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với ngư dân.

Ưu tiên bố trí vốn và có cơ chế, chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước phù hợp để phát triển các cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng cá, bến cá gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá , khu neo đậu tránh trú bão, trạm bờ và thiết bị đầu cuối lắp trên tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ). Ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí vốn hàng năm để thực hiện, bảo đảm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án theo quy định. Xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc về nghề cá trên biển. Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả việc sử dụng 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư theo Nghị quyết Quốc hội vừa thông qua.

Đồng thời, đổi mới phương thức tổ chức khai thác hải sản, hình thành các tổ, đội hợp tác sản xuất gắn với tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với ngư dân từ đánh bắt, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ và bảo vệ cho người dân hoạt động, sinh sống trên biển, đảo và ở những vùng thường bị thiên tai ven biển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ khai thác hải sản, hỗ trợ ngư dân, nhất là trong dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm tổn thất, khắc phục rủi ro. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đánh bắt, khai thác hải sản, không xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài.

Cùng với việc ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân, nhân dân cả nước, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, ủng hộ thiết thực cho ngư dân bám biển.

4. Về lao động, việc làm


Trong 3 năm qua, do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, kết quả giải quyết việc làm chưa đạt mục tiêu đề ra; nhiều thanh niên nông thôn, sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc không đúng ngành nghề đào tạo; vẫn còn tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thiếu chuyên gia, công nhân lành nghề...

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng nêu trên. Khẩn trương hoàn thành việc ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật về lao động, việc làm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Triển khai có hiệu quả Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Phát triển thị trường, gắn kết cung cầu lao động. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo lại nghề cho người lao động mất việc, chuyển nghề, hướng nghiệp, phân luồng trong đào tạo, nhất là đào tạo bậc đại học gắn với dự báo nhu cầu thị trường lao động; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và năng lực thực hành.

5. Về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thời gian qua, mặc dù ngành y tế đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng quá tải bệnh viện, y đức, dịch sởi, một số dịch bệnh theo mùa và vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn gây bức xúc trong xã hội. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung làm tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch lớn xảy ra; tăng cường công tác truyền thông , triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chủ động theo dõi, phát hiện và ngăn chặn sớm các dịch bệnh, n hất là bệnh sởi, chân tay miệng, sốt xuất huyết...

Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện. Khẩn trương khởi công xây dựng mới các bệnh viện trung ương và tuyến cuối hiện đại theo kế hoạch. Hình thành, nâng cao năng lực và có chính sách hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh. Tăng cường phân tuyến kỹ thuật, chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Tích cực triển khai Đề án phát triển y tế biển đảo. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện nghiêm các chuẩn mực đạo đức nghề; đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao y đức; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ, chính sách đặc thù đối với cán bộ y tế.

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp, chợ an toàn thực phẩm. Ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và thực phẩm nhập khẩu trái phép, không đảm bảo vệ sinh an toàn. Thực hiện tốt việc cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm. T ăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm.

6. Về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Trước tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, gây thiệt hại ngày càng nặng nề và dự báo có nhiều cơn bão lớn trong mùa mưa bão sắp tới, Chính phủ chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại theo tinh thần 4 tại chỗ (chỉ huy - lực lượng - hậu cần - phương tiện tại chỗ), nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Củng cố hệ thống đê điều, hồ đập; kiểm tra đánh giá hiện trạng và bảo đảm an toàn các công trình hồ chứa; ban hành và hoàn thiện các quy trình vận hành hồ, liên hồ chứa, bảo đảm điều tiết cắt giảm lũ cho hạ lưu và cấp nước trong mùa kiệt.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nhân dân các vùng thường xuyên bị bão lụt miền Trung làm nhà tránh bão lũ. Chú trọng bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, đặc biệt là ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đối với các phương tiện hoạt động trên sông, biển. Ban hành các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình trong các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy chuẩn và nâng cao năng lực, chất lượng dự báo; tăng cường các hoạt động điều tra cơ bản, hiện đại hóa hệ thống thông tin cảnh báo sớm về thiên tai, biến đổi khí hậu. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ cho chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

7. Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả


Thời gian qua, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật; kiện toàn bộ máy, mô hình tổ chức của lực lượng chức năng theo hướng tinh giản, hiệu quả phù hợp thực tiễn; làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, điều tra cơ bản. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc; xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng và người đứng đầu trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.

8. Về thông tin truyền thông, quản lý thông tin mạng

Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng công tác thông tin truyền thông vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số thông tin chưa chính xác, phản cảm; chưa thực hiện tốt kỷ luật phát ngôn; chưa xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý thông tin, báo chí. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng tại nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa được chú trọng đúng mức.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo chủ động tăng cường thông tin chính xác, kịp thời về tình hình kinh tế, xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt quy chế người phát ngôn; đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản và cơ quan thông tin truyền thông. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tập trung làm tốt thông tin đối ngoại. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin truyền thông để tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước và năng lực ứng phó, xử lý sự cố an toàn, an ninh thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Ban hành và triển khai quy chế về việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Xử lý nghiêm các vi phạm và có biện pháp ứng phó kịp thời với các tình huống đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến an ninh, an toàn thông tin quốc gia.

Thưa Quốc hội,

Thay mặt Chính phủ và đồng chí Thủ tướng, tôi đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn. Chính phủ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giám sát thường xuyên của Quốc hội và nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2014.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

[1] Riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt 11,2 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Giá trị sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 3,3%.

[2] Tai nạn giao thông đã giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí. Trong 5 tháng đầu năm đã xảy ra 10.772 vụ, làm chết 3.928 người, làm bị thương 10.556 người; so với cùng kỳ năm 2013 giảm 13,1% số vụ, giảm 5,1% số người chết và giảm 15,9% số người bị thương.

[3] Các tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, Hội nghị tương lai châu Á, Diễn đàn hợp tác an ninh khu vực Shangri-La, Hội nghị Thượng đỉnh G7…; các Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Úc, NewZealand, Singapore, Philippines, Indonesia…

[4] Theo báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo, đến nay có 185 xã đạt 19 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả nước 8,48 tiêu chí/xã (năm 2013); 93,1% số xã hoàn thành quy hoạch chung; 81% số xã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới; khoảng trên 9 nghìn mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.


TTXVN/Tin Tức