06:20 19/06/2015

Bằng mọi cách không để dịch lây nhiễm chéo

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của TP Hồ Chí Minh, song vẫn chưa yên tâm về công tác phân luồng khám chữa bệnh.

Hiện nay phân luồng khám bệnh tại các bệnh viện chưa được thực hiện hiệu quả. Đa phần bệnh viện thu gom bệnh nhân về một mối – phòng khám bệnh, sau đó mới đưa đến các phòng bệnh liên quan. Đây chính là điểm yếu, là nguyên nhân sâu xa tạo điều kiện cho những bệnh lây nhiễm có thể bùng phát- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết như vậy trong buổi đi khảo sát về công tác phòng chống dịch MERS CoV tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 19/6.


Trong buổi làm việc với Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện trên địa bàn thành phố cho biết đã chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện và nhân sự sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra, trong đó chú trọng đến công tác tập huấn cho cán bộ y tế tại các bệnh viện và 24 quận huyện. Nói về công tác theo dõi và điều trị bệnh MERS - CoV, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo phòng - chống dịch MERS -CoV và kế hoạch tiếp nhận, cách ly, điều trị khi bệnh xuất hiện. Theo kế hoạch, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chuẩn bị sẵn sàng 50 giường bệnh tại khoa Nhiễm D. Trường hợp số ca tăng cao lên 60 ca, bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân sang các khoa khác. Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, ngay từ đầu rất khó để phân biệt ca bệnh nhiễm MERS - CoV nên những bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp sẽ phải đeo khẩu trang để tránh lây lan cho cộng đồng và nhân viên y tế. Thời gian qua, bệnh viện cũng đã tiến hành cách ly và theo dõi 6 trường hợp nghi nhiễm MERS - CoV. Còn tại bệnh viện Chợ Rẫy cũng tích cực củng cố lại các khâu, phòng khám có sàng lọc ngay từ đầu, truyền thông cho người dân, có khu vực khám bệnh cho người nước ngoài. Tương tự, tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, Bác sỹ Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: bệnh viện đã xây dựng quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Bệnh viện sẵn sàng di chuyển bệnh nhân qua các khoa khác nếu như bệnh nhân tại khoa Nhiễm vượt quá 30 người.


Bộ y tế đánh giá cao công tác phòng chống dịch MERS CoV tại TP Hồ Chí Minh.


Còn tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế cũng đã triển khai mọi phương án để sớm phát hiện hành khách có nghi ngờ nhiễm MERS- CoV, xử lý kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung Tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được bố trí 4 máy đo thân nhiệt, hoạt động 24/24 để đo thân nhiệt cho hành khách tất cả các nước đến Việt Nam. Tất cả bệnh nhân có sốt đều được theo dõi, khai thác thêm thông tin.


Qua kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của TP Hồ Chí Minh, song vẫn chưa yên tâm khi số lượng giường bệnh dành để đối phó với MERS - CoV vẫn còn ít. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lo lắng khả năng lây nhiễm chéo cao khi số lượng bệnh nhân tại các bệnh viện của thành phố rất đông. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, điểm hình như bệnh viện Nhi Đồng 1, một ngày tiếp nhận 500 – 600 bệnh nhi đến khám và điều trị các bệnh bệnh thì sao tránh khỏi tình trạng lây nhiễm chéo. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nhi tổ chức phân luồng khám bệnh cho hợp lý. Song song đó, các bệnh viện khác như Nhiệt đới và Chợ Rẫy cần hình thành nên một khu khám bệnh riêng cho những người quá cảnh hoặc ở vùng dịch. Tại buổi làm việc Bộ trưởng Bộ y tế còn cho rằng: TP Hồ Chí Minh nên bố trí xây dựng một bệnh viện dã chiến, có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh có nguy cơ xảy ra.


Bộ trưởng Bộ Y tế tỏ ra lo ngại về khả năng dịch lây chéo trong các bệnh viện.


Bên cạnh đó, ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh còn lo ngại, hiện các bệnh viện làm tốt nhưng chúng ta có nguy cơ bỏ sót và lây nhiễm ở phòng khám tư. Thời gian qua có khoảng 50% bệnh nhân tìm đến phòng khám đa khoa trước khi đến bệnh viện công. Như vậy có thể thấy, vai trò của phòng khám tư khá quan trọng. Nếu các phòng khám tư không hướng dẫn cụ thể cho người dân thì nguy hiểm trong công tác phòng - chống dịch.


Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, dịch MERS -CoV đang diễn biến phức tạp với 27 nước có ca nhiễm. Nguy cơ dịch dễ dàng vào Việt Nam. Khâu giám sát ở cửa khẩu rất quan trọng nhưng không phải là tất cả vì chỉ có thể phát hiện sốt ở sân bay. Trong khi đó, có trường hợp về cộng đồng 14 ngày sau mới phát hiện được. Đội phản ứng nhanh không giải quyết mau thì những người bệnh có thể đưa bệnh đi nơi khác mà chúng ta không biết. Cuộc chiến này còn lâu dài nên phải tạo độ nhạy trong việc giám sát, lấy mẫu là rất quan trọng.

 

Bài và ảnh: Đan Phương