06:16 19/06/2020

Bang Florida có dấu hiệu trở thành tâm dịch tiếp theo ở Mỹ

10 bang ở Mỹ chứng kiến số người mới mắc COVID-19 cao kỷ lục trong tuần này. Một trong các bang này có thể là tâm dịch tiếp theo ở Mỹ.

Tình hình đáng lo ngại ở Florida

Chú thích ảnh
Người dân trên bãi biển Miami, bang Florida. Ảnh: Getty Images 

Theo kênh CNN (Mỹ), Florida ghi nhận 3.207 ca mắc COVID-19 vào ngày 18/6 – con số cao nhất trong một ngày ở bang này từ khi đại dịch xảy ra. Tổng số ca mắc bệnh ở Florida đã lên tới gần 86.000 ca.

Theo dự báo từ mô hình của các nhà khoa học thuộc Đại học Pennsylvania và Bệnh viện Nhi Philadelphia, bang Florida có mọi dấu hiệu cho thấy sắp trở thành tâm dịch lớn tiếp theo ở Mỹ.

Tiến sĩ David Rubin, Giám đốc PolicyLab tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, nói: “Điều này làm tôi rất lo lắng vì với con số ta đang thấy hiện nay, nó rất dễ tăng gấp đôi và khiến ta mất kiểm soát đại dịch”.

Ông Rubi cho biết dự báo của mô hình phù hợp với số ca thực tế ở Florida và phù hợp với tình hình nhập viện ngày càng tăng tại các bệnh viện.

Tiến sĩ Jeanne Marrazzo, Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alabama ở Birmingham, nhận định: “Khả năng virus lan nhanh là rất, rất căng thẳng và có thể gây ra hậu quả thảm họa vì bang có dân số già, có nhiều cộng đồng nghỉ hưu, nhiều nhà dưỡng lão”.

Florida tiếp giáp các bang đang chứng kiến số ca mắc mới trung bình hàng ngày tăng kỷ lục. Số lượng người nhập viện cho thấy đây là dấu hiệu số ca tăng thực sự. Hơn 3/4 giường bệnh trong các khoa chăm sóc đặc biệt ở Florida đã kín bệnh nhân. Giường bệnh tại các bệnh viện đa khoa đã kín gần 75% trên khắp bang.

Thống đốc bang Florida cùng một số lãnh đạo bang khác cho rằng số ca mắc mới tăng là do xét nghiệm nhiều hơn và do một số yếu tố khác như tình trạng sống chật chội trong các gia đình nhập cư.

Còn các nhà dịch tễ học lại cho rằng số ca mắc cần phải giảm xuống khi xét nghiệm rộng hơn, vì về mặt lý thuyết, giới chức y tế cần có khả năng truy vết các ca bệnh và giảm tốc độ virus lây lan.

Chú thích ảnh
Thị trưởng thành phố Miami, ông Francis Suarez. Ảnh: Shutterstock

Thị trưởng thành phố Miami, ông Francis Suarez, cho biết người dân ở Miami đặc biệt lo ngại về số ca bệnh và bệnh nhân nhập viện gia tăng. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để Miami không trở thành tâm dịch”.

Thị trưởng thành phố St. Petersburg, ông Rick Kriseman, đang yêu cầu mọi người lao động ở các doanh nghiệp phải đeo khẩu trang khi gặp mặt khách hàng.

Cảnh sát ở hạt Miami-Dade được phái tới các cửa hàng, bãi biển và công viên để yêu cầu người dân thực thi giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Thị trưởng Miami-Dade cam kết sẽ thực hiện cứng rắn các biện pháp phòng chống dịch vì mọi người đang quá thoải mái.

Miami sẽ tăng cường yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện biện pháp bảo vệ để tìm cách ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các biện pháp cứng rắn hơn sẽ được áp dụng trở lại nếu virus vượt tầm kiểm soát.

Ông Suarez cho biết mọi thứ sẽ được tính tới nếu ca nhập viện tăng hơn nữa.

Mỹ chưa hết làn sóng thứ nhất?

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 17/6. Ảnh: THX/TTXVN

Khi 23 bang chứng kiến số ca mắc COVID-19 mới gia tăng, các chuyên gia y tế tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm virus lây lan.

Dù số ca tiếp tục tăng nhưng Nhà Trắng đã bác bỏ các nguy cơ. Tổng thống Donald Trump nói trong phỏng vấn mới đây rằng lây lan virus đang giảm dần.

Tiến sĩ Jonathan Reiner, Giáo sư y khoa Đại học George Washington, cho rằng thực tế là đại dịch vẫn đang hoành hành tích cực ở Mỹ và có những thứ khó khăn mà người dân Mỹ phải làm. Các bang có ca mắc tăng sẽ phải thực hiện lại các biện pháp giãn cách xã hội với mức độ cao hơn.

Nói về số ca mắc tăng vọt ở Florida, Texas và Arizona, Tiến sĩ Peter Hotez tại Đại học Y khoa Baylor cho rằng Mỹ chưa kết thúc làn sóng thứ nhất. Ông nói: “Chúng ta chưa hoàn thành giai đoạn giãn cách xã hội mà chúng ta cần thực hiện”.

Các mô hình chỉ ra rằng các bang cần kéo dài lệnh yêu cầu dân ở nhà cho tới hết tháng 5, nhưng các bang lại mở cửa quá sớm. Nới lỏng các hạn chế và biện pháp phòng ngừa khiến nhiều người tập trung và trong một số trường hợp, họ sẽ nhanh chóng nhiễm virus.

Thùy Dương/Báo Tin tức