12:22 03/12/2015

Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc - Bài cuối

Nói tới việc trồng cao su, anh Sơn lắc đầu nói “nghèo thêm thôi”. Anh Sơn kể một số hộ trong bản không góp đất, họ trồng cây ngô, cây chuối thì đã đổi đời, mua được xe máy và các vật dụng trong gia đình.

DÂN KHÔNG CÒN  MẶN MÀ VỚI CAO SU

Một số hộ dân trồng cao su tiểu điền đã khai thác mủ cho biết, với giá bán cao su thấp như hiện nay thì người trồng sẽ bị thua lỗ. Do lợi ích kinh tế của việc trồng cao su không đảm bảo nên người dân không còn mặn mà với cây “vàng trắng”.

Nghèo vì trồng cao su

Trong ngôi nhà tềnh toàng của vợ chồng anh Chang Minh Sơn, ở xã Hoang Then, huyện Phong Thổ (Lai Châu) không có tài sản nào giá trị. Mâm cơm tối gia đình, chỉ có mấy cọng măng trong bát đầy nước. Nói tới việc trồng cao su, anh Sơn lắc đầu nói “nghèo thêm thôi”. Anh Sơn kể một số hộ trong bản không góp đất, họ trồng cây ngô, cây chuối thì đã đổi đời, mua được xe máy và các vật dụng trong gia đình. Theo anh Sơn, trước cao su chưa rớt giá, làm công nhân được nhiều thì gần 2 triệu đồng tiền lương/tháng, còn hiện giờ làm không đủ ăn, tháng 6 vừa rồi phải tính chuyện bỏ việc. Nhiều người làm công nhân như anh, cũng đua nhau nộp đơn nghỉ để làm việc khác thu nhập cao hơn.

Bí thư Đảng ủy xã Hoang Thèn, ông Chang Thanh Bình đang ngày đêm đau đáu lo lắng, vì ngày đầu triển khai chương trình trồng cây cao su, ở xã ông là trưởng ban vận động nhân dân góp đất để trồng cây “vàng trắng” này. Bây giờ cây cao su gặp khó khăn, ông chẳng còn mặt mũi nào để gặp bà con, có người không hiểu còn chửi đổng khi ông đi qua. Ông Bình cho biết, hộ trồng cây khác cho hiệu quả kinh tế cao từng vụ một, bỏ túi liền tay, còn hộ trồng cao su phải “bóp miệng” 8 năm mà chưa được ăn chia lợi tức, với mức giá mủ thấp như hiện nay thì chỉ có lỗ. Vì vậy, các hộ góp đất trồng cao su đã hối tiếc, nhiều người đe dọa lên nương chặt cây cao su, lấy lại đất trồng cây khác. Dân bản nói là làm thật, có trường hợp buổi tối lên vườn chặt bỏ cây cao su, đã bị phát hiện và cảnh cáo toàn xã.

Thực tế, ở bản Pá Bon, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), người dân tộc Mảng tham gia góp khoảng 300 ha đất trồng cao su, vốn dĩ điều kiện sống khó khăn nay lại càng túng quẫn hơn. Người dân ở đây không có ruộng, mỗi nhà chỉ có một vài ha nương và đất rừng, góp hết đất trồng cao su, thì chẳng còn đất để canh tác. Trong lúc chờ đợi cây cho mủ, bà con phải đi làm thuê đủ việc để kiếm sống qua ngày. Hy vọng đổi đời từ cây “vàng trắng”, nay mủ rớt giá mạnh và cây chưa đưa vào khai thác, không có thu nhập, đời sống khó khăn thì trở thành thất vọng với nhiều người dân góp đất. Nhiều công nhân trong bản đã bỏ việc, để tham gia làm công nhân thủy điện, lương cao gấp đôi. Anh Pàn Văn Chường nói: “Chẳng còn đất để chăn thả con trâu, con bò, chứ lấy đâu ra đất để trồng cây khác mà sống”.

Về phía chính quyền tỉnh Lai Châu, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Quảng cho rằng, tham gia “cuộc chơi” với doanh nghiệp thì người dân cũng phải chấp nhận rủi ro, khi tiền công cao ai kêu? Nếu giá mủ giảm mà ta chặt bỏ cây cao su, cây khác cũng làm như vậy, thì sao bảo đảm lâu dài. Người dân phải kiên trì, không nên hoang mang... Ông Quảng cũng khẳng định: “Diện tích cao su trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 10% so với các loại cây trồng khác, nên không ảnh hưởng là bao”. Tuy nhiên, theo ông Chang Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Hoang Thèn, các lãnh đạo không phải là người dân thì không biết được những khó khăn, vất vả của dân. Chủ trương buộc dân phải trồng cây cao su cũng là của lãnh đạo tỉnh, bây giờ lại bảo dân phải chấp nhận rủi ro cùng doanh nghiệp?!

Trả đất cho dân sản xuất

Ông Phan Ngọc Bình, Phó Giám đốc Công ty CP cao su Mường Nhé (Điện Biên) cho biết, theo quy hoạch, địa bàn Mường Nhé sẽ trồng 5.000 - 7.000 ha cao su. Hiện công ty đã trồng được 1.131 ha; trong đó, 260 ha đến giai đoạn cho thu hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể khai thác bởi giá mủ trên thị trường quá thấp, nếu thu hoạch sẽ lỗ. Về phía công ty cao su thì có đủ lý do, còn người dân thì thấp thỏm chờ đợi từng ngày để được ăn chia lợi tức. Đất sản xuất góp hết với công ty trồng cao su, để có cái ăn, người dân ở đây buộc phải phá rừng lấy đất trồng cây ngô, cây sắn.

Tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc ngày 12/11 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Điện Biên khẳng định sẽ xem xét lại việc thu hồi các diện tích đã giao cho Công ty cổ phần cao su Mường Nhé, để giao lại cho người dân sản xuất lương thực, đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Ông Hà Văn Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho rằng, việc trồng cao su ở huyện Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung là không phù hợp. “Trước kia, làm Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, tôi đã không đồng ý trồng cao su, vì nếu trồng dân không còn đất sản xuất, rừng sẽ bị chặt phá. Đồng bào dân tộc nghèo, lấy gì để ăn, trong khi cây cao su 7 - 8 năm mới cho thu hoạch mủ. Theo tôi phải thu lại diện tích đất của công ty cao su, chia lại cho hộ dân sản xuất thì sinh kế của họ mới ổn định”, ông Quân chia sẻ.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã kiểm tra tại huyện Mường Nhé, phát hiện có nhiều bất cập trong việc phát triển cao su ồ ạt tại vùng đất này. Đây là địa bàn đang thiếu quỹ đất dành cho việc sắp xếp, ổn định dân cư theo Đề án 79 của Chính phủ. Mỗi hộ dân chỉ được bố trí 2 ha đất sản xuất, nhưng tại các vùng quy hoạch trồng cao su như xã Mường Nhé, Nậm Kè... nhiều hộ dân đã góp cả diện tích đất này vào trồng cao su. Thực tế trên, dẫn tới tình trạng dân không còn đất sản xuất lương thực để đảm bảo cuộc sống trong những năm chờ cao su thu hoạch. Như vậy, dẫn tới tình trạng người dân tiếp tục phá rừng để lấy đất sản xuất.

Cụ thể, tại Công ty cổ phần cao su Mường Nhé, hơn 500 hộ tham gia góp đất trồng cao su. Tuy nhiên, theo báo cáo của lãnh đạo công ty, số lao động thường xuyên của đơn vị lại chỉ 102 người, chủ yếu là lao động từ các địa phương khác. Lao động của các gia đình tham gia góp đất hay người dân địa phương không tham gia, mà đi làm nương rẫy tại các khu vực khác để lấy cái ăn trước mắt. Rời các tổ đội sản xuất và các bản có đất góp trồng cao su, nhìn vườn cao su bạt ngàn, tôi lại ám ảnh những ánh mắt đói nghèo của người một nắng hai sương, vun lên màu xanh đó.

Xem từ Bài 1: Luyến tiếc mang rừng trồng cao su
Bài và ảnh: Việt Hoàng