08:16 26/08/2014

Băn khoăn thu phí đường bộ với xe máy tại TP.HCM

Đề án của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM về thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô 2, 3 bánh, xe gắn máy trên địa bàn từ ngày 1/1/2015 đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều.

Dự kiến phải đến kỳ họp tháng 9/2014 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) mới cho ý kiến thông qua hay không, nhưng hiện nay đề án của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM về thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô 2, 3 bánh, xe gắn máy trên địa bàn từ ngày 1/1/2015 đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều.

Ảnh minh họa.


Hàng triệu xe đóng phí

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2013, thành phố có hơn 5,3 triệu xe máy đăng ký, chưa kể số lượng lớn xe máy các tỉnh lân cận ra – vào biến động thường xuyên. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu xe máy phải đóng phí, công tác thu cũng sẽ được tiến hành trên số lượng lớn, phân tán ở 24 quận, huyện.

Thời gian đề xuất thu sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2015 với các mức phí như sau: Loại có dung tích xy lanh đến 100 cm3 thu 50.000 đồng/năm, loại có dung tích xy lanh trên 100 cm3 đến 175 cm3 thu 120.000 đồng/năm, loại có dung tích xy lanh trên 175 cm3 thu 150.000 đồng/năm và loại xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh thu 2.160.000 đồng/năm. Đối tượng chịu phí là toàn bộ phương tiện xe mô tô lưu thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, kể cả đối tượng tạm trú.

Theo Sở Giao thông Vận tải, mức thu đề xuất nói trên đã tham khảo các địa phương đã thực hiện trước như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Bên cạnh đó, Sở cũng căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của TP.HCM nhằm đảm bảo tính công bằng, trong đó ưu tiên các đối tượng khó khăn, có mức thu nhập trung bình, khá.

Về phương thức thu, nộp phí, UBND xã, phường, thị trấn sẽ là cơ quan thu phí đối với xe mô tô của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn; việc nộp phí có biên lai xác nhận. Qua năm đầu tiên triển khai, Quỹ bảo trì đường bộ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có các cơ sở dữ liệu để xem xét và tiếp tục nghiên cứu phương thức ứng dụng công nghệ vào việc thu phí nhằm hạn chế tỷ lệ thất thu và giảm kinh phí tổ chức thu.

Đối với số tiền thu được, Sở Giao thông Vận tải đề xuất tạm thời áp dụng tỷ lệ để lại trong những năm đầu tiên thu phí với mức 10% cho các phường, thị trấn nhằm trang trải chi phí tổ chức thu; còn các xã được để lại 20%.

Từ tháng 9/2014 đến cuối năm 2014, UBND các quận huyện sẽ hướng dẫn người sử dụng phương tiện kê khai, thống kê và báo cáo Quỹ bảo trì đường bộ TP.HCM khái toán nguồn thu. Căn cứ khái toán này, Quỹ bảo trì đường bộ Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2015.

Cũng trong thời gian này, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các thủ tục cần thiết khi nộp phí bảo trì đường bộ, các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan việc nộp phí; đồng thời rà soát các đối tượng cố tình không kê khai để tiến hành nhắc nhở, xử phạt.

Nhiều ý kiến về hiệu quả thực hiện

Phản ứng về vấn đề thu phí đường bộ đối xe máy, anh Nguyễn Như Cương, hành nghề xe ôm tại quận 12 cho biết, vợ chồng anh cùng 2 người con từ Quảng Ngãi vào HCM thuê trọ, hàng tháng ngoài vấn đề chi tiêu ăn uống sinh hoạt hàng ngày, gia đình anh còn phải trả khoản tiền thuê phòng, tiền điện, tiền nước, tiền rác, tiền học... Nay gia đình anh lại thêm tiền phí đường bộ xe máy; mặc dù không quá nhiều trong 1 năm nhưng vẫn tạo cảm giác không thoải mái.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, với đặc thù dân số đông, chủ yếu là người nhập cư nên việc thu phí xe máy tại TP.HCM không mấy khả quan, thậm chí chi phí cho việc thu phí còn có thể lớn hơn số tiền thu về. Trong việc thu phí này cũng rất dễ xảy ra gian dối; do khó kiểm soát đối tượng thu, cách thu, từ đó người dân dễ có cảm giác đang bị “tận thu”.

Trong khi đó, theo Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, phí bảo trì đường bộ đã được Chính phủ ban hành và áp dụng từ năm 2013 nên việc TP.HCM bây giờ mới triển khai là không gấp, hầu hết người dân đã nắm được quy định liên quan nên sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ này.

Về vấn đề thu sao cho hiệu quả, Luật sư Thái Văn Chung cho rằng, thành phố nên triển khai theo hệ thống: Thành phố chỉ đạo cho quận, huyện; quận huyện chỉ đạo các phường, xã; các phường, xã triển khai đến các tổ trưởng tổ dân phố, trên cơ sở đó khu phố sẽ nắm rõ từng hộ gia đình để thu đúng, thu đủ.

Chuyên gia giao thông, TS. Phạm Sanh chia sẻ, phí xe máy ước tính 300 tỷ đồng/năm không phải lớn đối với kinh tế TP.HCM nhưng lại khá nhạy cảm với 8 triệu người dân Thành phố, nhất là có hơn 70% hộ dân đang sử dụng xe máy vào công việc đi lại và mưu sinh hàng ngày.

Do vậy, trong mối tương quan về thu nhập, các khoản phí giao thông khác, chất lượng hệ thống giao thông thì vấn đề tổ chức thu để tránh phiền hà cho người dân, thu sao cho khoa học, sử dụng tiền thu sao hiệu quả, đặc biệt là duy tu công trình nào, kết quả ra sao là điều rất quan trọng, nhất thiết phải công khai cho dân biết, để dân giám sát.

TS. Phạm Sanh cho biết thêm, Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính có nói đến các trường hợp miễn thu như hộ nghèo, xe không sử dụng quá lâu nên Thành phố cần phải có hướng dẫn rõ hơn. Trong quá trình thu chắc chắn sẽ có sót và để hạn chế thấp nhất điều này cần có sự tham gia của lực lượng cảnh sát giao thông thông qua việc kết hợp kiểm tra giấy tờ xe nhất là các xe ngoài tỉnh vào Thành phố.

Đối với tỷ lệ để lại chi cho công tác tổ chức từ 10% - 20%, Bộ Tài chính cần hướng dẫn nội dung chi tiết nếu không dễ gây tiêu cực và mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền cấp phường - xã. Số tiền để lại đó nên sử dụng một phần vào công tác duy tu một số đường thôn ấp, hẻm phố..., như vậy sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực hơn.


Trần Xuân Tình (TTXVN)