10:20 26/10/2020

Bán hàng hóa, dịch vụ có phải cấp hóa đơn cho người mua?

Độc giả băn khoăn hỏi nội dung Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ điện tử vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có phải cấp hóa đơn cho người mua? 

Chú thích ảnh
Người mua hàng hóa, dịch vụ phải yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn.

Theo Tổng cục Thuế, Nghị định 123 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022. Điều này có nghĩa hóa đơn giấy đang áp dụng hiện nay sẽ tiếp tục được áp dụng và tuân thủ theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP, Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, Nghị định 123 cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin nên áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1/7/2022.

Nghị định 123 cũng yêu cầu người mua hàng hóa, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn đúng mục đích; cung cấp thông tin trên hóa đơn cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in thì phải cung cấp hóa đơn bản gốc, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì thực hiện quy định về việc tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử.

Theo đó, người mua hàng hóa, dịch vụ phải yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ; cung cấp chính xác thông tin cần thiết để người bán lập hóa đơn; thực hiện ký các liên hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc người mua ký trên hóa đơn.

Ngoài việc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và người mua hàng hóa dịch vụ, Nghị định 123 cũng quy định trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử. Theo đó, Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, chứng từ điện tử để phục vụ công tác quản lý thuế, phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan khác như công an, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng...

Các cục thuế có trách nhiệm quản lý hoạt động tạo, phát hành hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đặt in, phát hành các loại hóa đơn để bán cho các đối tượng theo quy định; thanh tra, kiểm tra hoạt động tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn, chứng từ trên địa bàn. Các chi cục thuế có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; sử dụng chứng từ điện tử trong phạm vi được phân cấp quản lý; theo dõi, kiểm tra hoạt động hủy hóa đơn, chứng từ theo quy định trong phạm vi được phân cấp quản lý thuế.

Để quản lý chặt chẽ hóa đơn, chứng từ điện tử, Nghị định 123 cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, người nộp thuế và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu về hóa đơn điện tử. Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực: điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại thực hiện hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.

 

Tin ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức