08:18 16/08/2021

Bài toán nợ xấu và chi phí dự phòng

Trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ gia tăng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, việc bổ sung, sửa đổi các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các tổ chức tín dụng đang được đặc biệt quan tâm.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN thay thế Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 11 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2021.

Điểm thay đổi lớn nhất tại thông tư này là các tổ chức tín dụng phải phân loại nợ ít nhất mỗi tháng một lần, trong 7 ngày đầu tiên của tháng, thay vì mỗi quý một lần, trong 15 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của mỗi quý như quy định cũ tại Thông tư 02. Song song với đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh nhóm nợ và điều chỉnh tương ứng số tiền trích lập dự phòng rủi ro của tháng cuối cùng của quý theo danh sách do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cung cấp trong thời hạn 3 ngày.

Ngoài ra, Thông tư mới cũng quy định sau thời gian tối thiểu 5 năm, từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Theo giới chuyên gia, việc bổ sung quy định này nhằm đưa ra một chuẩn mực đảm bảo các tổ chức tín dụng thực hiện thống nhất. "Thông tư 11 đưa ra khung pháp lý chặt chẽ hơn để phân loại nợ và trích lập dự phòng, đóng vai trò là một văn bản để đảm bảo cho cả ngành áp dụng các tiêu chuẩn giống nhau", nhóm chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên xoay quanh các quy định mới, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho hay nhiều ngân hàng hiện đã chủ động phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo tháng nhưng việc phân loại nợ và trích lập dự phòng còn khác nhau giữa các ngân hàng.

"Bên cạnh các ngân hàng thực hiện nghiêm việc phân loại nợ và trích lập dự phòng đầy đủ, vẫn còn có tổ chức tín dụng vì một vài lý do nào đó như lo ngại sụt giảm lợi nhuận hay ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín dụng mà còn chưa đánh giá và trích lập đầy đủ cho các khoản nợ rủi ro cao", vị lãnh đạo đánh giá.

Theo quy định về tỷ lệ trích lập dự phòng hiện nay, mà thông tư mới ban hành vẫn giữ nguyên, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể đối với từng nhóm nợ như sau: 0% với nợ tiêu chuẩn - nợ nhóm 1; 5% với nợ cần chú ý trích lập - nợ nhóm 2; 20% với nợ dưới chuẩn - nợ nhóm 3; 50% với nợ nghi ngờ - nợ nhóm 4 và 100% với nợ có khả năng mất vốn - nợ nhóm 5. Mức trích lập dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, tức là ngay khi phát sinh một khoản vay 100 tỷ đồng, thì ngân hàng phải lập tức trích dự phòng chung 750 triệu đồng.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, từ mức 1,69% hồi cuối năm 2020 lên mức 1,78% vào thời điểm cuối tháng 4/2021.

Hơn nửa số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 đều ghi nhận số dư nợ quá hạn tăng cao so với cuối năm 2020 và nhiều ngân hàng cũng đã mạnh tay trích lập dự phòng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã đạt trên 100%, thậm chí một số ngân hàng đạt trên 200-300%.

Cụ thể tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến hết tháng 6/2021 là 352%, tức cứ 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng này đã dự phòng tới 352 đồng. Hay như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), tỷ lệ này lần lượt đạt 236% và 259%...

Đánh giá về những con số này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến vài trăm phần trăm như vậy về mặt sổ sách là rất tốt nhưng thực tế, các ngân hàng khi cho vay ra đều muốn dòng tiền sẽ quay trở lại với ngân hàng để rồi xoay vòng trả lại cho người gửi tiền tạo thành một vòng tròn khép kín. Trong trường hợp người vay không thể trả nợ, vòng tròn đó bị đứt đoạn, mà mặt khác, người gửi tiền lại vẫn có nhu cầu rút tiền về, ngân hàng khi đó sẽ đối mặt với rủi ro mất thanh khoản.

"Do đó, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tôi vẫn rất lo lắng là dòng tiền cho vay các doanh nghiệp và cá nhân tiêu dùng khó trở lại với ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của ngân hàng và cả nền kinh tế nói chung", ông Hiếu chia sẻ.

Bên cạnh đó, những số liệu về nợ xấu hiện nay còn chưa được phản ảnh đầy đủ. Bởi các ngân hàng được phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ để giúp khách hàng gặp khó khăn vì dịch bệnh theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Do đó, nhiều món nợ đáng lý phải chuyển thành nợ xấu thì vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, nên tổng dư nợ xấu có thể thấp hơn nhiều so với nợ xấu thực tế kéo theo dự phòng nợ xấu trên sổ sách có thể thấp hơn nhiều so với số dự phòng nếu ngân hàng phải trích lập dự phòng đúng với thực tế.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 01 và 03 đã cho thấy sự đồng hành của Ngân hàng Nhà nước với doanh nghiệp và người dân, giúp người đi vay không bị nhảy nhóm nợ, tạo điều kiện tiếp cận dòng vốn để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc giữ nguyên nhóm nợ cũng tiềm ẩn nguy cơ cao với ngân hàng nếu chỉ theo dõi nợ trên sổ sách mà không sát sao vào thực tế.

Một doanh nghiệp lẽ ra nợ nhóm 4 rồi mà vẫn giữ ở nhóm 2 mà không có biện pháp cụ thể để hỗ trợ hoặc ngăn chặn việc nhảy nhóm nợ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy cho ngân hàng và cho cả hệ thống tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

Mới đây, các ngân hàng cũng đã có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi Thông tư 03 và có các giải pháp hỗ trợ ngân hàng phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biễn hết sức phức tạp hiện nay. Cụ thể, các ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung có thể 5 năm và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm áp lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, giúp có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh, vừa triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

Về khoản nợ được miễn, giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 mang tính đặc thù, trong trường hợp khách hàng đã trả đầy đủ nợ sau khi được miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng không phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo nợ nhóm 3 như quy định tại Thông tư 02.

Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị cần ban hành thông tư mới thay vì sửa đổi Thông tư 03 hiện nay, thậm chí các cơ quan quản lý có thể đề nghị ban hành nghị định để gắn với các giải pháp chính sách tài khoá sát với năng lực phục hồi của khách hàng, giúp chính sách đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Cùng với việc ban hành Thông tư 11, xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, 03, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến với đề nghị xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Đây được xem là những bước đi tích cực giúp hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện để các ngân hàng xử lý nợ, giảm áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong tương lai.

Lê Phương (TTXVN)