07:05 14/07/2011

Bài học về lấy dân làm gốc

Chính thức ra mắt tối 12/7, vở diễn lấy đề tài lịch sử "Đạo học" (kịch bản Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch Việt Nam, đã thực sự chinh phục khán giả Thủ đô.

Chính thức ra mắt tối 12/7, vở diễn lấy đề tài lịch sử "Đạo học" (kịch bản Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch Việt Nam, đã thực sự chinh phục khán giả Thủ đô.

Một cảnh trong vở diễn “Đạo học”.


Khai thác hình tượng người thày giáo lỗi lạc về trí tuệ và nhân cách đạo đức trong lịch sử Việt Nam Chu Văn An (1292-1370), vở diễn mở đầu với lớp học của Chu Văn An, nơi mà những học trò thủy thần của ông, vì cảm sự đức độ, cảm tấm lòng, cốt cách của người thày, đã sẵn sàng hy sinh thân mình để làm mưa, cứu dân khỏi cảnh hạn hán kéo dài. Kết thúc vở diễn, cũng lại là lớp học làm người của thày Chu Văn An, khi ông đã từ quan về ở ẩn vì dâng "Thất trảm sớ" mà không được vua Trần Dụ Tông chấp nhận; với những học sinh được nghe về đạo lý "Phải thuận theo ý dân, dù họ thấp hèn. Trung với Vua, nhưng phải lấy dân làm trọng"...

Nổi bật trong vở diễn là tấm gương sáng của thày giáo Chu Văn An, với cốt cách cương trực của một người học rộng biết nhiều nhưng không ham công danh phú quý, phần lớn cuộc đời ông dành cho sự nghiệp trồng người. Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Đỗ Thái Học Sinh nhưng không ra làm quan, Chu Văn An mở trường dạy học tại làng Cung Hoàng (Thanh Trì, Hà Nội). Vua Trần Minh Tông (1300-1357) vì thấy được sự uyên thâm trong học vấn của ông nên mời ra giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho Thái Tử. Đến thời vua Trần Dụ Tông (1336-1369), đau đớn trước thói xu nịnh, đố kỵ, ăn chơi sa đọa của văn võ bá quan trong lúc đất nước suy vong bởi thiên tai địch họa, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém bảy gian thần. Sớ dâng không được phê chuẩn, vua tôi quần thần vẫn mải mê tửu sắc bỏ bê việc nước, Chu Văn An đã xin từ quan lui về ở ẩn và tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Đối lập với chân dung sáng ngời trí tuệ và nhân cách đạo đức của Chu Văn An, là những việc làm phi đạo đức của vua Trần Dụ Tông, cùng với sự lũng đoạn của bọn gian thần, thái giám trong triều. Đó là hình ảnh của vua Trần Minh Tông, vì tin lời gian thần đã khiến người cha vợ, cũng là Phụ Quốc của mình, phải chết can, chết ức. Đó là hình ảnh vua Trần Dụ Tông lơi là chữ Thánh hiền, chỉ thích ăn chơi sa đọa, sẵn sàng làm những việc phi đạo đức, khiến dân lâm vào cảnh lầm than, khốn khổ vì phu phen, chết đói đầy đường...

Đạo diễn NSND Lê Hùng cho biết: “Vở diễn mong muốn lột tả rõ nét chân dung những kẻ gian thần, để người đời sau thấy được phẩm chất về tấm lòng trung nghĩa, ái quốc của Chu Văn An, một trí thức, một nhà sư phạm mẫu mực”. Đồng thời, sau “Mĩ nhân và anh hùng”, “Đêm của bóng tối” và bây giờ là “Đạo học”, NSND Lê Hùng cũng muốn thông qua những tác phẩm kịch lịch sử nêu bật được thông điệp của các bậc tiền nhân: “Đạo của nước là phải biết lấy dân làm gốc”.

Ngoài cảm giác hơi rườm rà ở phần mở đầu, còn lại vở diễn "Đạo học" thật sự là tác phẩm đáng xem của Nhà hát Kịch Việt Nam. Đặc biệt, các diễn viên đã làm tròn vai của mình như Việt Thắng (vai Chu Văn An), Vĩnh Xương (vai Trần Minh Tông), Xuân Bắc (vai thái giám)...

P.V