11:06 06/11/2016

Bài học từ mô hình kinh tế thành công của Hàn Quốc

Sau Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay với chính Pháp, châu Phi có một người "bạn" mới đó là Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.

Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Hàn Quốc-châu Phi về hợp tác kinh tế (KOAFEC) lần thứ năm diễn ra tại Seoul hồi cuối tháng 10 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố gói hợp tác tài chính trị giá 10 tỷ USD trong vòng 4 năm tới với các đối tác châu Phi. Theo kế hoạch, 5 tỷ USD sẽ được giải ngân trong vòng 2 năm tới. Những lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa Hàn Quốc và châu Phi là trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng.

Đại diện Hàn Quốc và châu Phi ký thỏa thuận phát triển mới.


Bắt đầu từ năm 2006, KOAFEC được tổ chức 2 năm một lần nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển kinh tế của Hàn Quốc với các nước châu Phi, thảo luận về hợp tác khai thác tài nguyên, hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc tiến vào thị trường Lục địa đen. Hội nghị năm nay có chủ đề “Cải cách nông nghiệp châu Phi bằng công nghiệp hóa và tài chính”, với sự tham gia của Bộ trưởng, Thứ trưởng 41 nước châu Phi, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB). Sự kiện năm nay còn thu hút sự tham gia của Giám đốc điều hành 20 doanh nghiệp tư nhân của châu Phi, nâng tổng số đại biểu tham dự hội nghị lên khoảng 300 người, được coi là quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Khác với một số đối tác lâu năm của châu Phi, Chính phủ Hàn Quốc chú trọng đến việc phát triển hợp tác theo hướng bền vững thay vì khai thác cạn kiệt tài nguyên của châu lục. Theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, nước này hướng đến trở thành một đối tác thực sự của châu Phi, luôn sẵn sàng chia sẻ và truyền thụ những kinh nghiệm đã giúp Hàn Quốc vươn lên thành một trong những quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới.

Không có bất cứ một đô thị lớn ở khu vực Nam Sahara sánh được với thủ đô Seoul hiện nay với những trung tâm thương mại lớn, những tòa tháp hiện đại, những công viên được quy hoạch và chăm sóc kỹ càng. Seoul được quản lý và tổ chức tốt. Dường như cũng khập khiễng nếu so sánh Hàn Quốc, một quốc gia có 15 doanh nghiệp nằm trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới với các nước châu Phi.

Trên thực tế, trước khi trở thành một nước công nghiệp phát triển, Hàn Quốc cũng đã phải trải qua những khó khăn, nghiệt ngã tương tự với nhiều nước châu Phi hiện tại. Samsung Electronics, một tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới hiện nay, đã ra đời trong những năm 1960 dưới dạng liên doanh với 2 tập đoàn Nhật Bản là Sanyo Electric Co. và NEC Corporation, lúc đó chịu trách nhiệm giám định sản phẩm. Trước khi trở thành một trong những tập đoàn lớn trên thế giới về đóng tàu biển, Hyundai Heavy Industries đã phải đến Anh và Hy Lạp để tìm kiếm vốn đầu tư và khách hàng. Chủ nghĩa hoài nghi vẫn tiếp tục bao quanh Lục địa đen cũng đã từng phủ lấy Hàn Quốc.

Thật khó để giải thích một cách ngắn gọn về mô hình phát triển của Hàn Quốc. Để có được tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người từ khoảng 50 USD sau chiến tranh lên gần 30.000 USD hiện nay, Seoul đã thực hiện một số chính sách như đề cao doanh nhân; đầu tư không giới hạn cho giáo dục và công nghiệp.

Không giống Singapore, nước đã dựa vào cảng để trở thành trung tâm tài chính và hậu cần, hoặc Trung Quốc, nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào kết hợp với dân số cho phép nước này phát triển toàn diện, Hàn Quốc tập trung nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp lớn hoàn toàn định hướng xuất khẩu.

Các nước châu Phi có thể dựa vào mô hình thành công này không? Toàn cầu hóa đã thay đổi cuộc chơi và làm cho thị trường thế giới trở nên cạnh tranh hơn những năm 1970. Các nước châu Phi có thị trường nội địa nhỏ sẽ tìm thấy một vị trí trong chuỗi sản xuất công nghiệp thế giới trong khi việc xây dựng một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh có vẻ như ngoài tầm với của họ.

Tuy nhiên, bài học thực tế của Hàn Quốc là chỗ khác: điều quan trọng là nhắm đến một ngành có khả năng tạo việc làm và dành phần lớn năng lượng và tài chính cho ngành đó. Nền kinh tế Hàn Quốc thành công trong 2-3 thập kỷ chủ yếu là nhờ chuyển từ đánh bắt cá sang dệt may, công nghiệp nặng, ô tô, công nghệ và mới đây nhất là âm nhạc. Và mỗi lần như vậy, mọi nỗ lực về tài chính và nhân lực đều được xem là ưu tiên. Ngoài ra, người Hàn Quốc cũng luôn biến khủng hoảng thành cơ hội.

Một thập kỷ qua, KOAFEC đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc với các nước châu Phi nhằm tạo ra động lực thúc đẩy cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này. Cũng trong một thập kỷ qua, viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Hàn Quốc dành cho châu Phi đã tăng gấp 6 lần trong khi vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào châu lục này đã tăng gấp 7 lần. Theo tờ "Korea Times", chỉ tính riêng trong năm 2014, ODA của Hàn Quốc dành cho châu Phi đạt 332,7 tỷ USD. Con số này cho thấy sự chuyển hướng của Hàn Quốc vào thị trường này vì trước đây Hàn Quốc thường tập trung viện trợ cho các nước châu Á.


TTK