Chiến trường Ukraine đang viết lại tiêu chuẩn mới cho vũ khí Đức: đơn giản, bền bỉ và dễ bảo trì hơn là chỉ tập trung vào uy lực.
Xe tăng Leopard 1A5 tại căn cứ huấn luyện ở gần Klietz, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine không chỉ là phép thử cho ý chí chiến đấu mà còn là "môi trường huấn luyện" khắc nghiệt để đánh giá hiệu suất thực tế của các hệ thống vũ khí hiện đại.
Theo trang tin quốc phòng en.defence-ua.com (Ukraine), từ kinh nghiệm sử dụng vũ khí do Đức cung cấp cho Ukraine, quân đội Đức đã rút ra những kết luận đáng ngạc nhiên, hé lộ một sự thay đổi trong ưu tiên phát triển vũ khí tương lai.
Dựa trên ghi chép từ bài phát biểu của Phó Tùy viên quân sự Đức tại Ukraine, được công bố bởi các tờ báo Đức WDR, NDR và Süddeutsche Zeitung (SZ), hiệu suất của các "niềm tự hào" công nghệ Đức trên chiến trường Ukraine không phải lúc nào cũng như mong đợi.
Ví dụ, pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000), một trong những hệ thống pháo binh hiện đại nhất, lại bộc lộ "mức độ dễ bị tổn thương kỹ thuật cao", khiến khả năng tác chiến bị nghi ngờ. Các vấn đề thường gặp bao gồm nòng pháo quá nhiệt và các lỗi điện tử phức tạp.
Trong khi đó, xe tăng Leopard 1A5 được đánh giá cao về độ tin cậy, nhưng lớp giáp yếu khiến nó "thường chỉ được sử dụng như pháo binh di động". "Người anh em" hiện đại hơn, Leopard 2A6, lại gặp vấn đề về chi phí sửa chữa đắt đỏ và khó khăn trong việc bảo trì gần tiền tuyến.
Một "bất ngờ" khác đến từ hệ thống phòng không Patriot, vốn được mệnh danh là "vũ khí tuyệt vời". Tuy nhiên, theo đánh giá, phương tiện chuyên chở và phóng của hệ thống này đã quá cũ và nhà sản xuất không còn cung cấp phụ tùng thay thế, khiến nó "không phù hợp để sử dụng trong chiến tranh".
Ngược lại, hệ thống phòng không Gepard lại được ca ngợi là đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí. Xe chiến đấu bộ binh Marder cũng nhận được đánh giá tích cực nhờ sự đơn giản và hiệu quả.
Kết luận chung được rút ra là "hầu như không có thiết bị lớn nào của Đức phù hợp hoàn toàn cho chiến tranh". Vấn đề cốt lõi nằm ở khả năng bảo trì và sửa chữa vũ khí ngay tại chiến trường.
Đáng chú ý, quân đội Đức đang cố gắng áp dụng những kinh nghiệm "xương máu" từ Ukraine vào thực tế của họ, đặc biệt là việc xem xét lại vị trí đặt các trung tâm bảo dưỡng ở hậu phương. Mặc dù bài phát biểu trên không phải là đánh giá toàn diện về các hệ thống vũ khí hiện có của quân đội Đức, nhưng nó cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong ưu tiên: từ sức mạnh hỏa lực sang tính bền vững và khả năng bảo trì.
Tướng quân đội Đức đã nghỉ hưu Hans-Lothar Domröse, chuyên gia được truyền thông Đức phỏng vấn, đã tóm gọn sự thay đổi này: "Chúng ta cần cả hai: đại trà và công nghệ cao". Điều này cho thấy quân đội Đức đang hướng tới sự cân bằng giữa các hệ thống vũ khí hiện đại, công nghệ cao nhưng phức tạp, với các thiết bị đơn giản, dễ sản xuất hàng loạt và dễ dàng bảo trì trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt. Có lẽ "bài học Ukraine" đang định hình lại tương lai của ngành công nghiệp quốc phòng Đức.