10:00 18/10/2013

Bài học pháp lý quanh khoản nợ hơn 30 tỷ đồng

Khuôn mặt bạc đi vì sợ hãi, nước mắt lưng tròng, chị Đinh Bích Hợp trú tại khu 7, Hải Tân, TP Hải Dương, Hải Dương, khi nộp đơn kêu cứu tại Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam, nài nỉ: "Xin các anh giúp tôi với, tôi bị dồn đến chân tường rồi...

Khuôn mặt bạc đi vì sợ hãi, nước mắt lưng tròng, chị Đinh Bích Hợp trú tại khu 7, Hải Tân, TP Hải Dương, Hải Dương, khi nộp đơn kêu cứu tại Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam, nài nỉ: "Xin các anh giúp tôi với, tôi bị dồn đến chân tường rồi, nếu chết được, tôi muốn chết quách đi cho xong nhưng còn các con". Nói đến đây, cố giấu đi những giọt nước mắt, sau một hồi trấn tĩnh, chị kể rắc rối liên quan đến món nợ 33 tỷ đồng của mình.


Ngôi biệt thự tại khu đô thị mới Đỉnh Long được chị Hợp gán nợ cho bà Hương.

Trong giới kinh doanh buôn bán lớn ở Hải Dương, hẳn không ít người đã từng nghe đến tên bà Phạm Thị Hương (thường được gọi là Hương "thấu") ở phường Quang Trung, TP Hải Dương. Là một giáo viên đã nghỉ việc, gần 20 năm nay bà Hương chuyên nghề cho vay lãi. Chị Hợp cho biết: Chị quen biết bà Hương trong một lần tham gia đấu giá bất động sản năm 2006. Một hôm bà Hương than phiền rằng có nhiều tiền chẳng biết làm gì, nếu chị Hợp cần vốn kinh doanh thì cứ bảo.

 

Chỗ chị em tính lãi rất “mềm”, chỉ 2%/tháng. Đang cần vốn buôn bán đất, chị Hợp bắt đầu vay tiền của bà Hương. Tính đến năm 2009, tổng số tiền chị Hợp vay gốc đã lên tới 7,5 tỷ. Những năm này, đất đai, bất động sản đang ở đỉnh cao, nhiều người phút chốc bỗng trở thành tỷ phú. Có tiền nhàn rỗi, chị Hợp đã định trả bà Hương, nhưng bà Hương nói cứ để đấy, vì cũng chẳng dùng gì đến tiền. Tin bạn, chị Hợp yên lòng và không nghĩ đến khoản vay trên. Bước sang năm 2013, bất động sản "đóng băng", những lô đất với những khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà chưa bán được, khiến chị Hợp cũng như nhiều người “chơi" bất động sản rơi vào tình trạng tài chính khó khăn. Đúng lúc này, bà Hương mới mang sổ "ghi nợ" ra cộng để đòi. Tiền lãi được bà Hương tính là 1.500 đồng/triệu/ngày.

 

Cứ hết tháng, tiền lãi được bà Hương "cẩn thận" cộng dồn vào với số tiền gốc. Lãi mẹ đẻ lãi con theo cấp số cộng, số tiền nhanh chóng "sinh sôi, nảy nở" với tốc độ chóng mặt. Chúng tôi khi được cầm bản kê lãi do bà Hương tính với chị Hợp mà "chóng mày hoa mắt". Ví như ngày 5/4/2011 số nợ của chị Hợp đối với bà Hương là: 23.766.746.000 đồng, thì đến ngày 5/5/2011, số nợ đã là 24.479.748.000 đồng. Cho đến ngày 25/01/2013 khi hai bên chốt sổ, thì từ số tiền gốc 7,5 tỷ đồng, chị Hợp đã gánh một số nợ lên tới con số 33 tỷ 127 triệu đồng.


Chị Hợp buộc phải gán nhà, đất cho bà Hương để cắt nợ. Bà Hương đồng ý nhận khối tài sản của gia đình chị Hợp, gồm một biệt thự xây 4 tầng theo kiến trúc Pháp ở khu đô thị Đỉnh Long phía tây TP Hải Dương, tổng diện tích hơn 400 m2; một căn hộ chung cư cao cấp tại khu Ciputra Hà Nội, diện tích 119 m2. Theo tính toán của chị Hợp, tại thời điểm gán nợ thì riêng tiền xây dựng biệt thự tại Đỉnh Long đã hơn 27 tỷ đồng, chưa tính tiền đất tại thời điểm gán nợ là 7 tỷ đồng, còn căn hộ Ciputra có giá khoảng 5 tỷ đồng.


Theo tài liệu của phóng viên thu thập được thì khối tài sản trên được hai bên nhất trí định giá là 35 tỷ đồng. Đạt được thỏa thuận, ngày 26/3/2013 vợ chồng chị Hợp đã viết “giấy bán nhà nhượng đất” đưa cho bà Hương. Còn bà Hương viết giấy "Biên nhận thỏa thuận công nợ và bán nhà" với nội dung đã được ghi rõ: "chị Hợp trả cho tôi hai căn nhà.. để trừ vào số nợ là 35 tỷ đồng..". Sau đó, các bên làm các thủ tục hợp đồng ủy quyền và chuyển nhượng tài sản, ngày 23/7/2013, bà Hương tiếp nhận ngôi biệt thự và căn hộ ở Ciputra. Điều oái ăm là ở chỗ, sau khi gán nợ xong, chị Hợp chia sẻ: Tôi vì tin tưởng nên không đòi bà Hương trả lại giấy biên nhận nợ. Mọi chuyện những tưởng đã đến hồi kết nhưng bất ngờ, tối 10/9/2013, nhận được thông tin, chị Hợp vừa bán được một căn nhà khác, bà Hương cùng con trai đã mang "giấy biên nhận" với số tiền trên 33 tỷ đồng đến và yêu cầu gia đình chị Hợp phải trả khoản nợ 33 tỷ đồng.


Chủ nợ "kêu oan"


Để đưa ra một cái nhìn khách quan, đa chiều cũng như rộng đường dư luận, ngày 16/10/2013, nhóm phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Hương về nội dung có liên quan. Bà Hương thừa nhận đã cho chị Hợp vay tiền nhiều lần để lấy lãi bình quân khoảng 3%/tháng. Khi được hỏi về số tiền gốc là bao nhiêu, bà Hương đã từ chối trả lời với lời "thanh minh" là không nhớ rõ? Bà Hương cũng khẳng định, không nhớ nợ gốc là bao nhiêu, nhưng chốt nợ vào ngày 25/1/2012 chị Hợp phải trả gốc và lãi hơn 33 tỷ đồng. Bà Hương đã thẳng thắn thừa nhận là đã đồng ý nhận khối tài sản nhà đất của chị Hợp để trừ vào số tiền nợ nói trên.

 

Các bên đã làm thủ tục chuyển nhượng tài sản. Hiện bà Hương đã thế chấp ngôi biệt thự tại khu đô thị mới Đỉnh Long cho một người khác để vay số tiền 17 tỷ đồng, còn căn hộ tại Ciputra thì bà Hương đã cho thuê. Bà Hương cũng thừa nhận việc có đến nhà chị Hợp đòi tiền và bà thanh minh thêm: "Lý do tôi đòi lại tiền là vì ngôi biệt thự của chị Hợp xây sai quy định nên không sang tên được”. Bà Hương cho biết đã khởi kiện ra tòa án, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, đòi chị Hợp trả 30 tỷ đồng cùng số tiền lãi của số tiền trên kể từ ngày 25/1/2013 đến khi mở phiên tòa. Bà Hương cũng đưa sơ đồ thửa đất và ngôi biệt thự tại khu Đỉnh Long cho chúng tôi xem; đồng thời, khẳng định, tại khu vực này, đã có qui định về việc thiết kế cũng như xây dựng theo một qui hoạch thống nhất.


Trong khi đó, chị Hợp đã tố cáo bà Hương về hành vi "cưỡng đoạt tài sản" ra cơ quan điều tra.


Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội) nhận định: “Tiền tệ là loại hàng hóa đặc biệt, ngoài ngành ngân hàng, các cá nhân hoạt động kinh doanh tiền tệ như cầm đồ cho vay lãi, phải có đăng ký kinh doanh, tuân thủ các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên thực tế bà Hương cho nhiều người vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh, về bản chất có thể coi đây là hoạt động cho vay “tín dụng đen”. Do đó, cần xem xét hành vi đó có cấu thành tội “ cho vay nặng lãi” hay không, cũng như việc đóng thuế thu nhập cá nhân của bà Hương. Nếu có dấu hiệu của tội phạm, thì số tiền lãi bà Hương ép con nợ phải trả là bất hợp pháp, thậm chí đây có thể coi là chứng cứ để chứng minh tội phạm”.


Vụ việc sẽ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng có thể thấy, nhiều người vẫn có thói quen tiến hành những giao dịch dân sự trị giá tiền tỷ mà biện pháp bảo đảm pháp lý lại hết sức sơ sài.



Nhóm phóng viên