04:22 01/04/2015

Bài học lớn từ dự án thay thế cây xanh Hà Nội và kè sông Đồng Nai

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ cho biết sẽ xử lý trách nhiệm nếu phát hiện sai phạm trong dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội và kè sông Đồng Nai ở tỉnh Đồng Nai.

Sẽ xử lý trách nhiệm nếu phát hiện sai phạm trong dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội và kè sông Đồng Nai ở tỉnh Đồng Nai - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/4.

Gỗ cây bị chặt hạ trên đường phố Hà Nội tại bãi tập kết. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết câu chuyện về cây xanh của Hà Nội và kè sông Đồng Nai có nhiều thông tin phong phú, cơ quan chức năng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm không chỉ riêng cho hai địa phương trên. Đối với dự án kè sông Đồng Nai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với tỉnh Đồng Nai xem xét các yếu tố có liên quan đến dự án kè sông, báo cáo Thủ tướng xem xét, nếu vượt quá thẩm quyền, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo.

Với dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội lập đoàn thanh tra, xem xét toàn diện các yếu tố cần và đủ cho thực hiện một dự án. Sau khi có kết luận, ai sai, sai thế nào sẽ xử lý theo quy trình. Báo cáo của thành phố cho thấy về mặt chủ trương là hoàn toàn đúng nhưng quá trình triển khai thực hiện còn một số vấn đề chưa đầy đủ. Hà Nội đã cho dừng triển khai dự án và tiếp tục kiểm tra, làm rõ, xử lý trách nhiệm nghiêm minh.

Bộ trưởng cho rằng qua hai sự việc trên đã đem lại bài học lớn, trước hết là yếu tố pháp lý. Qua các diễn đàn, ý kiến nhà khoa học, người dân, các cơ quan báo chí, khi thanh tra sẽ xem xét đến yếu tố pháp lý bởi cây xanh của Hà Nội có Nghị định 64 và Luật Thủ đô điều chỉnh. Dự án có chủ trương đúng nhưng quá trình thực hiện có đúng chủ trương không, vấn đề này chỉ khi thanh tra, kiểm tra xong mới biết được.

Theo Người phát ngôn của Chính phủ, vấn đề cần xem xét nữa là yếu tố quản lý và yếu tố hợp lý. Thủ tướng đã chỉ đạo trong quá trình tổ chức thực hiện yếu tố nào có liên quan đến người dân, đến xã hội phải lấy ý kiến người dân theo quy chế dân chủ, tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân. Chiếu với quy định này, cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra sẽ kiểm tra quy trình thực hiện xem có chỗ nào làm chưa đúng. Xét về yếu tố hợp lý, có ý kiến cho rằng trồng một loại cây để thay thế một loại cây cho thành phố đẹp hơn là tốt, nhưng loại cây đó có hợp lý không thì phải có quá trình phân tích, làm rõ.

Khi làm bất cứ việc gì có liên quan đến môi trường, cây xanh, đô thị, phải tính tới yếu tố hợp lý bởi không thể bỏ qua các ý kiến đã phân tích là cây lâu năm tồn tại với con người có hồn riêng của nó, khi thật sự cần thiết phải thay đổi phải có sự đồng thuận của người dân – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. Bộ trưởng một lần nữa khẳng định trong quá trình thanh tra sẽ xem xét các yếu tố này, đúng hay sai, thiếu trách nhiệm hay không, trách nhiệm thuộc về ai, nếu phát hiện sai sẽ xử lý nghiêm minh theo lỗi vi phạm.

Đối với dự án kè bờ sông Đồng Nai cũng vậy, phải làm thật kỹ, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, xem xét các yếu tố pháp lý bởi dự án không chỉ liên quan đến tỉnh Đồng Nai. Có ý kiến rất hay mà nhà quản lý không thể bỏ qua – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nêu rõ. Ông cho rằng phải xem xét các tình tiết, quá trình thực thiện có gì khuất tất, sai phạm và dù có chủ trương đúng, nhưng khi có sự phản ánh của quần chúng nhân dân, của các nhà khoa học thì phải dừng lại tiếp tục xem xét, có sai có sửa, với tinh thần cầu thị nghiêm túc.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông đã khẳng định rõ quan điểm không có tư nhân hóa báo chí, chấn chỉnh các hoạt động liên kết trong báo chí. Luật Báo chí đã quy định báo chí là của Đảng, Nhà nước, không có báo chí của doanh nghiệp. Trước đây, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có báo chí nhưng tới đây quy hoạch báo chí từng bước sẽ không còn báo chí của doanh nghiệp nữa, dịch chuyển dần theo đúng luật. Giai đoạn 2005 – 2006 đã có hoạt động liên kết tự phát không theo pháp luật dẫn đến hiện tượng tư nhân núp bóng. Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin – Truyền thông đánh giá lại công tác báo chí nói chung và hoạt động liên kết nói riêng, đồng thời xây dựng quy định cho Chính phủ để quản lý, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động liên kết.

Bộ trưởng này khẳng định cần có sự liên kết để hút nguồn lực xã hội nhưng chỉ liên kết phần khoa học xã hội, vui chơi giải trí. Tuy nhiên, để tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút nguồn lực xã hội, tạo sân chơi cho nhiều doanh nghiệp tham gia, Chính phủ đã cho phép Bộ Thông tin – Truyền thông ban hành theo thẩm quyền quy định về việc liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình (Thông tư 19/2009/TT-BTTTT) và đến nay quy định này vẫn còn hiệu lực.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2015, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa điều 60 Luật bảo hiểm xã hội theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đa số người lao động. Người lao động yên tâm trở lại làm việc, không nghe lời kích xúi làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp – Bộ trưởng khuyến nghị.


Chu Thanh Vân (TTXVN)