06:15 07/06/2019

Bài hát Do Thái trở thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu

Sau thảm họa diệt chủng người Do Thái thảm khốc của Đức Quốc xã, ca khúc ngọt ngào "My Yiddishe Momme" đã trở thành "quốc ca" của những người Do Thái nhập cư, là hiện tượng âm nhạc toàn cầu, là niềm an ủi cho người Do Thái vượt qua những đêm tối đau thương.

Chú thích ảnh
Sophie Tucker hát ca khúc My Yiddishe Momme năm 1936.

Nữ ca sĩ Sophie Tucker từng được khán giả yêu thích với những ca khúc sôi động, gợi cảm, phong cách biểu diễn quyến rũ. Nhưng khi cô đứng trên sâu khấu vào năm 1925, nhiều khán giả đã không thể’ kìm được nước mắt khi lắng nghe ca khúc cảm động về mẹ do nữ ca sĩ trình bày.

Đêm đó, Tucker đã ra mắt một bài hát mới. Thay vì hát về tình yêu hay sự thành công, cô đã thể’ hiện một ca khúc bày tỏ nỗi niềm tiếc thương người mẹ Do Thái đã ra đi - một người mẹ đã phải chịu đựng nhiều đau khổ suốt cả một đời.

Được thể hiện bằng cả tiếng Anh và tiếng Yiddish (ngôn ngữ của người Do Thái), My Yiddishe Momme bất ngờ đã trở thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu. Khi những câu từ da diết ngân lên rồi kết thúc, cả khán phòng im lặng, những đôi mắt đều ngấn lệ trực trào nước mắt với những xúc cảm mãnh liệt được gói ghém trong từng lời ca. Với Tucker, cô không thể ngờ rằng mình vừa hát một bản "quốc ca" của người Do Thái.

My Yiddishe Momme sau đó đã gây bão trên toàn thế giới trong những năm 1920 và 1930. Ca khúc nói lên cảm xúc hỗn độn của nhiều người nhập cư về sự đồng hóa và nỗi buồn mất đi người thân.

Ca khúc do Jack Yellen và nhà soạn nhạc Lew Pollack sáng tác. Yellen và nữ ca sĩ Sophie Tucker đều là người Do Thái di cư đến Mỹ khi còn nhỏ. Cả hai đều được đưa đến nhà hát kịch Yiddish của New York.

Ca khúc nổi tiếng này đã gây ấn tượng mạnh không chỉ với khán giả Do Thái mà còn với tất cả mọi người. Lời bài hát đã thể’ hiện được cảm xúc của những người con Do Thái phải rời xa quê hương, những người mẹ đã hy sinh để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vào thời điểm đó, những người nhập cư Do Thái trải qua cuộc tàn sát của những kẻ phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái đang tràn vào Mỹ, khiến cuộc sống ở Đông Âu không thể’ chịu đựng được.

Từ năm 1881 đến năm 1924, có khoảng 2,5 triệu người Do Thái đã rời Đông Âu đến Mỹ tìm kiếm cơ hội và sự tự do tôn giáo cho mình. Họ mang theo cả ngôn ngữ Yiddish và không lâu sau những cuốn sách, sản phẩm sân khấu của người Do Thái đã bùng nổ ở New York.

Thành phố này chính là "kinh đô thế giới của nền sân khấu Yiddish". Nó đã thu hút những ngôi sao tài năng như Tucker. Khi bắt đầu sự nghiệp ca hát, cô phải đeo mặt nạ đen và biểu diễn trong các chương trình hát rong, nhưng cuối cùng cô đã bất chấp các nhà sản xuất, tiết lộ danh tính Do Thái và từ chối đeo mặt nạ đen khi biểu diễn. Vào thời điểm gặp Yellen, Tucker đã trở thành một ngôi sao chân chính, nổi tiếng với thân hình ngoại cỡ, tính cách vui vẻ và phong cách hát độc đáo.

Ca khúc My Yiddishe Momme là sự khởi đầu của Tucker. Khi bài hát ra mắt, mẹ của nữ ca sĩ đang rất yếu và bà đã qua đời trong lúc bài hát trở thành sản phẩm âm nhạc bán chạy nhất. Năm 1930, ca khúc Do Thái này đã truyền cảm hứng cho bộ phim "Mayne Yiddishe Mame" - vở nhạc kịch đầu tiên bằng ngôn ngữ Yiddish được chuyển thể’ thành phim. Đây cũng là lần đầu tiên ngôn ngữ Yiddish được sử dụng một cách phong phú.

Năm 1931, nữ ca sĩ gốc Do Thái đã tổ chức các chương trình biểu diễn ở châu Âu, nhưng không phải tất cả mọi người đều ủng hộ ca khúc này. Tại buổi trình diễn ở Pháp, cô đã hát bài hát này trước một nhóm người hát kịch Do Thái.

Trong suốt thời gian thể’ hiện ca khúc, những người theo chủ nghĩa bài Do Thái trong đám đông tỏ ra giận dữ, la hét phản đối. Còn người Do Thái liên tục phản đối thái độ của nhóm người trên. Tình thế buộc Tucker phải nhanh chóng chuyển sang bài hát khác.

Đó dường như là điềm báo cho những điều sắp xảy ra. Khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, My Yiddishe Momme đã trở thành bài hát bị cấm và bị Đức quốc xã hủy hoại. Tucker chia sẻ thẳng thắn: "Tôi đã giận sôi máu. Tôi ngồi ngay xuống và viết một lá thư gửi đến Hitler, đó là một kiệt tác nhưng tôi chưa từng nhận được câu trả lời".

Sau đó, chỉ có nạn nhân của thảm họa diệt chủng Holocaust mới hát bài hát này. Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, nữ ca sĩ Tucker đã biểu diễn bài hát này cho quân đội Mỹ. Bài hát của cô thậm chí trở thành một phần trong câu chuyện bi thảm của một người lính vào cuối thế chiến.

Chú thích ảnh
Một nhóm người Do Thái ăn tối tại công viên Atlantic, Southampton, Mỹ.

Sau chiến tranh, trang BBC cho biết Tucker đã nhận được một lá thư từ Robert Knowles, một người lính đã nghe một đồng đội người Do Thái nói về khao khát được nghe bài hát này trên đường phố Berlin. Knowles cho biết họ đã đến Berlin bốn ngày sau khi chiến tranh kết thúc. Lúc đó, người bạn của anh đã qua đời, anh và những người lính đã đặt chiếc máy ghi âm trên một chiếc xe tải và lái xe quanh thành phố, và bản nhạc My Yiddishe Momme vang lên.

Ngày nay, các học giả coi My Yiddishe Momme là bài hát gợi nhớ tội ác của Đức Quốc xã và thể’ hiện nỗi nhớ quê hương của người Do Thái như Tucker và Yellen. Dù cảm thấy áp lực bị đồng hóa nhưng cuối cùng, họ đã thực hiện được một điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương mình.

Với những người Do Thái nhập cư đến Mỹ và vẫn còn sống sót sau thảm họa Holocaust, bài hát nói lên tầm quan trọng của gia đình, sức mạnh tinh thần và sự hy sinh của những người phụ nữ Do Thái.
Bài hát của nữ ca sĩ gốc Do Thái đã rất nổi tiếng nhưng nhà hát Yiddish thì không được như vậy.

Trong những năm qua, số người Do Thái sống tại Mỹ sử dụng ngôn ngữ Yiddish đã giảm dần và nhà hát Yiddish cũng dần nhường chỗ cho các sân khấu Broadway. Dù vậy, nữ ca sĩ Tuker vẫn tự hào vì bà có thể công khai mình là người Do Thái.

Bà dành thời gian, sức lực và tiền bạc để gây quỹ giúp đỡ những nghệ sĩ Do Thái khác, quyên góp tiền để giúp đỡ người Do Thái sau thảm họa Holocaust.

Ngày nay, di sản quý giá nhất mà My Yiddishe Momme để lại cho nhân loại chính là niềm hy vọng và sự an ủi dành cho người Do Thái, giúp họ vượt qua những giây phút đen tối nhất của thảm họa diệt chủng tàn khốc này.

Hải Vân/Báo Tin tức