11:07 20/11/2010

Bài cuối: Bất chấp quy hoạch ngành thép

Những tháng cao điểm mùa khô năm 2010, người dân cả nước đã phải chịu đựng nỗi khổ do cúp điện. Mùa khô năm 2011 được dự báo thiếu điện còn gay gắt hơn và thủ phạm dẫn đến tình trạng trên có một phần không nhỏ của các dự án thép.


Cấp phép ngoài quy hoạch 9 dự án


Nhà máy thép Công ty Pomina đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2011 và cần 1.000.000 kwh/ngày.

Quyết định 145/2007/QĐ-TTg ngày 4/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, trong đó, giai đoạn này tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) sẽ thu hút phát triển 8 dự án thép với tổng công suất luyện phôi 900.000 tấn/năm, thép cán 6.740.000 tấn/năm. Thế nhưng, đến nay, Ban quản lý các KCN tỉnh BR-VT đã cấp phép tới 18 dự án thép với tổng công suất luyện phôi 3.750.000 tấn/năm, thép hình 1.000.000 tấn/năm và thép cán 10.151.000 tấn/năm, trong đó, 8 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang chạy thử, 2 dự án đang xây dựng, 4 dự án chưa xây dựng và 2 dự án mới được cấp phép. Qua rà soát mới đây của tỉnh thì có 5 dự án được cấp phép trước khi có quy hoạch. Còn lại 13 dự án cấp sau quy hoạch với tổng sản lượng luyện phôi 3.250.000 tấn, thép cán 10.050.000 tấn, trong đó, 4 dự án có trong quy hoạch với công suất luyện phôi 1.000.000 tấn, thép cán 5.300.000 tấn.

Như vậy, có tới 9 dự án được Ban quản lý các KCN tỉnh BR-VT cấp phép ngoài quy hoạch với tổng công suất luyện phôi 2.250.000 tấn, cán 4.750.000 tấn (có 2 dự án là Nhà máy thép China Steel Sumikin VN và dự án Posco SS-Vina sau này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư). Thậm chí, ngay cả 4 dự án được cấp phép nằm trong quy hoạch Thủ tướng phê duyệt, dự án luyện phôi thép của Công ty CP thép Pomina theo quy hoạch công suất chỉ có 400.000 tấn/năm nhưng Ban quản lý các KCN đã cấp phép tới 1.000.000 tấn/năm.

Qua kiểm tra, rà soát mới đây, UBND tỉnh BR-VT đã khẳng định, Ban Quản lý các KCN đã cấp phép cho các dự án sản xuất thép không căn cứ vào quy hoạch ngành thép được duyệt, không lấy ý kiến của Bộ Công Thương và UBND tỉnh đối với các dự án ngoài quy hoạch. Việc cấp phép vượt số dự án thép được Thủ tướng phê duyệt đã phá vỡ quy hoạch sử dụng điện và 5 năm qua, UBND tỉnh BR-VT đã phải đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch sử dụng điện đến 7 lần.

Những cỗ máy siêu "ngốn" điện

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BR.VT có 2 lưới điện là lưới 110 kV và 22 kV với tổng sản lượng cung cấp cho các hộ sử dụng trung bình mỗi ngày khoảng 8,5 triệu kWh. Ông Hồ Văn Cường - Giám đốc Điện lực tỉnh cho biết: Chỉ riêng 6 nhà máy thép đang được lưới điện 110 kV cung cấp đã "ngốn" tới gần 3 triệu kWh một ngày, trong đó, nhiều nhất là Nhà máy thép Phú Mỹ (của Tổng công ty Thép Miền Nam) sử dụng tới 1,031 triệu kWh (bằng 2/3 lượng điện cung cấp cho toàn thành phố Vũng Tàu hay gấp gần 3 lần lượng điện cung cấp cho thị xã Bà Rịa).

Ông Cường cho biết thêm, hiện nay điện được cung cấp đủ nhưng nếu vào cao điểm mùa khô sẽ phải tiết giảm điện (trong 3 tháng cao điểm mùa khô 2010, mỗi ngày điện lực tỉnh được giao chỉ tiêu 6 triệu kWh, và năm 2011 dự kiến sẽ được giao khoảng 7 triệu kWh). Như vậy, vào cao điểm mùa khô, mỗi ngày tỉnh sẽ thiếu khoảng 1,5 triệu kWh và có thể sẽ thiếu nhiều hơn vì các nhà máy thép hoạt động hết công suất để cung ứng thép cho thị trường xây dựng nhiều vào thời điểm này. Đó là chưa kể Nhà máy thép Đồng Tiến đang chạy thử và chuẩn bị đi vào hoạt động sẽ "ngốn" thêm khoảng 126.000 kWh mỗi ngày, Nhà máy luyện phôi thép của Công ty Cổ phần thép Pomina sẽ hoàn thành trong năm 2011 đã đăng ký xin khoảng 1.000.000 kWh/ngày, và giai đoạn 2 của Nhà máy thép Posco Việt Nam cũng đang khẩn trương xây dựng sẽ sử dụng điện khoảng 700.000 kWh/ngày. Cả 3 nhà máy này đều thuộc lưới điện 110 kV đã khiến cho bài toán cân đối điện của Điện lực BR-VT càng thêm căng thẳng vì lưới điện 110 kV do điều độ quốc gia quản lý (lưới này chỉ cung cấp cho dự án thép và luôn được đảm bảo cung cấp điện) nên việc tiết giảm chỉ được điều chỉnh ở lưới điện 22 kV. Vì vậy, mùa khô 2011, việc cắt điện ở lưới 22 kV chắc chắn sẽ diễn ra nhiều hơn năm 2010 (mùa khô 2010, mỗi tuần Điện lực tỉnh đã phải tiết giảm 3,5 ngày).

Việc tiết giảm điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và gây thiệt hại nặng cho các ngành sản xuất khác. Chỉ riêng với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh BR-VT trong 3 tháng cao điểm thiếu điện vừa qua, Công ty này phải chạy máy phát điện và chi phí đã tăng thêm 250 triệu/tháng (bằng 1/4 lợi nhuận của tháng). Ông Phạm Kim Điền - Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, đó là chưa kể thiệt hại về uy tín do không giao hàng đúng hẹn và hàng bị kém chất lượng.

Tới đây, hàng loạt các dự án cảng trên địa bàn tỉnh và nhiều nhà máy khác sẽ đi vào hoạt động cần cấp điện và với tình cảnh này, muốn để người dân đỡ khổ, các doanh nghiệp khác đỡ thiệt thòi, có lẽ tỉnh BR-VT phải sớm tính đến chuyện đi xin thêm điện.

Nhóm PV