03:09 28/03/2020

Bãi chứa máy bay Mỹ chen chỗ khi ngành hàng không 'thất nghiệp'

Các bãi đỗ đầy chặt máy bay nằm chôn chân trong khi các hãng hàng không đang cân nhắc giải pháp “lưu kho” phi cơ dài hạn trong một cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết.

Chú thích ảnh
Máy bay của hãng hàng không United Airlines tại sân bay quốc tế Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Bầu trời Mỹ đang ngày càng yên tĩnh hơn khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu. Lệnh hạn chế đi lại chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch khiến các trung tâm hàng không lớn biến thành những nơi hoang vắng, còn các bãi chứa máy bay thì chen chúc, không còn chỗ trống. 

Theo tạp chí Newsweek, một số lượng lớn các chuyến bay bị hủy, do các lệnh hạn chế của chính phủ, hoặc đơn giản là vì không có đủ hành khách. Lúc này, các bãi đỗ đầy chặt máy bay nằm chôn chân trong khi các hãng hàng không đang cân nhắc giải pháp “lưu kho” phi cơ dài hạn trong một cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết.

Tình hình thậm chí đã khiến Cục Hàng không Liên bang Mỹ ban hành hướng dẫn mới về các bãi đỗ máy bay “tràn”. Delta Airlines bắt đầu chuyển khoảng 600 máy bay sang các cơ sở lưu trữ. Phát ngôn viên của United Airlines cho biết hãng đang đậu hầu hết máy bay tại một loạt các trung tâm bảo trì. Một phát ngôn viên của American Airlines cho biết hãng đã cho đậu hơn 100 máy bay tại các cơ sở bảo trì nhưng không thể dự đoán chúng sẽ còn ở lại mặt đất trong bao lâu nữa.

Trong khi đó, các sân bay trên khắp đất nước đang tăng công suất để nhận máy bay dư thừa. Nhiều người trong ngành đã mô tả tình huống này là chưa từng về cả quy mô và thời gian. Sau vụ khủng bố 11/9/2001, rất nhiều máy bay Mỹ đã phải “nằm đất”, nhưng việc phong tỏa phòng dịch COVID-19 là trên toàn cầu và có khả năng kéo dài vài tháng, khiến hàng loạt phi cơ đã được lên kế hoạch nghỉ hưu có thể sớm bị đập bỏ trước khi kịp trở lại bầu trời.

Chú thích ảnh
Sân bay Kingman, bang Arizona có bãi đỗ máy bay khổng lồ.

Sân bay Kingman ở bang Arizona là một trong những sân bay lớn nhất Mỹ, rộng hơn 1.600 hecta. Tổng giám đốc sân bay Steve Johnson, nói với Newsweek rằng quy mô của dịch COVID bắt đầu trở nên rõ ràng tưef vài tuần trước, khi các quốc gia châu Âu bắt đầu dừng các chuyến bay và đóng cửa biên giới. Kingman hiện có 164 hãng hàng không thuê chỗ đậu, nhưng họ vẫn đang tìm cách mở rộng công suất để đối phó với dòng máy bay ùn tới.

Tùy thuộc vào kích thước của chúng, ông Johnson ước tính rằng Kingman có thể chứa khoảng 350 máy bay. "Cảm giác mà tôi nhận được từ những hãng đã liên lạc với tôi, là đây là sự cố chưa có điểm kết thúc. Họ thực sự không biết chuyện này sẽ đi về đâu”.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Trung tâm hàng không Roswell ở tiểu bang New Mexico. Giám đốc Scott Stark cho biết, sau các sự kiện ở châu Âu, các hãng hàng không liên tục gọi đến và "trận lụt" máy bay bắt đầu. Kể từ đó, nhân viên sân bay và thành phố Roswell đã phải dọn dẹp thêm không gian để phục vụ đội phi cơ "thất nghiệp".

Hiện tại có gần 400 máy bay đang đậu, nhưng ông Stark cho biết sân bay tin rằng họ có thể nâng con số đó lên tới khoảng 800 tùy thuộc vào kích thước của các máy bay được “gửi”. Các máy bay thương mại đã bắt đầu được các hãng hàng không lớn, bao gồm Delta Airlines và American Airlines đưa tới. Stark cho biết với đà này, họ sẽ sớm hết sạch chỗ chứa.

Chú thích ảnh
Bãi chứa máy bay của sân bay Mojave xa xôi tại Mỹ. Ảnh: Flickr

Ngành công nghiệp hàng không Mỹ chưa từng phải đối mặt với sự gián đoạn như thế kể từ loạt vụ khủng 11/9/2001, khi Mỹ và Canada đóng cửa không phận và các chuyến bay chỉ được nối lại vào ngày 13/9. Hiện nay, các chuyến bay vẫn hoạt động, nhưng số lượng chuyến và hành khách đang giảm hàng ngày. Quy mô của tình trạng sụt giảm này là chưa từng có. 

Ngay cả các sân bay nhỏ hơn cũng đang chuẩn bị mở rộng chỗ chứa máy bay, trước quy mô thách thức mà hàng không Mỹ đối mặt. 

Karina Drees, Giám đốc điều hành của Mojave Air and Space Port, nói với Newsweek rằng cơ sở này đã bắt đầu nhận được cuộc gọi từ các công ty hậu cần vào tuần trước để hỏi về khả năng lưu trữ máy bay.

Mojave là một địa điểm xa xôi và không phải là một sân bay thương mại, thậm chí bị xếp vào “hạng bét” của dịch vụ sân đỗ máy bay. Tuy nhiên nơi đây vẫn đủ sức chứa khoảng 100 máy bay thân rộng. Trước tình hình quá tải, Mojave cũng đã tính đến phương án mở rộng sân đỗ. “Chúng tôi chưa từng được yêu cầu như vậy kể từ vụ 11/9”, Giám đốc Drees nói. 

Khủng hoảng kéo dài, đồng nghĩa sẽ có một thời gian trễ để các hãng hàng không đưa máy bay ra khỏi kho và vận hành trở lại. Một số máy bay đời cũ thậm chí sẽ không bao giờ cất cánh nữa. Các hãng hàng không sẽ quyết định rằng, những chiếc dự kiến nghỉ hưu trong vòng 6 tháng - 1 năm, có thể bị đập bỏ ngay lúc này.

Thu Hằng/Báo Tin tức