08:05 04/08/2018

Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, tài chính, ngân hàng

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 31/2018/QĐ-TTg bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, tài chính, ngân hàng. 

Các văn bản bị bãi bỏ gồm: Quyết định 135/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10/1/1982; Quyết định số 230/2005/QĐ-TTg ngày 21/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Quyết định số 117/2008/QĐ-TTg ngày 27/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội; Quyết định số 39/2009/QĐ-TTg ngày 9/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng. 

Quyết định 31/2018/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2018. 

Chuẩn bị báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng 

Để chuẩn bị cho công tác thẩm tra của Ủy ban phục vụ kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ vừa giao một số bộ chuẩn bị các báo cáo năm 2018 của Chính phủ về công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng. 

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2018. Tổng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. 

Xử lý vấn đề báo nêu về thuế 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Tài chính kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề báo nêu liên quan đến lĩnh vực thuế. 

Trước đó, Báo Saigon Times ngày 24/7/2018 phản ánh “Có tình trạng doanh nghiệp chấp nhận nợ thuế và chịu phạt chậm nộp vì còn thấp hơn lãi suất ngân hàng, doanh nghiệp nợ quá hạn nhưng chưa đến 90 ngày để không bị cưỡng chế và chấp nhận trả tiền chậm nộp 0,03%/tháng vẫn thấp hơn lãi suất vay ngân hàng và không phải đáp ứng các điều kiện vay.” 

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính kiểm tra và giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. 

Cũng về vấn đề thuế, Báo Thanh niên ngày 30/7/2018 phản ánh “Chuyên gia tư vấn Vũ Quốc Tuấn (Eurocham) cho rằng, chính môi trường thuế của Việt Nam đang nuôi dưỡng cho hành vi không tuân thủ thuế của một số nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam thiếu bộ phận tư vấn giám sát đủ “tinh nhuệ” để định giá công nghệ, thiết bị đưa vào giá trị tài sản đầu tư. Việc khai khống vốn đầu tư được quy thành máy móc, thiết bị, công nghệ; khấu hao chính là “lá chắn” hữu hiệu giúp nhà đầu tư né thuế”. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề báo Thanh niên nêu trên. 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục những tồn tại, hạn chế; đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. 

Trong thời gian qua, mặc dù còn khó khăn, nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, tạo thêm việc làm, thu nhập cho thành viên, người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (khoảng 5,6% GDP). Đến cuối năm 2017, cả nước có 20.092 hợp tác xã, 92.315 tổ hợp tác, 50 liên hiệp hợp tác xã, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chiếm 45,3%. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế hợp tác, hợp tác xã cũng còn nhiều hạn chế, phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng (khoảng 20% hợp tác xã yếu kém); quản lý nhà nước còn chưa tập trung, bộ máy còn phân tán, chưa thống nhất từ trung ương đến địa phương, hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý còn hạn chế, cơ chế chính sách thiếu đồng bộ và cụ thể hóa nên khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn... 

Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới các đơn vị liên quan phải thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động cụ thể triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; Luật Hợp tác xã 2012, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTgngày 22/5/2018; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hợp tác xã, nâng cao nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; nâng cao vai trò và lợi ích của tổ chức hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú... 

Đối với hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao theo Điều lệ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 24/1/2017 và Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhằm xây dựng hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam vững mạnh, đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. 

Cùng với đó là đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền chủ trương và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển hợp tác xã, lợi ích của hợp tác xã mang lại cho các thành viên; tăng cường phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác, các tập đoàn và doanh nghiệp trong, ngoài nước để mở rộng cấp tín dụng đối với hợp tác xã; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác, khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế phục vụ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; hợp tác quốc tế toàn diện, mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm, kêu gọi, mở rộng đối tác và khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế phục vụ việc phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đoàn, năng lực chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam theo phương châm “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.

TTXVN/Báo Tin tức