03:08 16/03/2018

Bài 2: Luật nào cho môi trường giáo dục lành mạnh?

Trước nhiều dư luận về vụ việc này, cô giáo trong vụ việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ vẫn không làm đơn tố cáo phụ huynh. Không có lá đơn này, cơ quan chức năng không có căn cứ vào cuộc điều tra hành vi vi phạm "Tội làm nhục người khác" mà theo nhiều chuyên gia pháp luật là hoàn toàn có căn cứ để kết tội cho vị phụ huynh học sinh.

Bạo lực sinh ra bạo lực

Phản hồi về vụ việc, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục-Đào tạo) khẳng định bất kể hình thức làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên đều sẽ có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục kéo dài vụ việc bằng luật, bằng nguyên tắc, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chắc chắn vẫn là người học trò.

Xét theo một cách khác, vụ việc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh nếu tiếp tục kéo dài, có tác dụng gì cho việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh?

Trước tiên phải khẳng định, giáo viên phạt quỳ học sinh là sai. Nhưng phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ để xin lỗi cũng không đúng. Cách hành xử của người lớn có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, lối sống, nhân cách của trẻ em. Cả giáo viên và phụ huynh đều sai và chỉ có học sinh là nạn nhân trong vụ việc đáng tiếc này. Dù là ai, người lớn hay trẻ em, giáo viên hay học sinh khi phải hạ thấp lòng tự trọng cũng là một hành động không thể chấp nhận được.

Việc cô giáo chấp nhận quỳ gối trước phụ huynh đã phơi bày ra nhiều lỗ hổng trong quản lý giáo dục. Họ mất đi khả năng tự chủ, rơi vào thế bị động trong nhiều tình huống và chấp nhận quỳ cho “xong chuyện". Từ phía giáo viên, họ sợ bị đuổi việc, sợ ngành, sợ cấp trên, sợ áp lực dư luận. Có thể các lãnh đạo "xử lý" theo dư luận chứ chưa hẳn dựa trên vi phạm của giáo viên. Và không ít lãnh đạo, khi giáo viên có "sự cố" với học sinh, phụ huynh thì... xử lý "người của mình" là dễ êm chuyện nhất.

Có thể thấy, hiện nay giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, đối diện với rất nhiều áp lực, áp lực kiếm và giữ việc làm, áp lực với thành tích, áp lực chương trình, áp lực thu nhập, áp lực từ các cấp quản lý... Và thay vì đấu tranh, lên tiếng, họ đang có xu hướng dội áp lực đó lên đầu học trò.

Vì lẽ đó, TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không một thứ luật lệ nào có tác động tốt trong môi trường sư phạm bằng kỷ luật tích cực thay thế cho kỷ luật bạo lực. Xử phạt khi các em mắc lỗi là các em sẽ bị mất cơ hội, quyền lợi của mình trong những việc mà mình yêu thích. Ví dụ: “Nếu con sai con sẽ mất cơ hội, quyền lợi việc mà con thích”, hay “Do con không làm bài tập nên giờ ra chơi con phải ngồi trong lớp làm bù bài tập”. Từ những hình thức phạt này các con sẽ rút ra những bài học và áp dụng những bài học này sau này với những người khác, mà không phải là những hình thức bạo lực... bởi bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực.

Trồng người từ đạo đức

Trong công văn Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sự việc này tác động xấu tới hoạt động giáo dục của nhà trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Giáo dục truyền thống và đạo lý dân tộc, sẽ là những bài học đạo đức bổ ích cho học sinh. Ảnh: TTXVN

Ngay lúc này, từ những sự việc như vậy, có thể thấy, tinh thần tôn sư trọng đạo, tình nghĩa thầy trò đã bị lung lay từ gốc rễ. Vấn đề đạo đức học sinh, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học tiếp tục được đặt ra.

Nhiều chuyên gia tâm lý và giáo dục nhận định, học sinh ngày nay nghịch ngợm và khó bảo hơn trước rất nhiều. Với sự nuông chiều từ phía gia đình, thậm chí là có những bậc cha mẹ tạo thành một thế lực gây ảnh hưởng trong trường học thì hoàn toàn có thể tạo ra cách ứng xử không hợp lý, một tiền lệ xấu trong cách quan hệ giữa giáo viên, gia đình và học sinh.

Trong khi đó, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học có vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách học sinh. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhiều lần nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên không chỉ có đầy đủ kiến thức, kĩ năng thực hành mà còn cần có lý tưởng cách mạng, đạo đức tốt, lối sống trong sáng để trở thành công dân có trách nhiệm, lao động cần cù, có sức khỏe, có tri thức và sáng tạo.

Thứ trưởng Nghĩa cho rằng, hiện nay ngành giáo dục đang triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Một trong những vấn đề quan trọng cần được thực hiện là phải chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhiều kỳ vọng đặt ra với việc đổi mới cách dạy và học Giáo dục công dân trong đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và chính thức ban hành. Theo đó, môn Giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức, ở trung học cơ sở là môn Giáo dục công dân, ở trung học phổ thông là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.


Các bài học Đạo đức- Giáo dục công dân được lồng ghép, tích hợp giảng dạy với các môn học khác và hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, phẩm chất đạo đức sẽ góp phần đưa kiến thức vào áp dụng, ứng xử trong thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, giáo viên cũng sẽ được trang bị kỹ năng ứng xử khéo léo trước các tình huống gặp phải trong thực tế.


L.S/Báo Tin tức