03:06 27/03/2014

Bài 1: Nghị định 79 - 'Roi' chưa cứng

Để Nghị định 79/2012/NĐ-CP (NĐ79) của Chính phủ về việc siết chặt quản lý hoạt động biểu diễn thực sự phát huy hiệu quả, cũng như phù hợp hơn với sự phát triển của đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay thì phải có những sửa đổi rất cụ thể…

Chỉ nửa năm sau khi Nghị định 79 của Chính phủ và Thông tư 03 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hướng dẫn thực hiện Nghị định 79) ra đời, theo một lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã có những “độ chênh” giữa Nghị định và cuộc sống. Lý do một phần vì đời sống văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là hoạt động biểu diễn nghệ thuật biến chuyển nhanh tới “chóng mặt”…


Phan Hoàng Thu (thứ 2 từ phải sang) đã tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế tại Malaysia mà không nộp hồ sơ xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: CTV

Việc xử lý chương trình “Đêm hội chân dài 7” (tháng 5/2013) đã bộc lộ những “bất cập” trong quy định xử phạt của Nghị định 79 và Thông tư 03. Vi phạm của chương trình “Đêm hội chân dài 7” thì ai cũng thấy và đều khẳng định là nghiêm trọng: Chương trình biểu diễn là những màn trình diễn nội y phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, đặc biệt hoàn toàn khác với chương trình được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh duyệt. Dư luận bất bình, báo chí lên tiếng, bản thân những nhà quản lý văn hóa cũng thật sự “nổi giận” và muốn xử lý nghiêm. Thế nhưng, cuối cùng mức xử lý chỉ là 3,5 triệu đồng/người đối với 11 người đẹp trong chương trình, gồm Ngọc Trinh, Thái Hà, Kiều Ngân, Huyền Mi, Thùy Anh, Thu An, Hà Phương, Tường Vy, Diệu Huyền và hai người mẫu Campuchia. Còn BTC chương trình chịu án phạt 35 triệu đồng. Một con số quá nhỏ so với khoản thu được biết lên tới gần tỷ của chương trình! “Chúng tôi đã xử phạt nghiêm theo quy định. Về mức tiền phạt, đây cũng đã là mức cao nhất trong quy định xử phạt rồi”, một đại diện ngành văn hóa cho biết.

 

Để Nghị định 79/2012/NĐ-CP (NĐ79) của Chính phủ về việc siết chặt quản lý hoạt động biểu diễn thực sự phát huy hiệu quả, cũng như phù hợp hơn với sự phát triển của đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay thì phải có những sửa đổi rất cụ thể…

Tương tự như vậy, màn “khóa môi” của ca sỹ họ Đàm và một nhà sư trong đêm nhạc từ thiện, tạo một hình ảnh xấu trong công chúng, cũng chỉ khiến Đàm Vĩnh Hưng phải rút ví có 5 triệu đồng nộp phạt. “Không thể nói các hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục này là do việc xử phạt thấp, nhưng đây cũng chính là nguyên nhân khiến ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục có hàng loạt hành động tương tự như tạo dáng chụp ảnh trước hàng nghìn người dân xếp hàng nhiều giờ để vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp; phát ngôn thiếu tôn trọng với thế hệ nhạc sỹ đi trước, mặc áo bác sỹ có in tên bác sỹ Cát Tường để đùa vui trong trong ngày lễ Halloween… Phải thấy rằng, những hành động, lời nói phản cảm của Đàm Vĩnh Hưng diễn ra liên tục đã cho thấy sự “nhờn thuốc” của nam ca sỹ này”, đại diện ngành văn hóa chia sẻ. “Trong khi đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cũng chỉ có thể có công văn yêu cầu nam ca sỹ này nghiêm khắc rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, chấp hành đúng quy định khi tham gia hoạt động biểu diễn, giữ đúng chuẩn mực đạo đức, hình ảnh người nghệ sĩ trước công chúng... vì những hành động này không thuộc hoạt động biểu diễn mà thuộc về đạo đức của người làm nghề nên không xử phạt được”.

 

Với trường hợp Lê Thị Huyền Anh (bà Tưng), đây cũng là một “bất lực” của Nghị định 79 và Thông tư 03 trong việc “làm nghiêm”. Sau khi “bỗng dưng” nổi tiếng bằng cách đăng những hình ảnh, clip phản cảm, khiêu dâm lên mạng, Bà Tưng - Lê Thị Huyền Anh bỗng chốc... có show biểu diễn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Nha Trang. Sự việc này đã gây nên làn sóng phản ứng trong dư luận nên ngay sau đó, Cục NTBD đã phải gấp rút ra công văn gửi Sở VH, TT&DL các tỉnh, thành trên cả nước yêu cầu tạm dừng cấp phép biểu diễn cho “Bà Tưng”. Và đó là… mức xử lý cao nhất với trường hợp này vì… chưa có quy định đối với việc xử lý những hình ảnh, clip phản cảm như vậy!

 

Vụ kiện liên quan đến cuộc thi Nữ hoàng Biển năm 2013 là một minh chứng điển hình của tình trạng “lỗ hổng” trong văn bản pháp lý, khiến nhà quản lý lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”. Cục NTBD rút giấy phép cuộc thi Nữ hoàng Biển Việt Nam 2013 (do Công ty TNHH Quảng cáo truyền thông Rồng Việt tổ chức) tại Khánh Hòa do những sai phạm trong quá trình thực hiện. Một quyết định mà Cục NTBD cho rằng rất đúng, rất chặt chẽ, thế nhưng, khi ra tòa, Cục NTBD lại bị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử thua, chỉ vì văn bản liên quan không có dòng nào đề cập đến việc trao quyền rút giấy phép cho Cục NTBD, dù đơn vị này chính là nơi cấp giấy phép nói trên. Mặc dù Cục NTBD đã lên tiếng khẳng định, toà án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã cố tình bẻ cong pháp luật, phớt lờ những chứng cứ mà Cục này đưa ra trước tòa về sai phạm của Công ty Rồng Việt, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi và cho rằng, việc Cục NTBD bị thua kiện do chính những hành lang pháp lý mà họ đặt ra đã cho thấy những kẽ hở trong các văn bản, cũng như quá trình quản lý hoạt động NTBD.

 

Phương Hà