02:22 04/02/2014

“Bác sĩ tử thần” sắp đến ngày quy án - Kỳ 1

Không phải là kẻ ra lệnh thảm sát người Do Thái, cũng không trực tiếp cầm súng trực tiếp hành quyết những nạn nhân... nhưng Aribert Heim hiện chỉ còn thua kém mỗi Alois Brunner (trợ lý hàng đầu của Adolf Eichimann, đại tá mật vụ Gestapo, người được biết như là kiến trúc sư của nạn thảm sát Do Thái ở châu Âu)...

Không phải là kẻ ra lệnh thảm sát người Do Thái, cũng không trực tiếp cầm súng trực tiếp hành quyết những nạn nhân của phát xít Đức, nhưng Aribert Heim hiện chỉ còn thua kém mỗi Alois Brunner (trợ lý hàng đầu của Adolf Eichimann, đại tá mật vụ Gestapo, người được biết như là kiến trúc sư của nạn thảm sát Do Thái ở châu Âu), trong bảng danh sách truy nã tội phạm chiến tranh thời Đức quốc xã còn sống. Số phận ưu ái cho Heim được làm nghề cứu người, nhưng tên bác sĩ tàn độc này lại coi con người như vật thí nghiệm. Ác giả ác báo. Đến nay, khi đã 94 tuổi, hắn vẫn phải trốn chui trốn lủi và đang đứng trước nguy cơ bị bắt về quy án.

 

Kỳ 1: Những tội ác trời không dung đất không tha

 

Aribert Heim sinh ngày 28/6/1914, ở Bad Radkersburg (Áo), trong một gia đình bố theo nghề cảnh sát, mẹ làm nội trợ. Sau khi tốt nghiệp ngành y, Heim hành nghề bác sĩ ở Viên một thời gian. Năm 1935, nghĩa là trước thời điểm Áo bị Đức thôn tính bằng một cuộc chiến tranh đẫm máu khoảng 3 năm, Heim gia nhập chi bộ đảng phát xít ở nơi sinh sống, tới mùa xuân năm 1940 thì tình nguyện đứng vào hàng ngũ của đội quân vũ trang thuộc Đội phòng vệ (Waffen-SS) phát xít Đức. Tháng 10/1941, Heim được điều động đến trại tập trung Mauthausen, tiếp đó là trại tập trung Ebensee, gần thành phố Linz của Áo. Tháng 2/1942, Heim phục vụ trong sư đoàn sơn cước số 6 của phát xít Đức ở miền bắc Phần Lan. Tại những nơi hắn kinh qua, bệnh nhân đã gọi hắn bằng biệt danh kinh tởm “Bác sĩ tử thần” (Dr. Death). Thay vì cứu chữa cho các bệnh nhân trong trại tập trung, hắn cùng với dược sĩ SS, Erick Wasicky, biến họ thành vật thí nghiệm phục vụ “thú vui” giết người của mình.


“Bác sĩ tử thần” Aribert Heim năm 1950.

Karl Lotter, một tù nhân phi chính trị, từng có thời bị giam giữ ở trại tập trung Mauthausen không bao giờ quên cảnh lần đầu tiên nhìn thấy “Bác sĩ tử thần” giết người. Chuyện xảy ra vào năm 1941. Bệnh viện của trại tập trung Mauthausen nhận được một ca bệnh nhân bị bỏng ở chân. Đó là một thanh niên người Do Thái khoảng 18 tuổi. Sau khi hỏi vài câu về thân thế người thanh niên này, thay vì điều trị vết bỏng trên chân bệnh nhân, Heim đã gây mê, dùng dao phanh bụng, cắt quả thận bên trái, tiếp đó là quả thận bên phải, rồi lấy ra luôn hai bên tinh hoàn của nạn nhân. Cuối cùng, con dã thú đội lốt bác sĩ này cắt đầu nạn nhân cho vào nồi đun cho tới khi thịt róc hết để hắn có thể sử dụng xương sọ nạn nhân làm vật trang trí. Bên cạnh cái thú trải nghiệm cảm giác chết từ từ của nạn nhân, Heim còn rất thích đem đến cái chết cực sốc cho nạn nhân bằng cách tiêm thuốc độc thẳng vào tim họ, một phương pháp mà "Thiên thần chết chóc" Josef Mengele từng sử dụng tại trại tập trung Auschwitz khét tiếng ở miền nam Ba Lan. Mục đích của Heim là tìm ra loại thuốc giết người nhanh nhất và rẻ nhất. Nhưng đôi khi Heim không thể thử nghiệm được, vì chỉ cần thấy y giơ mũi tiêm hoặc con dao mổ ra là nạn nhân đã chết vì sợ. Một người sống sót sau này kể lại: "Heim khiến các tù nhân sợ đến chết".

Trại tập trung Mauthausen, nơi bác sĩ tử thần Aribert Heim gây ra tội ác dã man.

Ngày 15/3/1945, Heim bị quân đội Mỹ bắt giữ và nhốt vào nhà tù dành cho các tù nhân chiến tranh. Một năm sau đó, khi những tên đồng đảng, trong đó có dược sĩ SS, Erick Wasicky, phải chịu án tử hình vì những tội ác đã gây ra, Heim lại được thả tự do trong một hoàn cảnh rất đáng ngờ. Năm 1958, Heim mua một tòa chung cư gồm 42 căn ở Béclin bằng chính tên thật của mình. Sau đó, Heim mở thêm một phòng mạch tư ở gần thành phố nghỉ dưỡng Baden (Đức), hành nghề bác sĩ phụ khoa. Năm 1961, được thông báo về trường hợp của Heim, cảnh sát Đức đã mở một cuộc điều tra. Tuy nhiên, khi họ quyết định bắt Heim vào tháng 9/1962, hắn đã mất dạng.

 

Minh Thành (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ sau: Cuộc truy lùng sắp tới hồi kết?