12:14 06/12/2018

Bác sĩ đứng tên 'ảo' cho phòng khám sẽ bị rút giấy phép hành nghề

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, những bác sĩ đứng tên cho phòng khám có bác sĩ Trung Quốc nhưng thực tế không có mặt tại phòng khám để tham gia hoạt động khám chữa bệnh sẽ bị rút giấy phép hành nghề. Thông tin này được đưa ra tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, ngày 7/11.

Nhiều thủ đoạn tinh vi lừa người dân

Phòng khám gắn mác bác sỹ Trung Quốc lừa đảo người dân được báo đài phản ánh rất nhiều nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, vấn đề quản lý các phòng khám này được thực hiện thế nào... là những điều được đại biểu Tố Trâm đặt ra buổi chất vấn lãnh đạo các Sở, ban, ngành của TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Hiện TP  Hồ Chí Minh có 12 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc và thường kiểm tra đâu thì vi phạm tới đó.

Đại biểu Tố Trâm đặt vấn đề, việc kiểm tra các phòng khám có bác sỹ Trung Quốc đã được Sở Y TP Hồ Chí Minh thực hiện như thế nào, vì sao các phòng khám này tiếp tục hoạt động bát nháo công khai lộng hành lừa gạt bệnh nhân nhưng không bị xử lý triệt để? Trách nhiệm chính trong việc xử lý các phòng khám này nhất là khi phòng khám này xảy ra các sai phạm thuộc về ai, trách nhiệm của Thanh tra Sở về vấn đề này đến đâu?

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, nhìn chung hoạt động của các phòng khám có yếu tố nước ngoài rất tốt, phù hợp chủ trương xã hội hóa trong ngành y tế, hỗ trợ những kỹ thuật cao điều trị cho những người có thu nhập cao góp phần tăng trưởng kinh tế của Thành phố cũng như cả nước. Tuy nhiên, những sai phạm của phòng khám có yếu tố nước ngoài lại tập trung vào những phòng khám có bác sĩ Trung Quốc. Đây là một vấn đề rất bức xúc không chỉ ở người dân mà còn cho cả những cấp quản lý.

Ông Bỉnh biết thêm, trong năm 2018 tất cả phòng khám Trung Quốc đều bị kiểm tra không chỉ một lần. Khi có những dấu hiệu sai phạm ngành y tế lại tiếp tục kiểm tra, xử lý. Những nguyên nhân sai phạm của phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tập trung vào vấn về như có bác sĩ đăng ký nhưng khi khám không có, đặc biệt là những bác sĩ Việt Nam đứng tên lại không có mặt, chỉ có bác sĩ Trung Quốc đứng khám bệnh; làm quá danh mục cho phép; hồ sơ sổ sách hầu như không có; giá khám chữa bệnh cao, vẽ bệnh…

Chú thích ảnh
Vi phạm của phòng khám này thường vẽ bệnh để lấy tiền bệnh nhân.

Bên cạnh đó, trong quá trình tìm hiểu thấy các phòng khám này lợi dụng phương tiện kỹ thuật cao trong lĩnh vực quảng cáo như quảng cáo online trên các trang mạng, tư vấn bệnh trực tuyến khiến người dân tin tưởng và tìm đến hệ thống phòng khám.

Nhiều bất cập trong quản lý

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, Sở Y tế đã đình chỉ 3 phòng khám từ 4,5 tháng đến 6 tháng và phạt 39 trường hợp với tổng số tiền 1.215 triệu đồng. Đây là những hình phạt được Sở Y tế phạt theo mức khung quy định cao nhất của Bộ Y tế.

Chú thích ảnh
Có một bộ phận các bác sĩ Việt Nam đang trực tiếp tiếp tay cho những phòng khám này hoạt động. 

“Tuy nhiên, bất cập hiện nay trong quy định cấp giấy phép kinh doanh thì sau 6 tháng họ có thể mở được một phòng khám mới. Vẫn địa điểm cũ, trang thiết bị cũ nhưng mướn một người đứng tên khác, thậm chí rút giấy phép bác sĩ Trung Quốc thì họ lại đưa một bác sĩ Trung Quốc khác sang”, ông Bỉnh chia sẻ.

Ông Bỉnh cũng cho hay, các phòng khám này quảng cáo trên mạng online và tư vấn bệnh trực tuyến nhưng hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có khung xử phạt cho những hành vi này. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, với những bất cập trên Sở Y tế đã họp đưa ra giải pháp kiên quyết xử lý khung hình phạt cao nhất và sẽ rút giấy phép hành nghề của những bác sĩ Việt Nam đứng tên nhưng không có mặt tại phòng khám.

“Đây là một điều lệ chưa có nhưng với những hành động của bác sĩ Việt Nam trực tiếp, tiếp tay vào những hành động không đẹp làm ảnh hưởng đến người dân Việt Nam thì không thể chấp chấp nhận”, Giám đốc Sở Y tế cho hay.

Đối với những cơ sở đã bị ngưng hoạt động, khi hoạt động lại thì phải thông qua hội đồng chuyên môn khoa học của Sở Y tế chứ không thông qua Phòng Quản lý dịch vụ y tế thẩm định. Song song đó, Sở Y tế phối hợp với Sở thông tin truyền thông để cài phần mềm ứng dụng phát hiện những quảng cáo trái quy định của những đơn vị này. Sở cũng kiến nghị với Bộ Y tế cần tăng khung hình phạt, rút giấy phép hành nghề khi phát hiện những vi phạm nhiều lần.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 94 cơ sở có yếu tố nước ngoài trong đó 28 cơ sở có người nước ngoài đứng tên và 64 cơ sở bác sĩ người Việt Nam đứng tên cho các bác sĩ người nước ngoài hoạt động. Riêng các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc có 12 phòng khám. Hầu hết các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc có số điểm đánh giá về chất lượng rất thấp.

ĐanPhương/ Báo Tin tức