04:00 07/04/2012

Bạc Liêu: Tái cấu trúc nền kinh tế hướng tầm nhìn đến năm 2020

Để có thêm sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước, Bạc Liêu xác định giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là khâu đột phá, khai thác tiềm năng để phát triển. Nhiều năm liên tục đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 11 - 13%/năm.

Để có thêm sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước, Bạc Liêu xác định giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là khâu đột phá, khai thác tiềm năng để phát triển. Nhiều năm liên tục đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 11 - 13%/năm.

Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp ở Bạc Liêu.


Sản xuất tôm sú, cua, cá kèo... luôn đạt giá trị sản xuất cao cũng trở thành những nhân tố tích cực. Xuất khẩu thủy sản năm 2011, lần đầu tiên vượt mốc 240 triệu USD; sản lượng lương thực đạt trên 900 ngàn tấn, mặc dù diện tích đất canh tác giảm gần 70 ngàn ha do chuyển dịch sản xuất lúa tôm; thu ngân sách lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16% theo tiêu chí mới; chương trình xây dựng nông thôn mới đang có nhiều khởi sắc.

Qua khảo sát ở 50 xã đã có 25 xã đạt từ 30 - 40% tiêu chí, có 16 xã đạt từ 8 - 10 tiêu chí; 7 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí và 2 xã đã đạt 12 - 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người với hơn 24 triệu 600 ngàn đồng/người; giải quyết việc làm cho 15 ngàn lao động...

Sau 15 năm tái lập tỉnh (1997 - 2012), kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đã tăng 12 lần. Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung xây dựng gần 2.000 km đường kiên cố các loại và 101 cây cầu lớn, nhỏ. Tất cả các ấp đã có giao thông nối liền phục vụ xe 2 bánh đi lại trong cả mùa khô lẫn mùa mưa. Có 35/50 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã. Năm 2011, nhiều công trình giao thông đã hoàn thành. Đó là cầu Bạc Liêu, cầu Bạc Liêu 2, cầu Ninh Quới, đường Hộ Phòng – Chủ Chí, Hòa Bình – Vĩnh Hậu, đường Thống Nhất II, đường Trần Huỳnh... Các tuyến đường, cầu ấy kéo nông thôn xích lại thành thị hơn, và là nền tảng để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đi nhanh, đi vững chắc.

Có được những bước đi mang tính bứt phá đó, cũng nhờ sự đồng thuận lớn của toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Sự đồng thuận cách mạng cao độ đó của Bạc Liêu đã rung động nhiều tấm lòng, kết nối những trái tim.

Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục rà soát điều chỉnh qui hoạch phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng vùng phía Nam quốc lộ 1A. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bạc Liêu trong 5 năm tới, nhằm phấn đấu trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên vùng đặc quyền kinh tế biển.

Để đạt được mục tiêu này, Bạc Liêu tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc... phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; xây dựng cảng cá, bến cá và khu vực neo đậu tàu tránh bão ở các cửa sông lớn; tiếp tục phát triển mạnh các ngành nghề khai thác biển và vùng ven biển, đặc biệt là môi trường nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và hệ thống dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế biển. Trong đó, quy hoạch vùng nuôi, phát triển các mô hình nuôi nhuyễn thể và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; củng cố, xây dựng mới và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nuôi nghêu, sò ngoài biển hoạt động có hiệu quả, với quy mô 3.350 ha, sản lượng đạt khoảng 13.500 tấn vào năm 2015. Bạc Liêu đẩy mạnh đầu tư các đội tàu đánh bắt xa bờ, từ trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu khai thác thủy sản dài ngày trên biển, có hiệu quả kinh tế cao và gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia biển đảo.

Trong giai đoạn đến năm 2015 Bạc Liêu phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm như: Cảng biển Gành Hào, tuyến Giá Rai – Gành Hào, Gành Hào – Hộ Phòng, Xóm Lung – Cái Cùng, Giồng Nhãn – Gành Hào, Cầu Sập – Đê Biển Đông, Cầu Bạc Liêu 4 và đường nối ra đê biển; nâng cấp, mở rộng đường Cao Văn Lầu.

Trên cơ sở này, Bạc Liêu quy hoạch đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô 15.000 ha vào năm 2015 nhằm chủ động thâm canh, nâng cao hiệu quả, tạo ra sản phẩm tôm đảm bảo chất lượng, tăng tính cạnh tranh. Tỉnh xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng (tôm - rừng) và phát triển du lịch nhằm tạo ra sản phẩm tôm sạch, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cuộc sống cho người dân ven biển theo hướng bền vững.

Để giải quyết tốt những bất cập trong quá khứ, hiện tại và định hướng đầu tư trong tương lai, Bạc Liêu chuẩn bị cho ra đời một bản quy hoạch thủy lợi hoàn chỉnh, giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Công trình do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện. Xét riêng trong các giải pháp kỹ thuật cơ bản phát triển thủy lợi ở Bạc Liêu, nổi lên các vấn đề lớn sau: Xây dựng 2 kênh cấp nước qua phần đất Sóc Trăng nhằm bổ sung nguồn nước đang thiếu cho tỉnh. Xây dựng âu thuyền Ninh Quới để kiểm soát tốt, dứt điểm tranh chấp mặn - ngọt, đưa được nước mặn lên đến các xã phía Bắc QL1A; xây dựng xi phong - trạm bơm (hay âu thuyền) để chuyển nước ngọt về vùng Nam QL1A; xây dựng mới và cải tạo một số cống đầu mối dọc QL1A. Đây là 4 giải pháp quyết định nhằm giải quyết vững chắc nguồn nước tại Bạc Liêu trong điều kiện hiện nay và tương lai...

Tổng kinh phí dự kiến để triển khai các giải pháp công trình thủy lợi ở Bạc Liêu theo quy hoạch này là 12 ngàn 116 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, nếu có biện pháp huy động tốt từ nhiều nguồn, biết đầu tư hiệu quả thì Bạc Liêu vẫn làm được, từ đó tạo thuận lợi cho nghề nuôi tôm công nghiệp của tỉnh và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Bạc Liêu.

Bài và ảnh: Cao Thăng