01:18 09/01/2016

Bác Hồ với mùa xuân

Mùa xuân được xem là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa muôn hoa khoe sắc, của sự hồi sinh, của tình yêu thương, của những ngày Tết Nguyên đán ấm cúng.

Ai dù đi bất cứ nơi đâu cũng mong về đoàn viên gia đình để đón một cái Tết cổ truyền ý nghĩa. Tuy nhiên, cũng có nhiều người, vì nghĩa lớn, vì niềm vui chung của cả dân tộc, đã không tiếc mình bôn ba nơi đất khách hàng chục năm trời, tiêu biểu nhất là vị lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Trong 79 mùa xuân của Bác có đến 30 mùa xuân tha hương (trong đó có hai mùa xuân nằm trong ngục của Tưởng Giới Thạch). Tính ra gần nửa tuổi đời, Bác không được ăn Tết ở quê nhà. Nhưng dù mùa xuân ở Paris (Pháp), Moscow (Nga), Hong Kong (Trung Quốc)… thì trong thâm tâm của Bác luôn hướng về Việt Nam thương yêu với nỗi lòng đau đáu - khi mà Việt Nam vẫn còn chịu sự lệ thuộc, áp bức của thực dân Pháp.

Cái Tết đầu tiên sau 30 năm xa Tổ quốc

Ngày 6/1/1941, Bác Hồ cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp... được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đi qua Nậm Bo xuống Nậm Quang (Tĩnh Tây- Trung Quốc) để chuẩn bị lập kế hoạch cụ thể cho việc về nước. Bác Hồ đã thống nhất kế hoạch hóa trang và phân công nhiệm vụ cho từng người.

Bác Hồ tham gia Tết trồng cây tại Bất Bạt (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Tây) Xuân năm 1969.

Sáng sớm 28/1/1941, tức ngày mồng 2 Tết (Tân Tỵ), nhận được tin từ trong nước báo sang tình hình thuận lợi, cả đoàn xuất phát từ bản Nậm Quang từ rất sớm. Nhóm được cử nhiệm vụ đi đón Bác do đồng chí Hoàng Sâm từ trong nước đã có mặt tại cột mốc 108. Tất cả đều xúc động khi thấy Bác đứng lặng đi bên cột mốc số 108, ngắm nhìn núi rừng trùng điệp của tỉnh Cao Bằng - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Sau 30 năm xa Tổ quốc, bôn ba đi tìm đường cứu nước, đúng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về đất nước.

Bác làm thơ xuân

Sinh thời, khi đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Bác luôn quan tâm đến đời sống, hạnh phúc chung của người dân, nhất là mỗi dịp xuân về. Nhằm khuyến khích, vận động người dân làm cách mạng, mặt khác chia sẻ niềm hân hoan của cả dân tộc trong những ngày Tết Nguyên đán, nên Bác thường làm thơ xuân. Lời thơ ngắn gọn, ngôn từ và cách diễn đạt dễ hiểu như lời Người tâm sự, đó là: “Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Đặc biệt bởi lối viết “nôm na”, “kêu gọi” ấy, trong mỗi câu, mỗi bài đều chan chứa ý thơ, tràn đầy sắc xuân, vừa độc đáo, hào hùng, vừa ấm áp thương yêu. Hơn thế, đó không chỉ vì thơ, vì Tết, vì xuân, mà là truyền thống của dân tộc, là tình cảm, là tấm lòng, là món quà đầu năm mới Người gửi tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước, là những định hướng chiến lược, là những lời đúc kết, đánh giá những thắng lợi trong năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ của năm tới, là những lời động viên, cổ vũ toàn dân tộc cùng nhau đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng, trong lao động và sáng tạo để xây dựng quê hương, đất nước...

Mừng miền Nam rực rỡ chiến công,
Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,
Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng
Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng,
Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng
Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong.
Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng
(Xuân Bính Ngọ - 1966)
Mùa xuân riêng nhỏ nhoi của Bác

Hòa cùng niềm vui chiến thắng chung của dân tộc trong Tết Mậu Thân năm 1968, Bác Hồ cũng góp thêm một "chiến công" thầm lặng của mình, đó là định ra kế hoạch bỏ thuốc lá, rồi nghiêm túc thực hiện. Người giao thuốc cho đồng chí giúp việc quản lý, mỗi ngày chỉ hút ba lần và hút giảm dần: tuần đầu mỗi lần hút 2/3 điếu, tuần thứ hai hút 1/2 điếu, tuần thứ ba hút 1/3 điếu, tuần thứ tư chỉ một vài hơi. Người bỏ luôn cả cà phê sáng và nhờ đồng chí thư ký uống hộ. Khi bỏ thuốc lá, Người cũng thôi uống rượu. Bác Hồ đã "tự mình đề thơ làm chứng" về quá trình rèn luyện này qua bài Nhị vật bằng chữ Hán (đã dịch thơ):

Thuốc không, rượu chẳng có mừng xuân
Dễ khiến thi nhân hóa tục nhân
Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt
Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần
Và niềm vui phấn chấn tinh thần ấy lại được Người viết tiếp trong bài thơ Vô đề bằng chữ Hán (đã dịch thơ):
Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn
Một năm là cả bốn mùa xuân
Bác Hồ với Tết Trồng cây

Cuối năm 1959, Bác Hồ khởi xướng “Tết trồng cây”. Quan tâm đến môi trường thiên nhiên và hiểu được ý nghĩa sâu sắc, giá trị thiết thực của môi trường sống, Bác đã động viên và kêu gọi nhân dân ta tích cực trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước:

Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn yêu thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên nên từ những ngày hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn luôn chú trọng tới việc xây dựng môi trường để bảo đảm cho điều kiện sống và công tác bí mật trong kháng chiến. Ở thời điểm đó, cơ quan thường xuyên phải di chuyển, Người căn dặn cán bộ phải chọn những nơi: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta vui”. Đến địa điểm mới, Người cùng cán bộ bắt tay ngay vào việc cuốc đất trồng cây vừa để cải thiện đời sống, vừa để hòa nhập vào thiên nhiên. Người coi việc sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên như một cách để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ.

TTXVN/Báo Tin Tức