06:16 20/06/2017

Bác Hồ và những người làm báo

Trong gần sáu thập niên hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra nhiều tờ báo, viết báo, đọc báo, bán báo và chăm lo đào tạo giáo dục, đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cho nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên báo chí trưởng thành.

Đã có nhiều câu chuyện ý nghĩa thú vị của Bác về nghề báo và người làm báo chúng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bản tin tại Phủ Chủ tịch.

Báo viết sai, in sai ở trang nào thì đính chính ở ngay trang đó


Lúc sinh thời, Bác rất quan tâm đến những người làm báo, Người thường đến thăm các tòa soạn hỏi thăm sức khỏe, công việc của anh em. Một lần đến thăm báo Nhân dân, Bác nhắc: Người làm báo phải viết đúng, viết hay. Nếu viết sai, in sai phải đính chính, sai ở trang nào đính chính ở trang đó, không nên đính chính ở trang sau, như người bị nhọ ở mặt lại chùi ở mông thì làm sao mà sạch được.


Phải biết tiếng nước ngoài. Tháng 1/1957, Bác đến thăm báo Nhân dân, câu đầu tiên Bác hỏi: Ở đây, cô chú nào biết tiếng Nga? Có một hai người giơ tay. Thế còn tiếng Trung Quốc? Cũng chỉ vài người giơ tay.


Bác bảo: Đã làm báo thì mỗi người phải biết hai ba tiếng nước ngoài, nếu không thì thiệt thòi lắm, ví dụ chú yêu một cô nước ngoài mà chú lại không biết tiếng của cô ấy, chú phải nhờ phiên dịch câu “Tôi yêu cô”, chú phiên dịch đúng như thế, vậy là chú ấy yêu mất người yêu của chú rồi còn gì, không biết tiếng nước ngoài thiệt thòi là thế.


Tự giác lao động, đóng góp


Một lần Bác đến thăm một tòa báo, được nghe báo cáo ở đây có người chưa yên tâm công tác, cho rằng làm báo không có tiền đồ, không có vinh quang, gặp đàn cháu làm báo ở phòng họp, Bác rút chiếc đồng hồ từ trong túi ra và nói:


Nhà nước cũng ví như chiếc đồng hồ này, ở trong đó máy móc, máy móc trong có kim, có chữ số và dây đeo, nếu thiếu một thứ thì không ra cái đồng hồ nữa, giả dụ cái kim nó thắc mắc là tôi phải chạy suốt đêm, bây giờ cho tôi được nghỉ ngơi, như thế có được không?


Đến cái chữ số nó cũng thắc mắc: Quanh năm tôi chỉ nằm một chỗ, như vậy làm gì có tiến bộ, vinh quang, hãy cho tôi chạy như cái kim. Như vậy có được không?


Mọi người đồng thanh: Không được ạ!


Bác nói tiếp: Có phải Bác to nhất nước không?


- Thưa Bác đúng ạ!


Nhưng nếu Bác cũng không yên tâm công tác, không hoàn thành nhiệm vụ thì Bác cũng không có tiền đồ, không có vinh quang!


Bác vừa dứt lời, tiếng vỗ tay rào rào, mọi người hô to: Hồ Chủ tịch muôn năm, sau đó mọi người ai nấy đều lao vào công việc một cách tự giác.

Ông Điêu Chính Dụng, sinh năm 1936, tại bản Hé, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Sơn La), trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông vinh dự trở thành nhà quay phim người Thái đầu tiên được Ban biên tập, Xưởng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương giao thực hiện rất nhiều thước phim cho Bác Hồ, giai đoạn 1966 - 1971. Trong ảnh: Bức ảnh chụp lưu niệm với Bác Hồ trong lễ trồng cây ngày 17/2/1969, tại Bát Bạt, Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ (ông Điêu Chính Dụng mặc áo đen).

Làm nhà báo thì phải có chính trị


Sau cách mạng tháng 8/1945, có lần Bác tiếp một nhà báo của Vương quốc Anh tại Thủ đô Hà Nội. Đang buổi tiếp khách, Bác thấy một số nhà báo Việt Nam thập thò ngoài cửa, Bác vẫy tay nói:


- À, các nhà báo Việt Nam, vào đây, tôi giới thiệu một đồng nghiệp người Anh.


Khi anh em ta đã ổn định chỗ ngồi trong phòng, Bác nói tiếp:


- Đây là nhà báo Anh, các chú có hỏi gì không?


- Thưa Bác cháu không biết tiếng Ăng Lê ạ!


- Được, các chú cứ nói tiếng ta, Bác dịch cho. Một nhà báo hỏi:


- Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chúng tôi đã có “tuyên ngôn độc lập” mồng 2 tháng chín, tại sao cho đến nay Chính phủ Anh vẫn chưa công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chúng tôi?


Bác dịch và nhà báo người Anh nói gì đó, Bác đã dịch lại: “Đúng là Hà Nội đẹp lắm! Nhất là giữa thành phố lại có hồ Hoàn Kiếm cổ kính, thật xinh đẹp không đâu có được”.


Một nhà báo khác hỏi:


- Tại sao nước Anh lại “đồng lõa” với Nhật và Pháp đánh Nam Bộ của chúng tôi?


Bác lại nói tiếng Anh và quay về phía các nhà báo Việt Nam “dịch”:


- Ông ấy bảo ông đã đến nhiều nước trên thế giới, nhưng ít thấy có phụ nữ nào lại đẹp như phụ nữ Việt Nam, họ mặc áo dài trông thật mềm mại, duyên dáng...


Bác nói với anh em khi khách đã ra về:


Các chú là nhà báo mà chẳng có “chính trị”, người ta (là nhà báo) sang, mình phải tranh thủ, họ có phải là Chính phủ Anh đâu mà cãi vã với người ta?


Thấm nhuần lời dạy của Bác, hàng vạn nhà báo Việt Nam đã và đang phấn đấu “vừa hồng vừa chuyên” để làm tròn trách nhiệm là người thư ký của lịch sử đương đại.

Tân Nhân