05:15 11/05/2016

Bác Hồ và lớp "Bồi dưỡng hạt giống đỏ"

Không phải ngẫu nhiên mà đầu năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn rất quyết liệt, Bác vẫn chỉ thị cho Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Thành uỷ Hà Nội mở 2 lớp thí điểm huấn luyện đảng viên mới, đặt tên là "Bồi dưỡng hạt giống đỏ".

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Đại hội thống nhất Việt minh - Liên Việt năm 1951. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong buổi khai giảng lớp học tại trường Chu Văn An ngày 14/5/1966, Bác đã đến thăm và trực tiếp nói chuyện với học viên. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với việc giáo dục, rèn luyện đảng viên, góp phần tăng cường công tác xây dựng Đảng.

Lớp học khai mạc sáng 14/5/1966, có 169 học viên của 20 xí nghiệp Trung ương và địa phương. Đối tượng là đảng viên mới, những người có thành tích và có triển vọng tiến bộ. Mỗi xí nghiệp có học viên đi dự phải cử một cấp uỷ viên đi theo để hướng dẫn học tập.

Lớp học được tổ chức trọng thể và trang nghiêm, lại có nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố và Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự nên nhiều học viên đã linh cảm thấy sẽ có điều gì đặc biệt, có người đã đoán là Bác sẽ đến. Sau khi đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Thành ủy khai mạc thì Bác xuất hiện trong bộ quần áo lụa màu nâu giản dị và quen thuộc.

Cả lớp phấn khởi, vỗ tay vang cả hội trường. Đợi cho lớp học trở lại trật tự, Bác mới ôn tồn nói chuyện. Nội dung bài nói của Bác rất dễ hiểu, đề cập đến những vấn đề rất cơ bản và thiết thực.

Những nội dung chủ yếu trong bài nói chuyện của Bác

Trước hết, Bác đề cập đến mục đích và động cơ vào Đảng. Bác nói: "Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Không phải! Trước đây, khi Đảng hoạt động bí mật, các đồng chí chúng ta vào Đảng chỉ một lòng một dạ làm cách mạng. Bọn đế quốc phong kiến bắt bớ, cầm tù, xử tử rất nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng, nhưng các đồng chí chúng ta vẫn hăng hái hoạt động. Có những đồng chí như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ và rất nhiều đồng chí khác đã anh dũng hy sinh cho Đảng, cho cách mạng".

Bác nhấn mạnh: "Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm tròn nghĩa vụ của người đảng viên".

Sau đó, Bác đề cập những nội dung lớn trong chương trình học tập, đó là “chủ nghĩa cộng sản là mục đích cuối cùng của Đảng ta”; đường lối cơ bản của Đảng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam; Tổ chức cơ sở Đảng và vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp công tác của người đảng viên.

Bác nhấn mạnh đến vấn đề lý tưởng của người đảng viên. Bác nói: "Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: Suốt đời làm cách mạng, phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới... phải đem hết tinh thần và nghị lực phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp Cách mạng hoàn toàn thắng lợi".

Bác nhắc các đảng viên phải hết sức quan tâm học tập đường lối của Đảng "vì có nắm vững đường lối cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng…".

Bác phân tích về vai trò, nhiệm vụ của chi bộ, của từng đảng viên. Bác nói: "Phải hiểu rõ quyền hạn, nhiệm vụ của người đảng viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với Đảng. Các cô, các chú còn phải nắm vững phương pháp công tác cách mạng của Đảng, ví dụ như cách vận động quần chúng. Không đi theo đường lối quần chúng của Đảng thì sẽ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng".

Bác nhấn mạnh đến việc học tập rèn luyện của đảng viên: "Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi học tập lý luận và chính trị là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của mình"; "Học phải đi đôi với hành chứ không phải học để nói suông".

Về việc tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên, Bác nói: "Hàng ngày phải tự kiểm điểm để cố gắng làm đúng 10 nhiệm vụ của đảng viên. Người ta hàng ngày ai cũng phải rửa mặt sạch sẽ. Hàng ngày, mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm như rửa mặt. Hàng ngày, mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm mình, phải lấy 10 nhiệm vụ đảng viên mà tự kiểm điểm".

Sau bài nói chuyện của Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ủy viên Bộ Chính trị đã giảng bài: Chủ nghĩa Cộng sản, mục đích, lý tưởng của Đảng ta".

Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng giảng bài "Đường lối cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ phát triển công nghiệp trong giai đoạn hiện nay". Đồng chí Hoàng Quốc Việt, ủy viên Bộ Chính trị giảng bài "Tổ chức cơ sở Đảng và vai trò nhiệm vụ của đảng viên". Tất cả các bài đều được giảng sát với trình độ của đảng viên mới nên rất dễ hiểu.

Ý nghĩa bài nói chuyện

Kỷ niệm 50 năm ngày Bác đến thăm và nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới là dịp để chúng ta nghiên cứu, học tập, liên hệ và rút ra những bài học bổ ích. 50 năm qua, trong các thời điểm, hoàn cảnh của cách mạng, nhất là ở thời điểm có tính bước ngoặt, Đảng ta luôn chăm lo đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Qua đó đã góp phần quan trọng làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng và nền tảng tinh thần của xã hội; nâng cao tính tự giác chính trị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kiên định và quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối, cương lĩnh chính trị của Đảng.

Trong những năm từ 1966 đến 1975, giáo dục lý luận chính trị đã được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1975 đến 1985, sau khi thống nhất đất nước, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác giáo dục lý luận chính trị, tổ chức lại hệ thống trường Đảng tập trung và mở rộng hệ thống trường lớp tại chức.

Từ năm 1986 đến nay, các nghị quyết Đại hội Đảng, của Trung ương và Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị trong Đảng cũng như trong xã hội. Nội dung giáo dục đảng viên ngày càng được bổ sung, hoàn thiện; hình thức giáo dục đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu học tập của đông đảo đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “… cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người thường hay nhắc nhở có cán bộ tốt, đảng viên tốt thì mọi việc mới thành công, đảng viên là người tiên phong, gương mẫu, nói là dân nghe, làm là dân theo.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị mở lớp huấn luyện đảng viên mới (ngày 14/5/1966) và Người trực tiếp đến thăm, nói chuyện với lớp học trong ngày khai giảng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đối với công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, và có ý nghĩa sâu sắc, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền và trước những đòi hỏi mới của thực tiễn cách mạng.

Phương Thảo (TTXVN)