09:09 01/09/2011

Bác bỏ cáo buộc sai lệch của EIA đối với các DN gỗ của Việt Nam

“Gỗ nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam hoàn toàn hợp pháp” - đó là khẳng định của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trong buổi họp chiều qua (31/8), đáp lại việc Tổ chức điều tra môi trường cáo buộc một số công ty của Việt Nam đã mua gỗ bất hợp pháp từ Lào...

“Gỗ nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam hoàn toàn hợp pháp” - đó là khẳng định của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trong buổi họp chiều qua (31/8), đáp lại việc Tổ chức điều tra môi trường cáo buộc một số công ty của Việt Nam đã mua gỗ bất hợp pháp từ Lào và sử dụng nguyên liệu này sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại công ty cổ phần Savimex TP.HCM. Ảnh: Văn Khánh-TTXVN


Nguồn gốc hợp pháp

Ngày 28/7/2011, Tổ chức điều tra môi trường (EIA) - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Vương quốc Anh - đã tổ chức họp báo tại Băngcốc, Thái Lan - để công bố báo cáo: "Giao lộ - Thương mại gỗ bất hợp pháp giữa Lào và Việt Nam".

Tại buổi họp báo trên, EIA cho rằng, một số công ty của Việt Nam gồm: Công ty Hợp tác kỹ thuật Quân khu 4, Công ty Đức Long (Gia Lai), Công ty Thanh Thúy, Công ty Khanh Thịnh, Công ty Hoàng Phát và Vinafor Đà Nẵng đã nhập khẩu gỗ bất hợp pháp từ Lào về Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.

Trước sự việc trên, ông Trần Đức Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) - khẳng định, gỗ nhập khẩu từ Lào chủ yếu để đáp ứng nhu cầu nội địa và tái xuất sang nước thứ 3, chứ không được dùng để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ sang thị trường Mỹ và EU.
Theo Vietfores, mỗi năm, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 triệu m3 gỗ, trong đó nhập khẩu từ Lào chỉ khoảng 200.000 - 250.000 m³ gỗ các loại, chiếm từ 5 - 6%.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký của Vietfores cho biết, tất cả gỗ mà doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Lào về đều được Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cho phép khai thác theo chỉ tiêu hàng năm, khai thác tận thu từ giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Các loại gỗ này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Lào cấp phép xuất khẩu sang Việt Nam và chỉ định công ty đối tác; gỗ được đóng dấu búa lâm nghiệp và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và thuế theo quy định của pháp luật Lào...

Theo ông Quyền, sản phẩm gỗ Việt Nam xuất sang Mỹ và EU chủ yếu là đồ gỗ ngoài trời, mà hầu hết sản phẩm này sử dụng gỗ rừng trồng, dạng tấm xẻ nhỏ, đảm bảo hợp pháp. “Tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU đều được đối tác nhập khẩu thuê các tổ chức quốc tế thứ 3 giám định độc lập cho từng lô hàng về nguồn gốc nguyên liệu. Hơn nữa, từ khi Luật Lacey của Mỹ có hiệu lực năm 2010 đến nay, Việt Nam chưa có lô gỗ nào bị trả lại. Do đó, cáo buộc của EIA là hoàn toàn sai trái, thiếu căn cứ”, ông Quyền nói.

Theo Vietfores số gỗ nhập về từ Lào chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chủ yếu được doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm như ván sàn, cửa đi, cửa sổ, cầu thang..., tất cả các sản phẩm này đều được sử dụng cho tiêu dùng nội địa. Gỗ nhập khẩu từ Lào không dùng để sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật... vì giá thành nguyên liệu cao, công nghệ sản xuất không phù hợp, không hợp thị hiếu người tiêu dùng các thị trường này. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU chủ yếu là sản phẩm bàn, ghế ngoài trời đều được chế biến từ gỗ rừng trồng và có chứng chỉ FSC (chứng chỉ của Hội đồng quản trị Rừng thế giới về Quản lý rừng bền vững).

Trả lại "thanh danh" cho đồ gỗ Việt Nam

Hiện tại, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang 120 quốc gia. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 3,4 tỷ USD, và 8 tháng đầu năm 2011 đạt 2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký của Vietfores cho biết, phương pháp và quy trình điều tra của EIA không minh bạch. Hơn nữa, việc EIA đưa các thông tin không đúng sự thật gây ra nhiều tác hại cho sự phát triển của ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam.

"EIA cử người giả danh là khách hàng mua gỗ để tiếp cận với một số doanh nghiệp Việt Nam, ghi âm và ghi hình ảnh bí mật, đặt nhiều câu hỏi mờ ám, trong khi người được phỏng vấn không biết rõ mục đích điều tra. Các trích dẫn trả lời của một số cá nhân trong báo cáo EIA không phải là của người có trách nhiệm phát ngôn của doanh nghiệp Việt Nam", ông Quyền nói.

Theo Vietfores, cáo buộc của EIA đã phần nào làm giảm uy tín của ngành gỗ Việt Nam và gây áp lực cho tiến trình đàm phán VPA (Hiệp định Đối tác Tự nguyện) giữa Việt Nam và EU và giữa Việt Nam với các đối tác nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam từ thị trường EU. Được biết, ngày 24/8/2011, Vietfores đã gửi thư đến tổ chức EIA yêu cầu làm rõ thông tin về những công bố của tổ chức này đối với ngành gỗ Việt Nam, nhưng cho tới nay chưa có phản hồi. “Sau 2/9 nếu chưa có trả lời từ EIA, chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với tổ chức này để làm minh bạch vấn đề”, ông Trần Đức Sinh, Chủ tịch Vietfores nói.

Đây là lần thứ hai (lần đầu vào năm 2008) EIA báo cáo về việc buôn bán gỗ bất hợp pháp giữa Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau khi nghiên cứu bản báo cáo điều tra của EIA phát hành ngày 28/7/2011, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có tờ trình báo cáo Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương Việt Nam. Đồng thời, sau khi nhận được đơn thư phản bác của các doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có thư bác bỏ các nội dung sai sự thật đối với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam và gửi tới tổ chức EIA, Tổng cục Môi trường của EU, đại diện Liên minh châu Âu tại Hà Nội.

Hiện tại, báo cáo của EIA chưa ảnh hưởng tới những đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và các đối tác khác. Ông Trần Huy Lê, Chủ tịch Hội sản xuất và xuất nhập khẩu gỗ Bình Định, cho biết, Bình Định có 3 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nằm trong danh sách cáo buộc của EIA, nhưng sau hơn 1 tháng EIA đưa ra cáo buộc mới chỉ có 1 công ty bị yêu cầu cung cấp thông tin về vấn đề này, còn việc sản xuất và xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, Vietfores cho rằng, thông tin của EIA đưa ra sẽ làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì vậy, Vietfores trao đổi trực tiếp với EIA để làm rõ sự việc, trả lại danh tiếng của sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Vietfores khẳng định: “Cộng đồng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam khẳng định nỗ lực cao nhất để thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của các quốc gia mà chúng tôi có quan hệ thương mại, đặc biệt có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin minh bạch về các vấn đề có liên quan”.

Hữu Vinh