03:09 11/03/2015

Ba yếu tố để bà Hillary Clinton vượt qua bê bối mới

Bà Hillary Clinton đang phải đối mặt với một bê bối mới trong khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2016 với nhiều khả năng bà sẽ tham gia đang đến gần, vậy bà sẽ có những biện pháp gì để vượt qua "vật cản" này?

Bà Hillary Clinton đang phải đối mặt với một bê bối mới trong khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2016 với nhiều khả năng bà sẽ tham gia đang đến gần, vậy bà sẽ có những biện pháp gì để vượt qua "vật cản" này?

CNN đã đưa ra những nhận định liên quan tới vụ việc. Bà Hillary đã nhận nhiều chỉ trích sau khi bị phát hiện sử dụng thư điện tử (email) cá nhân để giải quyết việc công khi bà còn đương chức Bộ trưởng Ngoại giao và máy tính riêng của bà ở tại ngôi nhà ở New York không được bảo vệ thông tin cẩn mật.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ảnh: AP


Vụ việc đã gây ra một làn sóng tranh cãi quét qua chính trường Mỹ vào tuần trước với cáo buộc cho rằng bà cựu ngoại trưởng 67 tuổi đã vi phạm quy tắc của chính phủ Mỹ.

Trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết không hề có điều khoản cấm sử dụng tài khoản email cá nhân để xử lý các công việc chính phủ, miễn là mọi thông tin đều được bảo mật.

Tuy nhiên Đảng Cộng hòa đã ngay lập tức đánh hơi và nhảy vào câu chuyện. Ông Reince Preibus, chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa cho rằng: “Điều đó khiến bạn nghi ngờ, liệu bà Hillary có sử dụng email cá nhân để thực hiện cả việc ngoại giao và gây quỹ cùng một thời điểm?”.

Trong khi đó, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ lại tỏ ra lo ngại rằng tranh cãi này có thể ảnh hưởng tới quá trình chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 mà bà Hillary là ứng cử viên tiềm năng của đảng. Thậm chí nhiều người cho rằng bê bối này chỉ mới chớm bắt đầu.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Hillary phải đối mặt với sóng gió chính trị. Khi chồng bà, ông Bill Clinton còn đương nhiệm chức Tổng thống Mỹ bà đã trở thành đối tượng trong các cuộc điều tra liên quan tới các vụ việc như tranh cãi xung quanh việc sử dụng dữ liệu FBI, bê bối liên quan tới văn phòng du lịch của Nhà Trắng và cuộc điều tra về đầu tư bất động sản của ông Bill Clinton.

Vào những thời điểm đó bà Hillary luôn sát cánh bên cạnh chồng, ngay cả trong bê bối tình ái của ông Bill Clinton với cô thực tập sinh Monica Lewinsky.

Trong thời kỳ bà Hillary đương nhiệm chức vụ Ngoại trưởng Mỹ, đảng Dân chủ đã vướng vào nhiều cuộc điều tra liên quan tới vụ tấn công Benghazi năm 2012. Tuy các nhà điều tra không thể tìm thấy bằng chứng vi phạm nhưng vụ việc phần nào cũng gây tác động mạnh.

Nhiều nhà quan sát đã khẳng định rằng bà Hillary luôn duy trì sự kiên cường trong nhiều năm phải đối mặt với bê bối và mỗi lần bị “tấn công”, bà và gia đình đều vượt qua một cách vững vàng. Bà được đánh giá là là một “chiến binh” kiên cường người có thể biến những thách thức thành cơ hội và trở nên rắn giỏi hơn. Vậy đến lần này bà sẽ đối mặt với tranh cãi như thế nào?

Đối đầu với những kẻ buộc tội

Không ai có thể làm điều này tốt hơn bà Hillary. Khi chồng bà phải đương đầu với các buộc tội liên quan tới việc quan hệ bất chính với Monica Lewinsky, bà Hillary đã lên truyền hình và có phát biểu nổi tiếng về “âm mưu của phe phản động” dựng lên câu chuyện. Mặc dù vụ việc đã gây ảnh hưởng nhiều tới danh tiếng của gia đình nhưng những cáo buộc của bà đã trở thành một cuộc tấn công với tác động không hề nhỏ.

Bà Hillary có quan điểm rằng các thành viên đảng Cộng hòa trong quốc hội thường nhắm đến mục tiêu “đảo chính chính trị” vì vậy bà cho rằng cuộc điều tra Benghazi dường như là một động cơ mang tính chính trị hơn là một cuộc điều tra nghiêm túc.

Dường như một tranh cãi tương tự cũng xảy ra từ khi bê bối email được “lôi ra” trước chiến dịch bầu cử. Ngày càng có nhiều nghị sĩ Cộng hòa can thiệp vào vấn đề này, do vậy nhiều khả năng bà Hillary sẽ phản pháo lại, tập trung chú ý của công chúng vào ý tưởng đó là một âm mưu nhằm gây ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của cựu ngoại trưởng Mỹ.

Vai trò của truyền thông


Một điều mà bà Hillary và phu quân của bà hiểu rất rõ đó là truyền thông ngày nay luôn “thèm muốn” các bê bối để thu hút công chúng theo dõi. Ở thời điểm hiện tại, công chúng Mỹ đã dần quen với những câu chuyện tin tức luôn được cập nhật và chúng bị thay đổi liên tục với những tin tức “nóng hổi” khác. Như dịch virus Ebola đến thời điểm hiện tại đã bắt đầu “phai nhạt” trên các mặt báo và truyền hình bởi nó đã được kiểm soát tại một số quốc gia.

Vì vậy khi giải quyết các vụ tai tiếng, bà Hillary và chồng thường tránh có những động thái sơ hở, phớt lờ đi gợi ý về việc từ chức và không bàn đến việc đứng ra nhận lỗi trước công chúng. Thay vào đó, họ phản pháo lại các đối thủ hoặc chờ đợi cho đến khi vòng tuần hoàn tin tức lại thu hút công chúng vào những vụ việc mới và câu chuyện của họ lắng xuống.

Quan điểm của Đảng Dân chủ

Ngoài những yếu tố chủ quan, gia đình Clinton đều hiểu rằng đảng Dân chủ của họ muốn cuộc đấu tranh an toàn và luôn đề cao những lãnh đạo có quyết tâm đối mặt với các đối thủ thay vì cuộn mình co tròn lại.

Chính thời điểm hiện tại, đã có nhiều than phiền trong nội bộ đảng Dân chủ về Tổng thống Barack Obama nhất là sau khi Quốc hội Mỹ bị chiếm đa số bởi đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014.

Vì vậy trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 tới, đại diện của Đảng được kỳ vọng có đủ bản lĩnh để bảo vệ các chương trình "di sản" của ông Obama đồng thời có danh tiếng, tầm ảnh hưởng để trở thành đối thủ với ông Jeb Bush của đảng Cộng Hòa - thành viên của gia tộc chính trị với 2 đời Tổng thống.

Mới đây nhất, vào ngày 4/3, qua mạng xã hội Twitter, bà Hillary tuyên bố thẳng thắn qua dòng cập nhật: “Tôi muốn công chúng có thể xem được cả email của tôi” đồng thời bà yêu cầu Bộ ngoại giao Hoa Kỳ xem xét lại các email của bà. Tuy nhiên khối lượng và nội dung của những email mà bà Clinton muốn công bố là bao nhiêu vẫn chưa rõ ràng.

Mặc dù vậy, nếu những đối thủ và kẻ chỉ trích bà Clinton hy vọng rằng bà sẽ tự thu mình lại sau bê bối này thì đó có thể là một sai lầm.


Hà Linh (Theo CNN)