Mỗi khi mùa mưa bão đến gần, người dân ở các thôn vùng cao thuộc xã Ba Vì (TP Hà Nội) lại sống trong tâm trạng bất an. Đất đá sạt lở, nước lũ tràn về đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực, đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân.
Đất đá đổ sập xuống nhà bất cứ lúc nào
Tại thôn Sui Quán, ông Nguyễn Văn Quyết, người dân sống ở sườn đồi cạnh đốc Trặc Tượng từ năm 1993, đã chứng kiến chứng kiến nhiều đợt sạt lở đất đá, nặng nhất là vào năm 2018 và năm 2024 khi bão Yagi tràn về. “Nhiều trận sạt lở đất đá đổ ập xuống vách nhà, tràn vào sân. Cả gia đình 6 người phải đi tạm lánh nơi khác vì lo nhà có thể đổ bất cứ lúc nào”, ông Quyết chia sẻ.
Căn nhà ông Nguyễn Văn Quyết dưới chân đồi đang sạt lở. Ảnh: Quang Phong
Đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Wipha) vừa qua, gia đình ông Quyết cũng thường trực nỗi bất an. Con cháu ông Quyết phải đi lánh nạn, trong khi đó chính quyền địa phương phải cử dân quân đến nhà trực trong nhà ông để sẵn sàng di dời đồ đạc nếu đất, đá sạt lở.
Ông Nguyễn An Hải, người dân thôn Sui Quán cho biết, gia đình tôi có hơn 500m2 đất thổ cư có sổ đỏ, nhưng lại nằm sát chân đồi có nguy cơ sạt lở. Năm nào cũng vậy, cứ mưa lớn là cả nhà phải di tản. “Cũng đã nhiều lần múc đất để hạ tải bớt đồi sau nhà, nhưng việc này vướng quy định nên chúng tôi cũng không dám làm liều”, ông Hải nói.
Vào ngày mưa gió, bà Đinh Thị Yên phải bỏ việc về nhà đưa cháu đi gửi.
Tại thôn Mít Đồng Sống, bà Đinh Thị Yên không khỏi xót xa khi kể về căn nhà hai tầng mới xây năm 2023. Chỉ một năm sau, đồi phía sau đã bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của bão Yagi. “Từ đó, cứ thấy trời nổi gió là tôi bỏ công việc chạy về nhà đưa cháu đi gửi. Mất nhà cũng đành, chỉ mong giữ được người,” bà Yên nói.
Sau nhiều năm sống trong cảnh “chạy lũ”, nhiều hộ dân ở Ba Vì chỉ mong có một chỗ ở an toàn, ổn định lâu dài. Các hộ dân ở thôn Sui Quán, thôn Mít Đồng Sống mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ gia cố các sườn đồi có nguy cơ sạt lở.
Chính quyền không để người dân sống trong lo lắng
Theo ông Đinh Văn Lưu, trưởng thôn Sui Quán, chỉ riêng thôn này đã có 6 điểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới 17 hộ dân. “Nhiều hộ xây nhà từ hàng chục năm trước, có giấy tờ đầy đủ nhưng giờ lại rơi vào diện chồng lấn đất rừng đặc dụng hoặc đất nông lâm trường, dẫn đến khó khăn trong cải tạo, di dời,” ông Lưu cho biết.
Trên địa bàn xã Ba Vì có hơn 40 điểm nguy cơ sạt lở về mùa mưa bão.
Hiện tại, một số công trình phòng chống sạt lở cấp bách đã được TP Hà Nội và huyện Ba Vì cũ đầu tư tại khu vực thôn Sưu Quán. Trong đó, dự án trọng điểm trị giá 35 tỷ đồng, bắt đầu thi công từ tháng 2/2024, hiện đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng.
“Chúng tôi rất cần cấp xã đôn đốc, giám sát tiến độ thi công phần còn lại. Ngoài ra, còn ít nhất 4 điểm sạt lở khác vẫn chưa được đầu tư xử lý, rất mong các cấp tiếp tục quan tâm”, ông Lưu nói.
Theo ông Nguyễn Giáp Đông, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, với phòng chống thiên tai thì không bao giờ được chủ quan. Lực lượng chức năng xã đã rà soát gần 50 điểm có nguy cơ sạt lở trên toàn xã. Vào những ngày mưa bão, chính quyền xã cử lực lượng xung kích trực tiếp túc trực tại các điểm xung yếu cùng người dân.
Ông Nguyễn Giáp Đông, Chủ tịch UBND xã Ba Vì kiểm tra điểm sạt lở tại thôn Mít Đồng Sống.
Về giải pháp lâu dài, vị Chủ tịch xã Ba Vì mong muốn thành phố cùng các sở ngành nghiên cứu phương án hạ tải sườnđồi có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, việc hạ tải hiện nay đang vướng về thủ tục pháp lý, quy định chuyển mục đích đất rừng, đất lâm nghiệp. Đây là việc người dân không thể tự làm, mà phải được các cấp có thẩm quyền cho phép.