10:12 11/10/2020

Ba tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn, trôi dạt trên biển

Có 3 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi gặp nạn, trôi dạt trên biển đang chờ cứu hộ.

Đó là tàu cá QNg 90741 TS của ngư dân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trong lúc hành nghề câu trở về đã bị hỏng máy và trôi dạt trên vùng biển Dung Quất.

Theo thông tin từ Đồn Biên phòng Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, lúc 2 giờ ngày 11/10, đơn vị này nhận được tin báo tàu cá QNg 90741 TS, hành nghề câu, trên tàu có 4 lao động do ông Nguyễn Xuân Đô, ở xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng trên đường đi hành nghề trở về đến vùng biển Dung Quất cách bờ khoảng 17 hải lý thì bị hỏng máy trôi dạt trong điều kiện sóng to, gió lớn.

Nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động tàu cứu nạn xuất phát từ cảng Dung Quất đi cứu nạn, nhưng do sóng to gió lớn nên tàu này không thể tiếp cận được tàu cá bị nạn nên đã quay về bờ. Hiện tàu cá QNg 90741 TS đang trôi bị trôi đến vùng biển thuộc xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) tốc độ 2 hải lý/giờ.

Tiếp đó là tàu cá QNg 92717 TS, trên tàu có 7 ngư dân, do ông Võ Tấn Thái, sinh năm 1984, ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi làm chủ kiêm thuyền trưởng, xuất bến tại Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) lúc 11 giờ ngày 29/9. Lúc 8 giờ 30 phút ngày 11/10, tàu bị hỏng máy, thả trôi tại tọa độ 15 độ 03 N -109 độ 01 E vị trí cách Cửa Sa Kỳ khoảng 5 hải lý. UBND đã có văn bản đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi tổ chức cứu nạn, cứu hộ ngư dân và tàu cá QNg 97217 TS. 

Còn trường hợp tàu QNg 96317 TS, bị hỏng máy lúc 18 giờ ngày 9/10, tại vị trí 12 độ 20 'N - 111 độ 40' E cách Đông Nha Trang, Khánh Hòa khoảng 145 hải lý; đến nay chủ tàu đã hợp đồng cứu hộ với tàu ở Khánh Hòa. 

Để phòng, tránh bão số 6, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định cho tất cả các cấp học trên toàn tỉnh nghỉ học vào ngày 12/10 (thứ Hai). Cùng với đó, các đơn vị, cơ sở giáo dục phân công lãnh đạo, giáo viên, nhân viên tham gia trực tại cơ quan và theo dõi tình hình mưa bão để kịp thời đề xuất các phương án phòng chống hiệu quả, an toàn. Sau khi bão đi qua, các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện dọn vệ sinh trường, lớp học và đón học sinh quay trở lại học tập bình thường.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi.

Đối với công tác ứng phó bão, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để đảm bảo an toàn; kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra (nhất là đối với các tàu, thuyền còn ở trong khu vực ảnh hưởng của bão); kêu gọi ngay các tàu thuyền vào nơi neo trú, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản an toàn tại các khu neo đậu.

Các lực lượng chức năng thông tin, vận động và hướng dẫn, tổ chức lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, không đảm bảo an toàn. Riêng huyện Lý Sơn phải tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, khách du lịch đang còn ở lại trên địa bàn huyện (nếu có).

Đối với công tác ứng phó mưa, lũ lớn, các các đơn vị tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt, nhà ở không đảm bảo an toàn đến nơi an toàn theo phương châm 4 tại chỗ. Những hộ dân không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời; kiểm tra khả năng an toàn của nhà, trụ sở cơ quan nơi sơ tán người dân đến để đảm bảo an toàn cho người dân tại nơi tránh, trú gió mạnh, lũ lớn...

Đinh Thị Hương (TTXVN)