07:21 09/07/2015

Ba lựa chọn cho Hy Lạp

Sau khi đa số cử tri Hy Lạp bỏ phiếu nói “Không” với đề xuất của các chủ nợ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hiện đứng trước ba sự lựa chọn chính.

Sau khi đa số cử tri Hy Lạp bỏ phiếu nói “Không” với đề xuất của các chủ nợ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hiện đứng trước ba sự lựa chọn chính:

1) Athens nối lại đàm phán với Eurozone

Lựa chọn này là khả thi, và chắc chắn được Pháp và Italy ủng hộ. Cuối tháng 6/2015, ông Tsipras đã sẵn sàng chấp thuận các cải cách mà các chủ nợ yêu cầu (tăng thuế VAT và cải cách hệ thống lương hưu). Tuy nhiên, đổi lại ông muốn cắt giảm khoản nợ khổng lồ trị giá 322 tỷ euro (475 tỷ USD), chiếm 177% GDP của Hy Lạp.

Người dân Hy Lạp đã nói “Không” với đề xuất của các chủ nợ. Ảnh: AFP/TTXVN


Điều này đồng nghĩa với việc khoản nợ của Hy Lạp sẽ trở thành tâm điểm chỉ trích trong các cuộc đàm phán tới. Tây Ban Nha, Ireland và Bồ Đào Nha phản đối việc cắt giảm nợ cho Hy Lạp, bởi cả ba nước này đều phải thực thi chương trình thắt lưng buộc bụng hà khắc, nhưng không hề được cắt giảm nợ. Điều này đồng nghĩa với việc cách duy nhất để cắt giảm gánh nặng nợ của Hy Lạp mà IMF cho là mang tính khẩn cấp, đó là kéo dài thời hạn chi trả (hiện kỳ hạn phải thanh toán trung bình các khoản nợ của Hy Lạp là trong vòng 16 năm) hoặc cắt giảm lãi suất (hiện lãi suất trung bình mà nước này phải chi trả là 2,4%). Tuy nhiên, người dân châu Âu sẽ không muốn viết cho ông Tsipras một tấm séc trống, đặc biệt trong bối cảnh tại Đức ngày càng có nhiều người phản đối việc cung cấp thêm tiền cho Hy Lạp.

Để có thể nhận được những hỗ trợ tài chính mới (IMF ước tính Hy Lạp sẽ cần 50 tỷ euro trong vòng 3 năm tới), Hy Lạp sẽ cần phải chấp nhận những yêu cầu cải cách và cắt giảm ngân sách mới mà Eurozone đưa ra, vốn cũng sẽ nghiêm khắc như những yêu cầu đã được đàm phán trước đây và được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.

2) Hy Lạp rời Eurozone theo trình tự (Grexit)

Đối với Berlin, Madrid, Bratislava và Lisbon, việc người dân Hy Lạp bỏ phiếu “Không” là bằng chứng cho thấy Athens không thể chấp nhận được những quy định của Eurozone.

Kết quả là, để Athens và các chủ nợ có thể đạt được một thỏa thuận thì cách tiếp cận tốt nhất là cùng hợp tác để giúp Hy Lạp rời khỏi Eurozone một cách có trình tự. Mặc dù ông Tsipras có vẻ quyết tâm giữ Hy Lạp ở lại Eurozone, song ông ấy có thể bị thuyết phục rằng tốt hơn là Hy Lạp nên rời bỏ Khu vực đồng tiền chung này nhưng vẫn ở lại Liên minh châu Âu (EU).

Một số người lập luận rằng nếu Athens từ bỏ đồng euro và trở lại với đồng drachma, nền kinh tế Hy Lạp có thể sẽ thu được lợi lớn. Một đồng nội tệ yếu hơn sẽ giúp khôi phục tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Hy Lạp, và những du khách nước ngoài - những người nhận thấy rằng du lịch Hy Lạp rẻ hơn - sẽ kéo nhau đến đất nước này. Ngân hàng Trung ương Hy Lạp khi đó sẽ có quyền in bao nhiêu đồng drachma tùy ý để ngăn chặn khả năng hệ thống ngân hàng của nước này bị sụp đổ và các châu Âu có thể sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Hy Lạp nhằm làm giảm nhẹ ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi này.

3) Hy Lạp rời Eurozone không theo kế hoạch (Grexident)

Ông Tsipras có chưa đầy hai tuần để xem xét hai lựa chọn trên trước khi phải mạo hiểm với lựa chọn thứ 3 - lựa chọn nhiều rủi ro nhất. Hy Lạp phải trả 3,5 tỷ euro cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 20/7. Nếu nước này không trả được nợ đúng hạn, ECB sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đình chỉ chương trình hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp.

Thêm nữa, chính phủ của ông Tsipras sẽ buộc phải bắt đầu in giấy nợ các tiền trợ cấp và lương mà họ lẽ ra phải trả cho các công chức nhà nước. Tuy nhiên, những giấy nợ này mặc dù sẽ được phép sử dụng trong các cửa hàng và bắt đầu hình thành nên một loại tiền tệ song song, nhưng những giá trị của chúng sẽ nhanh chóng sụt giảm so với đồng euro. Điều này sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng vọt, trong khi sức mua của người dân Hy Lạp sẽ sụt giảm, đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái tồi tệ hơn.




TTK (Theo mạng tin "Financial Review")