12:10 11/12/2014

Ba lô con cóc

Rời quân ngũ đã mấy chục năm, với tôi, ba lô con cóc là một kỷ vật vô giá, một kỷ vật không thể nào quên. Nó không những là “người bạn” thân thiết mà còn là “ân nhân”, đã cứu tôi thoát nạn mấy lần trong kháng chiến.

Rời quân ngũ đã mấy chục năm, với tôi, ba lô con cóc là một kỷ vật vô giá, một kỷ vật không thể nào quên. Nó không những là “người bạn” thân thiết mà còn là “ân nhân”, đã cứu tôi thoát nạn mấy lần trong kháng chiến.



Có thể nói, “gia tài” người lính chứa gọn trong chiếc ba lô con cóc. Ba lô của tôi, ngoài quân tư trang ra, còn có những lá thư, những tấm hình của cha mẹ anh em, của người yêu, của bạn bè… Nó ôm chứa bao yêu thương, vui buồn và nhung nhớ. Nó mang theo cả những: “Thép đã tôi thế đấy”, “Truyện Kiều”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”… và cả những vần thơ đầy mộng mơ, lãng mạn ra chiến trường. Ba lô của tôi ấp ủ bao ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ trong và sau cuộc chiến này.

Tôi nhớ, trước khi vô chiến trường, chúng tôi được luyện sức bền bằng cách: Lấy ba lô con cóc dồn cát, sỏi hoặc đất vô, nặng chừng ba, bốn chục ký, rồi mang trên lưng, tập hành quân mỗi ngày từ bốn đến năm giờ, suốt ba tháng trời ròng rã.

Với người lính, ba lô con cóc như một vật dụng đa năng. Bình thường nó dùng để chứa quân tư trang. Nhưng khi cần thiết, được dùng để tải đạn, gùi gạo, chứa quân bưu… tùy theo tình hình và nhiệm vụ được giao.

Trong chiến tranh, ba lô con cóc đối với người lính như hình với bóng, không thể tách rời. Mang ba lô trên lưng, xanh màu lá ngụy trang, tôi thấy yên tâm hơn. Ở chiến trường, bom rơi đạn lạc biết đâu mà lường! Bởi vậy, theo kinh nghiệm: Ba lô luôn được đặt sát bên mình về phía bên phải khi ngủ hay nằm nghỉ, hoặc mang trên lưng lúc hành quân, ba lô như một “tấm chắn” đáng tin cậy. Có lần tôi bị mảnh bom “xén” gọn một mảng ba lô và, đôi ba bận tôi bị đạn địch găm vô ba lô ngọt lịm. Nhưng nhờ có quân tư trang đầy trong đó, tôi đã mấy lần thoát chết trong gang tấc.

Sau những trận đánh ác liệt, chúng tôi được nghỉ ngơi đôi ngày. Tôi lần giở ba lô lấy thư của cha mẹ ra đọc lại. Thư viết: cha mẹ và các em ở nhà vẫn mạnh khỏe. Vụ này hợp tác xã được mùa, nhà mình thu cả tấn lúa. Con cứ yên tâm công tác, chiến đấu cho bằng anh bằng em. Cha mẹ đã “dạm” cho con một đám ở quê rồi đấy… Đọc thư tôi càng thương cha mẹ biết nhường nào! Thư như tiếp thêm niềm tin, tinh thần và nghị lực để tôi vượt qua bao gian khổ, khó khăn.

Tuổi trẻ lúc nào cũng lãng mạn và mộng mơ. Nhớ em yêu, tôi mang tấm hình em ra ngắm. Em tươi trẻ, xinh đẹp như nàng tiên trong rừng vậy. Mắt em đăm đắm nhìn tôi đầy yêu thương. Đôi môi em khát khao và ngọt lịm như thầm nói: Anh yên tâm! Em là của anh. Em đợi anh về thỏa nỗi nhớ mong… Và, bao giờ cũng vậy, trước khi cất tấm hình, tôi trao em một nụ hôn đầy yêu thương, say đắm.

Chiến tranh đã lùi xa, tôi nghiệm ra: Ba lô con cóc không phải là vật dụng vô tri vô giác. Nó cùng tôi chia ngọt sẻ bùi. Nó “biết” vui buồn, yêu thương, ước mơ và khát vọng. Nó cùng tôi đi khắp các chiến trường. Nó có mặt ở Sài Gòn trong ngày vui toàn thắng.

Mấy mươi năm hòa bình, ba lô con cóc luôn đồng hành cùng tôi trong cuộc sống. Nó như thầm nhắc tôi: sống sao cho xứng danh “Anh bộ đội Cụ Hồ”.q

Phạm Văn Thúy