Ba Lan và Pháp vừa ký kết một hiệp ước quan trọng, mở ra cánh cửa cho hợp tác an ninh và quân sự. Liệu đây có phải là bước tiến để xây dựng "ô hạt nhân" cho Ba Lan trong bối cảnh căng thẳng do xung đột Nga - Ukraine.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu tại cuộc họp báo ở Vacsava. Ảnh: PAP/TTXVN
Theo báo The Kyiv Post (Ukraine) ngày 10/5, trong bối cảnh Mỹ có những tín hiệu về việc giảm bớt các cam kết truyền thống với châu Âu, sự cấp thiết trong việc củng cố liên minh giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) trước các thách thức mới nổi ngày càng rõ ràng. Mới đây, một động thái đáng chú ý đã diễn ra khi Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký kết Hiệp ước tăng cường hợp tác và hữu nghị giữa hai nước.
Lễ ký kết diễn ra tại Nancy, một địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi vị vua Ba Lan thế kỷ XVIII Stanisław Leszczyński từng sinh sống. Hiệp ước mới này thay thế cho hiệp định được ký kết vào năm 1991 và đánh dấu một cột mốc quan trọng khi trở thành hiệp ước đầu tiên mà Pháp ký với một quốc gia không có chung đường biên giới.
Văn kiện này không chỉ đơn thuần là một tuyên bố hợp tác mà còn thiết lập cơ chế các cuộc họp chính phủ chung hàng năm, mở đường cho việc triển khai các thỏa thuận cụ thể trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, năng lượng hạt nhân cho đến vấn đề an ninh chung – lĩnh vực được Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh là "quan trọng nhất". Hiệp ước bao gồm các điều khoản về hỗ trợ quân sự lẫn nhau và đảm bảo an ninh song phương.
Một trong những khía cạnh thu hút sự chú ý nhất của hiệp ước này là khả năng mở ra cánh cửa cho các thỏa thuận trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, và đặc biệt là ý tưởng về một "lá chắn hạt nhân". Mặc dù bản thân hiệp ước không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về vấn đề này, nhưng nó được xem là một biểu hiện mạnh mẽ của ý chí chính trị trong việc tăng cường hợp tác an ninh.
Việc Ba Lan được công nhận là một lợi ích sống còn của Pháp – một yếu tố then chốt theo học thuyết hạt nhân của Pháp – vẫn còn là một chặng đường dài. Tuy nhiên, những suy đoán về việc Ba Lan có thể được bảo vệ dưới một "chiếc ô hạt nhân" đã xuất hiện trong dư luận nước này từ lâu. Trước đó, việc tham gia chương trình Chia sẻ hạt nhân của Mỹ cũng đã được đề cập, nhưng hiện tại, kịch bản này có vẻ ít khả thi hơn.
Hiện tại, Ba Lan chỉ sở hữu một lò phản ứng hạt nhân phục vụ mục đích nghiên cứu và y tế. Lò phản ứng này đã ngừng hoạt động và dự kiến sẽ tái hoạt động vào ngày 9/5, tuy nhiên, quá trình này đã bị trì hoãn do vấn đề gia hạn giấy phép. Một diễn biến đáng chú ý khác là vào năm 1999, Ba Lan đã bắt đầu quá trình chuyển đổi từ uranium làm giàu cao sang nhiên liệu làm giàu thấp, một động thái nhằm đáp ứng các sáng kiến quốc tế về hạn chế sự phổ biến của vật liệu hạt nhân nguy hiểm. Trong bối cảnh hiện tại, Ba Lan có thể sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến hạt nhân, tương tự như Ukraine đã làm trước khi ký Bản ghi nhớ Budapest.
Trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Ba Lan đã nhắc lại một sự kiện lịch sử đáng buồn: Ba Lan và Pháp cũng đã ký các hiệp ước vào năm 1939, ngay trước thềm Chiến tranh thế giới thứ II. Sau khi Đức xâm lược Ba Lan, Pháp và Anh đã tuyên chiến với Hitler, nhưng sự hỗ trợ quân sự thực tế dành cho Ba Lan lại rất hạn chế, khiến nước này phải đơn độc chống lại kẻ thù và chìm trong sáu năm chiến tranh khốc liệt.
Việc ký kết hiệp ước lần này mang ý nghĩa quan trọng, dù phần lớn vẫn mang tính biểu tượng. Nó mở ra một lộ trình hợp tác chặt chẽ hơn giữa Ba Lan và Pháp, nhưng đòi hỏi nỗ lực và ý chí chính trị bền vững từ cả hai quốc gia – điều không thể xem nhẹ trong bối cảnh chính trị đầy biến động hiện nay và trong dài hạn.
Tuy nhiên, sự kiện này, cùng với chuyến thăm của Thủ tướng Đức Friedrich Merz tới Pháp và Ba Lan ngay trước đó, đều cho thấy một tín hiệu tích cực về mong muốn khởi động lại hoạt động của Tam giác Weimar (gồm Pháp, Đức và Ba Lan). Việc củng cố các nỗ lực của các quốc gia châu Âu cũng được xem là một phản ứng trước những chính sách khó đoán định từ phía Mỹ, cho thấy châu Âu đang tìm cách tự chủ và tăng cường sức mạnh tập thể trong bối cảnh an ninh khu vực có nhiều thách thức.