02:22 05/02/2018

Ba Lan: Tranh cãi về dự luật liên quan thảm họa diệt chủng Holocaust là 'do hiểu nhầm'

Ngày 5/2, giới chức Ba Lan cho biết cuộc tranh cãi ngoại giao giữa nước này và Israel về dự luật mới liên quan tới thảm họa diệt chủng Holocaust thời Đức Quốc xã bắt nguồn từ "sự hiểu nhầm", song Vácxava không loại trừ khả năng sửa đổi, kể cả khi văn kiện được ban hành thành luật.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thượng viện Ba Lan đã thông qua dự luật trên ngày 1/2 vừa qua trong đó quy định các mức phạt, thậm chí phạt tù tối đa 3 năm đối với các đối tượng cáo buộc nhà nước Ba Lan đồng lõa với các tội ác của Đức Quốc xã và gọi các trại tập trung tử thần của Đức Quốc xã là của người Ba Lan. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay sau đó đã chỉ trích mạnh mẽ dự luật này và tuyên bố phản đối mọi hoạt động "bóp méo sự thật, viết lại lịch sử hoặc phủ nhận thảm họa diệt chủng Holocaust".

Phát biểu ngày 5/2, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz cho rằng bình luận trên của Thủ tướng Israel là do hiểu nhầm, bắt nguồn từ vấn đề phiên dịch của phía Israel. Ông cũng nói thêm Ba Lan cũng có thể cân nhắc sửa đổi văn kiện nếu cách diễn giải không đủ sức thuyết phục. Ngoại trưởng Czaputowicz cũng loại trừ những lo ngại của Đại sứ Israel tại Ba Lan Anna Azari về việc dự luật sẽ mở đường cho việc truy tố những nạn nhân sống sót khỏi thảm họa diệt chủng, nhấn mạnh luật pháp và hệ thống luật pháp Ba Lan không cho phép điều này. Ông Czaputowicz khẳng định nếu văn kiện được ban hành thành luật, Ba Lan sẽ vẫn sẵn sàng ủng hộ một tuyên bố chung với phía Israel để làm rõ những phạm vi của bộ luật hoặc để sửa đổi luật. Người đứng đầu ngành ngoại giao Ba Lan cũng khẳng định Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến của Israel, Mỹ cũng như các nước khác đối với dự luật này.

Để có hiệu lực, dự luật trên hiện chỉ còn cần Tổng thống ký phê chuẩn thành luật. Trước phiên bỏ phiếu tại Thượng viện Ba Lan, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại về những tác động của dự luật nói trên đến các mối quan hệ và lợi ích chiến lược của Ba Lan, bao gồm với Mỹ và Israel. Ngoài ra, Mỹ cho rằng dự luật sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận một khi chính thức có hiệu lực.

Khoảng 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc xã giết hại trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, trong đó nhiều người chết trong trại tập trung Auschwitz và các trại tập trung khác của Đức Quốc xã ở Ba Lan. Các nhà lãnh đạo Ba Lan thường xuyên yêu cầu các chính trị gia cũng như truyền thông toàn cầu không gọi các trại này là "trại tử thần Ba Lan", được cho là ám chỉ chính quyền Ba Lan thời điểm đó phải chịu một phần trách nhiệm về các trại này.

TTXVN/Báo Tin tức