08:20 20/08/2016

Bà cố ở bến cù lao

Con đò cập bến cây gạo đầu xóm thì trời cũng vừa xẩm tối. Giờ này ở quê, không phải là lúc ngột ngạt của xe cộ, đèn đường mà là lúa má, ngô lạc thơm mát trên con đường gió sông vi vút.

Thấy hai đứa bé cong mông đẩy cái xe bò cho mẹ lên dốc gò, tôi định bụng lại giúp mà lại thôi. Lần này, tôi về lén, dụ một bà cụ sang bờ bên kia sông. Con sông ấy đang lững lờ trôi về phía chân trời. Bến cù lao này đơn sơ nhưng rờn rợn. Nhớ có lần hai đứa còn ngủ chung giường ở ký túc xá, Nhàn kể, chẳng biết nghe ai bảo những mấy bà đi chợ hàng ngày nhưng khi xuống đò cũng không dám quay đầu ngoái lại, hình như dân cù lao kiêng sợ lắm.

Chừng một giờ sau, tôi đã ngồi khoanh chân bên mâm cơm dọn dưới gốc cây nhãn nhà Nhàn. Bát canh rau rền đỏ ối, quả cà muối, khúc cá quả kho, bát cơm phảng phất mùi bếp núc. Bố mẹ Nhàn cứ việc đắp đầy bát cho tôi thay vì những lời vặn vẹo: sao Nhàn không về? Tôi quê ở đâu, làm gì? Chồng con gì chưa?... mà hai đứa đã chuẩn bị trước ở trên thành phố. Mái nhà chiều quê yên ả, chỉ trừ cái tải xác rắn lùm lùm quần áo, chăn mền của bà nội Nhàn đang nằm chềnh ềnh ở mé hiên nhà.

Minh họa: Trần Thắng

- Cậu về cốt làm sao cho cụ đồng ý xuống đò sang bên kia sông là được. Phải để mất ở nhà bác cả mới đẹp mặt với xóm làng – Hôm qua Nhàn dặn tôi thế.

- Thế nhỡ ra bà cậu nhận ra tớ không phải là cháu bà thì sao?

- Yên tâm đi, trăm tuổi rồi còn biết gì nữa, ở vậy nữa thì quá lắm. Thôi thì để bà chịu sang sông vẹn cả đôi đường.

Nhàn nói rồi dúi vào tay tôi hai tờ năm trăm ngàn, coi như để cho tôi đi lại, bù vào mấy buổi phải nghỉ dạy gia sư. Hai đứa đã thỏa thuận thế.

Đêm ấy, nhà Nhàn chật ních những người trong dòng họ. Những người có nét giống Nhàn ở đôi mắt to, cái mũi thanh tú dù nước da rám nắng. Tôi ngồi dưới bếp đun nước với mẹ Nhàn nhưng vẫn loáng thoáng nghe được khối câu chuyện. Nào là bà lẫn cẫn đến mức “hốc” cả bát cơm đầy mà ai hỏi vẫn bảo “chúng nó chả cho ăn gì”. Rồi mấy đồng bạc lẻ bà giấu trong cái ruột tượng lẫn với nắm kẹo bị chuột tha mất, sáng hôm sau bà chửi đổng “một lũ ăn cắp”, cái khúc gỗ quý mà ông con rể nào đó định để tỉa tót để làm cảnh bị bà đem đun vì ngỡ là củi mục… Nhà con nào cũng tố bà gây chuyện như trong phim ngày trước tố địa chủ. Bà thì cứ ngồi mân mê cái bánh đa vừng chẳng dám ăn, hình như chỉ bên kia sông mới có bán loại bánh đa như thế, ai mang sang để dụ bà?

Bố Nhàn ngồi lặng thinh, chỉ thi thoảng đứng dậy tiếp nước sôi vào ấm, thay bã trà. Từ lúc tôi cầm tay bà, mới thấy rõ đôi mắt bà vẫn mờ đục vô cảm như sương khói trăm năm vấn vít. Mẹ Nhàn bảo, trước Nhàn về chỉ cần nghe tiếng nó là bà biết, bà vui lắm, năm nay mắt bà lòa lắm rồi, đôi tai lắng nghe tiếng đời ngót cả trăm năm giờ cũng điếc đặc, chỉ có những cử chỉ âu yếm mới làm bà tỉnh giấc miên man đó. Trước khi đi ngủ, bà giấu cái bánh đa vào cái túi đựng quần áo. Nhàn là cái đứa cháu đẻ rơi ngoài ruộng, bà đội nón mê, áo tơi đội mưa bế về trước cả những người lực điền khiêng cáng mà giờ còn chẳng nhận ra người nắm tay mình.

Nằm trên chiếc giường gỗ xoan của Nhàn, tôi cứ trằn trọc không sao chợp mắt được. Đêm ở quê yên tĩnh và thanh mát nhưng trong đầu tôi cứ quanh quẩn những câu chuyện về bà mà ban tối mẹ Nhàn kể. Bà là con gái làng Hạ chỉ quen tằm tang, trốn theo ông nội Nhàn sang đất cù lao bên này mà chẳng có cưới xin gì. Người bảo vì nhà gái thách cưới quá cao, người bảo vì bà đã có mang được mấy tháng, hình như bà bị cha mẹ từ mặt. Đất cù lao này bao đời phù sa, rơm rác, xác cá, xác người trôi sông bồi lắng, hạt gì mang sang trồng cũng tốt. Bà có với ông tám đứa con cũng từ hạt lúa, củ khoai, đưa ông về dưới ba thước đất cũng một tay mẹ phù sa vỗ về. Nhưng bến cả, nơi bên kia sông thì mãi đến giờ bà cũng không quay lại.

Tôi thức giấc khi cả nhà đang lục tục đưa bà sang bến sông. Chẳng biết nghe ai bảo mà đêm qua bà không chịu đi ngủ, bàn tay cứ giữ chặt những song cửa sổ, ai dỗ cũng không nghe, đôi mắt nhìn càng vô hồn. Đến giờ này tôi mới ngắm kĩ, mái tóc bà sớm nay như bạc trắng, xõa ra như ngàn sợi dây bám lấy song cửa mà níu giữ một kiếp người. Ở ngoài ô cửa kia, ngô lúa vẫn biếc xanh, chỉ có những người trẻ, những mầm cây đang vươn thẳng, mạch sống đang căng tràn. Thảo nào chiều qua, hỏi đường về nhà bà cố Mịch, dân làng cù lao đều vanh vách kể, chỉ chỏ và bĩu môi. Ngoài cây gạo ở bên sông tiếng là nơi vong hồn người chết đuối, trẻ quái thai cư ngụ nên không ai dám chặt thì mọi thứ đều có tuổi. Nghĩa là đủ năm, đủ tháng ắt phải bị gặt hái. Cũng dễ hiểu, vùng cù lao này là đất ngoài cương tỏa của làng vốn toàn dân tứ chiếng, lấy đâu ra dư giả.

Mặt trời chưa lên cao quá ngọn chuối thì cả họ hàng lại kéo đến vây kín sân. Những khuôn mặt cau có tối qua dầu dĩ giờ thêm vẻ đăm chiêu, lo lắng. Hết bà thím này đến bà bá khác hì hục cậy tay cụ như bóc từng cái rễ cây đã bám vào tường, những vết móng tay hằn trên tay bà mà vẫn bất lực. Dường như mọi sức lực cuối đời của một con người đều dồn vào những ngón tay gân guốc ấy. Vạch đám đông, một bà tuổi trung niên, thấp lùn, mắt ráo hoảnh lao vào bà kêu gào:

- Bà không đi, định sống ở đây đến lúc thành yêu tinh à? Đất này giờ chỉ lở thôi có bồi được như xưa đâu, người thì đông lên, bà sang phố mà ở. Ai dư sức nuôi bà chứ.

Trong đám đông ồn ào, bát nháo ấy, tôi thấy bố Nhàn cứ lặng thinh xếp từng thứ đồ nghiêm cẩn. Trông ông chẳng có vẻ gì sốt ruột hay lo lắng. Dường như ông đang chuẩn bị để mẹ mình có một chuyến đi cuối cùng, điều ấy làm tôi run sợ hơn cả đám người thô tục kia. Đến lúc này tôi mới nhìn kĩ, chẳng riêng ông, ai cũng ăn vận tươm tất, có người đánh cả son phấn nhưng lòe loẹt. Lũ trẻ con thì diện áo mới, chạy tung tăng như nhà có cỗ hay làng có hội. Tôi được mọi người đẩy vào bên bà, cái vai cháu gái gần gũi chải tóc, bón cơm lâu nay giờ mới được nhớ đến, tán tụng để lấy lòng một bà cố già. Chẳng còn cách nào khác, tôi leo lên giường, ôm lấy tấm thân già nua của bà, thủ thỉ những lời như lúc tôi hay nói trước mộ bà tôi trong những ngày thanh minh. Những lời chỉ mình tôi biết, gió sông thôi bay đi trước khi lọt vào tai bà.

Thế mà bà cố Mịch chịu mà nghe theo đoàn con cháu rước mình xuống thuyền. Những người đang làm vườn ngừng tay cuốc, người đánh cá dưới sông chống sào. Với họ đoàn rước bà cố là cái sự kiện gì ghê gớm lắm. Vì bà có người con trai sang lập nghiệp được ở bên kia sông có nhà cao, cửa rộng. Vì sang phố chả sướng hơn ở đây, những ánh mắt ghen tị bắt đầu liếm gót chân bà.

Trước khi con đò rời bến, tôi hỏi mẹ Nhàn:

- Sao đưa bà đi hôm nay, không đợi mấy hôm nữa Nhàn về.

- Hôm nay là ngày mừng thọ, đưa bà sang rồi ở hẳn bên ấy. Cụ già nào ở cù lao này đi sang phố, khuất bóng vườn tược, bến thuyền cũng được dăm bữa nửa tháng là buồn nhớ mà theo ông bà, ông vải.

Sớm nay đã ngoài trăm năm, còn đò sắp sửa rời bến hay người đàn bà kia sắp vượt ra ngoài cái giới hạn của ông trời đã định ra. Ngay cả cái xứ cù lao hoang vắng này người ta vẫn không quên đếm tuổi người. Có lần tôi nghe Nhàn kể, người làng cô có thời chẳng biết đếm quá con số một trăm, cá tôm, con gà, nông sản cũng bán kiểu ang áng.

Bất giác tôi thấy buồn, tôi thả nắm lá trầu khô lúc nãy lục trong túi của bà xuống dòng sông, những chiếc lá quằn quại trên mặt nước trước khi bị cuốn đi mất tăm, hình như có cả hai tờ năm trăm ngàn cũng nằm lẫn trong số đó.

Bùi Việt Phương