06:16 11/06/2014

Bà Clinton nói gì về Nga, Trung Quốc trong cuốn hồi ký mới?

Việc cho xuất bản cuốn hồi ký này là sự khởi đầu không chính thức cho cuộc chạy đua của cựu ngoại trưởng Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, nhất là khi bà đã ngầm khẳng định những khác biệt quan điểm về đối ngoại so với chính quyền đương nhiệm.

Ngày 10/6, Nhà xuất bản CBS Corporation (Mỹ) đã cho ra mắt cuốn hồi ký thứ 2 của cựu ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton, có tiêu đề “Hard Choices” (Tạm dịch: Những chọn lựa khó khăn). Điểm nổi bật chính là việc bà Clinton nói đến những khác biệt quan điểm trong chính sách giữa bà và Tổng thống Barack Obama liên quan đến Nga, Syria, Ai Cập…

Về Nga, cựu ngoại trưởng Mỹ viết rằng ngay từ rất sớm bà đã là người “không thích” ông Putin và rằng những nghi ngờ của bà về nhà lãnh đạo này đều chính xác. Bà Clinton có nói đến việc Nga cho sáp nhập Crimea và gọi cuộc khủng hoảng ở Ukraine là “lời nhắc nhở mới nhất cho mục tiêu lâu dài của ông Putin”, cùng “nghị trình thực sự” nhằm “tái Xô Viết hóa” lãnh địa của nước Nga.

Cuốn hồi ký mới ra mắt của cựu ngoại trưởng Hilary Clinton. Ảnh: AP


Cựu ngoại trưởng Mỹ tiết lộ đã cảnh báo ông Obama về những tham vọng của Tổng thống Nga trong một thông báo nội bộ soạn thảo trước khi bà rời nhiệm sở vào tháng 1/2013. Theo đó, bà nhìn nhận ông Putin là đại diện cho một mối nguy “đối với các nước láng giềng và trật tự toàn cầu”; suy ngẫm “về những ngày tháng khó khăn phía trước trong quan hệ với Moskva sẽ xấu đi, trước khi có thể tốt lên”.

Theo nội dung cuốn hồi ký, bà Clinton cũng là người kêu gọi người đứng đầu Nhà Trắng dừng ý tưởng “cài đặt” lại quan hệ Nga - Mỹ mà ông đặt ưu tiên ngay khi nhậm chức nhiệm kì hai. “Đừng tỏ ra quá háo hức hợp tác cùng nhau. Không nên ảo tưởng về Putin với một sự chú ý cao độ… sức mạnh mà quyết đoán là ngôn ngữ duy nhất mà ông Putin hiểu”, cựu ngoại trưởng Mỹ viết.

Bà Clinton cũng nói thêm rằng, lúc đầu ông Obama bỏ qua lời khuyên của bà từ chối nhận lời tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với Nga ở Moskva, dù cuối cùng ông cũng thay đổi quan điểm sau khi “kẻ đào tẩu” Edward Snowden được Nga cấp quy chế tị nạn tạm thời.

Cựu ngoại trưởng Mỹ kết luận, Tổng thống Putin là người cương quyết theo đuổi “việc giành lại đế chế Xô Viết”, người luôn khát khao phục hồi quyền lực, lãnh thổ và ảnh hưởng cho nước Nga.

Về Trung Quốc, bà Clinton nói rằng bản thân bắt đầu quan ngại về cách hành xử hiếu chiến mới của Trung Quốc từ thời điểm năm 2009, với nhân tố đặc trưng là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, cùng với việc chính quyền Washington phải dành quá nhiều nguồn lực cho hai mặt trận Iraq và Afghanistan.

Theo mô tả, tại một cuộc gặp thượng đỉnh ở Bắc Kinh hồi tháng 5/2010, bà “giật mình” khi có một vị đô đốc hải quân Trung Quốc đứng lên và “buông ra một tràng quát mắng cáo buộc Mỹ cố gắng kìm tỏa và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Liên quan tới mối quan hệ cá nhân, bà Clinton mô tả cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đảo là một nhà lãnh đạo “tách biệt”, thuộc mẫu người “mô phạm” dễ đoán định hơn, thiên về việc duy trì quyền lực thông qua các cơ chế lãnh đạo trong đảng.

Dư luận nhìn nhận, việc cho xuất bản cuốn hồi ký này là sự khởi đầu không chính thức cho cuộc chạy đua của cựu ngoại trưởng Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, nhất là khi bà đã ngầm khẳng định những khác biệt quan điểm về đối ngoại so với chính quyền đương nhiệm.


HT (Theo IBT, AFP)