09:11 01/09/2020

Australia theo đuổi 'kiên trì chiến lược' trong quan hệ với Trung Quốc

Thủ tướng Morrison cho biết Australia đang áp dụng học thuyết “kiên nhẫn và kiên trì chiến lược” trong quan hệ với Trung Quốc và sẽ không bao giờ đánh đổi chủ quyền hay an ninh trước áp lực kinh tế đến từ Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu tại một cuộc họp báo ở Caberra hồi tháng 3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền được tờ Financial Review đăng tải ngày 30/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng việc thừa nhận quan hệ Trung Quốc-Australia theo hướng “đôi bên cùng có lợi” phù hợp với lợi ích cho Bắc Kinh, nhất là quan hệ thương mại hai chiều. Trước việc hợp tác Bắc Kinh-Canberra đang ở thời điểm xấu nhất, ông Morrison nhìn nhận đó không phải là lỗi của Australia, mà là do những điều chỉnh trong cách hành xử của Trung Quốc. 

Hồi tháng 5, Trung Quốc áp thuế trừng phát đối với đại mạch nhập khẩu từ Australial. Đến tháng 8 này, Bắc Kinh đe dọa sẽ có hành động tương tự đối với mặt hàng rượu vang của Australia. Đó được xem là đòn trả đũa cho việc chính quyền Australia cấm tập đoàn Huawei tham gia phát triển mạng 5G tại Australia, kế đến là việc Canberra ban hành luật chống nước ngoài can thiệp. 

Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, cá nhân ông không công khai cáo buộc Trung Quốc sử dụng trừng phạt thương mại để buộc đối tác thay đổi chính sách, nhưng chính quyền Canberra sẽ không để bị cuốn vào tranh cãi lan rộng với Bắc Kinh, giải quyết từng mối đe dọa thương mại theo tuần tự. 

“Cần phải xử lý những đe dọa đó dưới góc độ riêng rẽ. Đó là một trận bóng đá. Điều chúng ta cần phải làm là tập trung và không được phép sao nhãng sang các môi trường khác. Trong đó có việc không từ bỏ các giải pháp chính sách bảo đảm chủ quyền và an ninh khi phải đối mặt với đe dọa kinh tế”, ông Morrison chia sẻ.

Theo Thủ tướng Australia, bất kỳ đề xuất, gợi ý nào về đánh đổi trong những vấn đề cốt lõi này đều là sai lầm. Canberra phải có quan điểm rõ ràng và thể hiện nhất quán, đó là điều có tầm quan trọng rất lớn. Ông khẳng định, Australia không tìm kiếm đối đầu với Trung Quốc, nhưng sẽ thể hiện nhất quán về quan điểm, rõ ràng về lợi ích quốc gia và hy vọng Bắc Kinh cũng chọn cách tiếp cận này. 

Một phần của học thuyết liên quan đến khái niệm “quan hệ cùng có lợi”. Ông Morrison cho rằng dường như có tồn tại luồng quan điểm cho rằng quan hệ chỉ mang lại lợi ích một chiều cho Canberra.

Điều đó là không đúng, bởi lý do để tạo ra quan hệ đối tác thương mại là vì kiểu hợp tác này làm lợi cho cả hai. “Chúng tôi từ lâu đã nhấn mạnh luôn chào đón sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. Australia chưa bao giờ tìm cách ngăn chặn điều đó, hoặc để bị gán ghép tham gia vào liên minh kiềm chế sự phát triển đó”, Thủ tướng Morrison bày tỏ. 

Chú thích ảnh
Mặt hàng rượu vang của Australia đang bị Trung Quốc điều tra chống bán phá giá. Ảnh: AFP/TTXVN

Cách tiếp cận mới của Australia cũng đề cập đến liên kết tại khu vực. Phát biểu tại Diễn đàn Aspen (Mỹ) hôm 4/8 vừa qua, ông Morrison nhìn nhận việc thành lập một liên minh giữa các quốc gia “cùng chí hướng” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ưu tiên tối quan trọng để duy trì ổn định trong một khu vực phải đối diện với hành xử hăm doạ ngày một lớn từ Trung Quốc. 

Australia cùng Nhật Bản là hai nước đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy một liên minh như vậy, trong đó có sự tham gia của cả các nước ASEAN, nhằm hướng đến việc hướng lái Trung Quốc trở thành thành viên có trách nhiệm quốc tế.

Dư luận tại Australia và các nước đồng minh khu vực của Canberra như Nhật Bản đều cho rằng chính quyền Obama giỏi về tạo dựng liên minh, nhưng lại quá mềm yếu trước Trung Quốc, tạo điều kiện để Bắc Kinh lấn át ở Biển Đông, Biển Hoa Đông. Còn ông Trump thì bị chỉ trích là thiếu nỗ lực trong gây dựng liên minh. 

Theo Thủ tướng Morrison, dù ông Donald Trump hay Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, điều quan trọng là nước Mỹ cần tập trung cho “ưu tiên then chốt về can dự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Can dự của Mỹ phải là cả về kinh tế và quân sự. 

Tuy nhiên, Australia không để bị cuốn vào chò trơi đối đầu với Trung Quốc, mà can dự theo những điều khoản đặc trưng của riêng mình. Nói cách khác, Caberra sẽ không đặc cược tất tay vào liên kết với Washington trong xây dựng liên minh duy trì thịnh vượng, bảo đảm an ninh ở khu vực. 

Australia là nước lên tiếng sớm nhất ủng hộ quan điểm của Ngoại trưởng Mike Pompeo phủ nhận tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông của Bắc Kinh. Nhưng chính quyền của Thủ tướng Morrison cũng lại không chấp nhận đề xuất của ông Pompeo về cử tàu chiến của Australia đi vào vùng 12 hải lý quanh các cấu trúc đảo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức