06:15 05/06/2014

Australia tăng cường đối phó với biến đổi khí hậu

Australia đang chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu với những đợt nắng nóng kỷ lục, hạn hán, cháy rừng, hiện tượng El Nino đe dọa, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân...

Australia đang chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu với những đợt nắng nóng kỷ lục, hạn hán, cháy rừng, hiện tượng El Nino đe dọa, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Trước thực trạng này, Chính phủ và người dân Australia đang tăng cường các biện pháp đối phó một cách khoa học, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giảm thiểu những tác động của tình trạng hiệu ứng nhà kính.

Nhà chức trách Australia chủ trương tái thiết cơ sở hạ tầng theo hướng chống được nắng nóng. Các nghiên cứu cho thấy thiết kế đô thị một cách đúng đắn có thể giúp các thành phố giảm được tới 4 độ C. Chính vì vậy, thay vì trải nhựa đường quốc lộ màu đen, nhà chức trách Australia tăng cường sử dụng nhựa đường có màu nhạt. Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân không lợp mái nhà màu đen mà dùng ngói màu sáng. Theo giới chuyên môn, đường quốc lộ màu đen và mái nhà màu đen có thể khiến nhiệt độ nóng hơn 3 độ so với dự báo.

Australia bước vào mùa đông nóng kỷ lục.


Nhiều thành phố ở Australia đặt mục tiêu chống nắng nóng lâu dài bằng cách trồng thêm cây và trải thảm thực vật. Đây là máy điều hòa không khí tự nhiên rất hữu dụng và có tính thẩm mỹ cao. Tòa tháp One Central Park East tower ở Sydney là một ví dụ. Tòa nhà này nổi tiếng với tên gọi “Nhà Xanh” vì trồng cây bao phủ các mặt tường.

Đây được coi là một trong những tòa nhà chọc trời đẹp nhất thế giới do Công ty dữ liệu xây dựng quốc tế Emporis vừa bình chọn. Các khu vườn thẳng đứng tại 34 tầng nhà tạo cho cư dân nơi đây cảm giác được sống trên một ngôi nhà cây. Chăm sóc các khu vườn kỹ lưỡng cộng với cách bài trí nghệ thuật ánh sáng, “Nhà Xanh” trở thành một thiên đường rất đáng sống.

Để có thể làm “xanh” các thành phố, nhà chức trách Australia cũng dần điều chỉnh việc sử dụng nước. Nhiều nơi đã lên kế hoạch hứng và tái chế nước mưa để phục vụ tưới tiêu. Vì vậy, cây xanh ở nơi công cộng mọc lên ngày càng nhiều.

Khói bụi cháy rừng che phủ Sydney.


Bên cạnh đó, giới chức nhiều địa phương còn lập bản đồ các khu vực ngoại ô có nguy cơ nắng nóng nhất và thiệt hại nhiều nhất để có kế hoạch đề phòng. Bản đồ được lập trên cơ sở kết hợp yếu tố nhân khẩu học, đặc thù nghề nghiệp và các điểm nóng trong vùng.

Theo một phúc trình của Chính phủ Australia, vào năm 2050, một đợt nắng nóng có thể cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người ở Melbourne chỉ trong vài ngày, trừ khi có sự chuẩn bị tốt hơn. Nhiều thành phố nhỏ có thể bị ảnh hưởng trầm trọng với nhiệt độ tăng thêm 4-7 độ C, đặc biệt là vào ban đêm. Các thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm Perth, Adelaide, Melbourne và vùng ngoại ô phía Tây Sydney.


Đỗ Vân