09:19 18/09/2021

Australia nêu yêu cầu để xem xét kết nạp Trung Quốc vào CPTPP

Australia sẽ chỉ xem xét đàm phán về việc Trung Quốc đệ đơn gia nhập Hiệp định CPTPP nếu Bắc Kinh dỡ bỏ thuế trừng phạt nhắm vào hàng hóa nước này - đó là phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan hôm 17/9.

Chú thích ảnh
CPTPP bao gồm 11 thành viên sáng lập, chiếm khoảng 13% GDP  toàn cầu. Ảnh: Xinhua

Theo ông Tehan, 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) muốn chắc chắn rằng Trung Quốc thực thi đầy đủ các cam kết tự do thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại đang có hiệu lực. Đây là vấn đề quan trọng và cần tới thảo luận cấp bộ trưởng trước khi cân nhắc đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc.

Hôm 16/9, tân Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã chính thức gửi đơn xin gia nhập CPTPP tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor. Việc Trung Quốc gia nhập liên kết kinh tế này sẽ có tác động to lớn tới thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gay gắt.

Bộ trưởng Tehan cho biết Australia và Trung Quốc đã đóng băng tiếp xúc cấp bộ trưởng trở lên kể từ tháng 4/2020, sau khi Canberra nêu yêu cầu mở cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 mà không tham vấn với Bắc Kinh. Kể từ đó, Trung Quốc đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Australia như than đá, tôm hùm, đồ gỗ; áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang, lúa mạch nhập khẩu từ Australia.

Tất cả 11 thành viên của CPTPP sau khi phê chuẩn hiệp định, trong đó có Australia, sẽ có quyền xem xét đơn gia nhập của Trung Quốc. Đến nay, đã có 8 quốc gia hoàn tất phê chuẩn CPTPP, gồm có Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia, Việt Nam và mới nhất là Peru. Những thành viên còn lại, như Malaysia, đã khởi động tiến trình phê chuẩn, nhưng vẫn chưa kết thúc.

Một số nước thành viên đã đưa ra phản ứng bước đầu. Tiếp đồng cấp người Trung Quốc Vương Nghị ngày 13/9, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố nước này hoan nghênh sự quan tâm của Trung Quốc đối với CPTPP.

Nhật Bản bày tỏ quan điểm thận trọng hơn. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 17/9 cho biết Tokyo sẽ phải đánh giá kỹ lưỡng liệu Trung Quốc có sẵn sàng tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn cao của CPTPP hay không, đồng thời khẳng định sẽ tham vấn với các thành viên khác trong khi tiếp tục thủ tục phê chuẩn thành viên mới.

Trước Trung Quốc, Anh là nước đầu tiên không phải thành viên sáng lập đệ đơn gia nhập CPTPP vào năm 2020. Vùng lãnh thổ Đài Loan/Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan tâm được xét kết nạp vào khối này, nhưng chưa đệ đơn chính thức.

Hiệp định CPTPP được hoàn tất vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (SCMP)