10:17 14/10/2014

Australia cấp thị thực đặc biệt cho người giàu nước ngoài

Australia thông báo sẽ áp dụng loại thị thực "dành cho nhà đầu tư đặc biệt", cho phép những người nhập cư được thường trú sau một năm nếu họ đầu tư 15 triệu AUD (13 triệu USD) vào nước này.

Ngày 13/10, Australia thông báo sẽ áp dụng loại thị thực (visa) "dành cho nhà đầu tư đặc biệt", cho phép những người nhập cư được thường trú sau một năm nếu họ đầu tư 15 triệu AUD (13 triệu USD) vào nước này.

Loại thị thực này sẽ được cấp từ tháng 7/2015, vốn được xây dựng dựa trên chương trình "Nhà đầu tư quan trọng" (Significant Investor), theo đó những người nước ngoài đầu tư 5 triệu AUD (4,4 triệu USD) vào Australia sẽ được cấp loại thị thực có thời hạn tối thiểu là 4 năm.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết chính phủ nước này sẽ cải cách chương trình cấp thị thực nhằm khuyến khích những cá nhân có tài sản lớn muốn tới sống tại Australia.

Các thay đổi trên sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Australia theo chiều hướng tốt hơn, trong khi vẫn duy trì các biện pháp đảm bảo chương trình nhập cư không bị lạm dụng.

Để được cấp loại thị thực ưu tiên này, các cá nhân nước ngoài phải trải qua cuộc đánh giá để xem lĩnh vực họ đầu tư có nằm trong ưu tiên đầu tư của chính phủ hay không.

Theo số liệu của Cơ quan di trú Australia, có 436 thị thực cho "Nhà đầu tư quan trọng" đã được cấp trong khoảng thời gian từ ngày 24/11/2012 (thời điểm chương trình được tiến hành) đến cuối tháng vừa rồi.

Tổng cộng có 2,18 tỷ AUD (1,9 tỷ USD) đã được đầu tư vào Australia thông qua chương trình trên, trong đó 88% người được cấp thi thực đến từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Chính phủ Australia cũng thông báo việc xem xét lại chương trình cấp thị thực 457 cho những lao động có tay nghề, vốn bị Chính phủ trước đây siết chặt do cho rằng các chủ lao động đã lạm dụng và gây bất lợi cho người lao động bản địa.

Theo đó, sẽ có linh động hơn trong việc kiểm tra trình độ tiếng Anh và các kỹ năng khác theo yêu cầu, cũng như đẩy nhanh quá trình duyệt đơn xin thị thực và bảo lãnh.


TTXVN/Tin tức