11:09 14/11/2012

AU thông qua kế hoạch can thiệp vào Mali

Liên minh châu Phi (AU) ngày 13/11 đã thông qua kế hoạch can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali. Kế hoạch do Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đệ trình cùng ngày.

Liên minh châu Phi (AU) ngày 13/11 đã thông qua kế hoạch can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali. Kế hoạch do Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đệ trình cùng ngày.

Quyết định trên được Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU thông qua sau khi 15 nước thành viên ECOWAS đạt được nhất trí hôm 11/11 về việc triển khai 3.300 quân tới Mali để hỗ trợ 5.500 binh sĩ nước này giành lại quyền kiểm soát ở miền Bắc nằm dưới sự chiếm đóng của các nhóm phiến quân Hồi giáo từ hơn nửa năm nay. Đây là bước đi cần thiết của AU trước khi LHQ thông qua lần cuối kế hoạch triển khai quân sự tới Mali vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh ECOWAS ở Abuja ngày 11/11. Ảnh: AFP/TTXVN


Một thành viên Hội đồng Hòa bình và An ninh AU, ông Ramtane Lamamra khẳng định ngoài mục đích giành lại quyền kiểm soát, quyết định cho phép can thiệp quân sự của AU còn giúp Mali xóa sổ các mạng lưới tội phạm và khủng bố, đồng thời khôi phục quyền kiểm soát an ninh của chính quyền trên toàn lãnh thổ.

Ông Lamamra bày tỏ hy vọng LHQ sẽ thông qua quyết định này trước cuối năm nay. Dự kiến, con số 3.300 binh sĩ sẽ được đóng góp từ các nước cả trong và ngoài ECOWAS.

Trước đó, hôm 12/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết yêu cầu ECOWAS lên kế hoạch chi tiết can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali trong vòng 45 ngày. Hiện khu vực này đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm phiến quân Hồi giáo có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Trong diễn biến khác, Đại diện LHQ tại Tây Phi Said Djinnit đã gặp phái đoàn đại diện của một trong các nhóm Hồi giáo đang chiếm đóng ở miền Bắc Mali. Cuộc gặp diễn ra tại thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso ngay sau cuộc gặp của ông Djinnit với Tổng thống nước chủ nhà Blaise Compaore, người giữ vai trò Trưởng điều phối viên khu vực trong cuộc khủng hoảng Mali. Phát biểu với báo giới, ông Djinnit cho rằng đối thoại là "lựa chọn ưu tiên" để giải quyết cuộc khủng hoảng này.


TTXVN/Tin tức