01:10 31/01/2011

ASIAD16: Chuyện trong “nghề” bây giờ mới kể

Á vận hội (ASIAD) 16 đã là sự kiện thể thao lớn nhất châu Á và lớn thứ hai trên thế giới năm 2010. Á vận hội đã kết thúc từ lâu, nhưng những kỷ niệm của cánh phóng viên được chứng kiến sự kiện này vẫn còn “tươi rói”.

Á vận hội (ASIAD) 16 đã là sự kiện thể thao lớn nhất châu Á và lớn thứ hai trên thế giới năm 2010. Á vận hội đã kết thúc từ lâu, nhưng những kỷ niệm của cánh phóng viên được chứng kiến sự kiện này vẫn còn “tươi rói”.

Khách sạn Đông Thành - MPC của Việt Nam

Tọa lạc trên tuyến phố Duyên Giang Đông, bên bờ Đông của con sông Chu thơ mộng, sát với chiếc cầu Hải Ấn lung linh ánh điện muôn màu về đêm và cạnh khu chợ điện tử hàng “nhái” nổi tiếng cùng tên Hải Ấn, khách sạn Đông Thành giá cả phải chăng đã trở thành điểm tập kết lý tưởng cho các phóng viên Việt Nam đến Quảng Châu đưa tin về ASIAD 16.

Làng vận động viên tại ASIAD 16. Ảnh: Quốc Khánh-TTXVN


Ban đầu chỉ có nhóm phóng viên TTXVN chọn Đông Thành làm nơi tá túc nhờ mấy anh chị có thâm niên ở Quảng Châu giới thiệu. Chẳng biết thông tin “rò rỉ” thế nào mà chỉ mấy hôm sau phóng viên ta đã đổ xô về chiếm hầu hết các phòng từ tầng 5 đến tầng 9. Đi đâu cũng gặp quân nhà mình. Thế là khách sạn Đông Thành được các phóng viên ta tạm gọi là “Vietnam Main Press Center” (VMPC).

Các phóng viên Việt Nam sinh hoạt nghiêm túc, đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới khách sạn lại lăn ra viết tin gửi bài. Tối khai mạc ASIAD 16 (12/11/2010), an ninh thắt chặt đến nghẹt thở. Đường về khách sạn bị phong tỏa. Ra vào cửa phải có xuất trình giấy tùy thân. Khách ở trong phòng “river view” phải mở toang cửa và bật hết tất cả các bóng đèn. Cảnh sát với máy dò vũ khí sục vào kiểm tra giấy tờ và đồ dùng.

Chẳng là trên sông Chu có 45 chiếc thuyền mang biểu tượng của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ASIAD 16 diễu hành và tiến về khu làm lễ khai mạc. Đứng ở trong phòng nhìn ra mặt sông rõ mồn một. Lại nói về chuyện VMPC. Do ở tập trung nên mọi thông tin chính thống hay bên lề của ASIAD được “truyền” rất nhanh trong đám phóng viên.

Do đó, tin mới luôn được cập nhật. Chỉ cần ra hành lang hoặc sang phòng bên “nghe lỏm” là về có khối chuyện để viết. Chỉ khổ cho cánh phóng viên truyền hình, đường truyền Internet luôn kẹt cứng vào giờ cao điểm, chỉ còn cách kêu trời. Chuyện ăn uống cũng nhiều điều để nói nhưng đáng nhớ nhất là có một nhà hàng tầm tầm nằm kế bên khách sạn có cả thực đơn tiếng Việt. Phóng viên ta thích món nào cứ chỉ vào thực đơn là đủ tất. Từ khi diễn ra ASIAD 16, doanh thu hàng ngày của nhà hàng tăng nhiều vì phóng viên Việt Nam hầu như “chung thân” ăn ở đây.

Đến taxi mà cũng bó tay


Đội tuyển U23 nước ta có hai buổi tập trước khi bước vào trận đấu vòng loại đầu tiên hôm 8/11. Do mới đến Quảng Châu, chưa thông thạo hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm trong thành phố nên chúng tôi quyết định bắt taxi tới sân tập của U23 Việt Nam.

Sau khi nghe chúng tôi nói địa danh cần đến, tay lái xe người Sơn Đông rút điện thoại nói một thôi một hồi để xác định tọa độ và gật đầu cái rụp - OK. Sau hơn một tiếng đồng hồ và số tiền đã lên tới ngót nghét 150 tệ (gần nửa triệu đồng) thì tai của tay lái xe bắt đầu đỏ rần lên và mồ hôi túa ra.

Anh ta liên tục gọi điện thoại để hỏi đường nhưng không tìm được đích cần đến. Lúc này anh ta mới thú thật là không biết đường vì địa điểm tập của U23 là sân vận động của một trường trung học nằm tít tận huyện Phiên Ngung, cách trung tâm thành phố Quảng Châu cả mấy chục cây số.

Càng chạy càng mịt mù. Rốt cuộc, anh ta còn đủ thông minh chặn một chiếc taxi bản địa của Phiên Ngung và bán khách sau khi đã thu đủ số tiền tính theo đồng hồ. Từ Phiên Ngung về thành phố cũng là đoạn trường. Báo hại tay lái xe taxi chẳng biết nhiều về thành phố Quảng Châu nên cũng vòng vèo suốt trên đường. Rốt cuộc thì sau gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới trở về được VPMC thân thuộc với số tiền cũng ngót nghét nửa triệu đồng. Rút kinh nghiệm, chúng tôi quyết tâm nghiên cứu đi xe buýt công cộng và tàu điện ngầm.

Phải nói Ban tổ chức ASIAD 16 bố trí việc đi lại cho số người có thẻ rất khoa học và chính xác. Sau vài ngày, chúng tôi đã sử dụng một cách thông thạo cách đi xe của ban tổ chức. Chuyện đi lại của phóng viên Việt Nam không còn đáng ngại nữa.

Vĩnh Hà (Pv TTXVN tại Bắc Kinh)