04:22 13/04/2020

ASEAN khẳng định quyết tâm xây dựng cộng đồng gắn kết và thích ứng

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 sẽ được tổ chức tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến trong ngày 14/4.

Lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, một hội nghị cấp cao được tổ chức theo hình thức trên. Nhân dịp này, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) đã trao đổi với báo chí về những khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến cũng như những nội dung sẽ được bàn thảo tại Hội nghị này.

Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức khi Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 theo hình thức trực tuyến?

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN cũng như Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 với các đối tác của Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/4/2020 với hình thức hội nghị trực tuyến. Các hình thức tổ chức của hội nghị lần này đã được triển khai từ rất sớm, trong khoảng hai tuần qua. Trên thực tế, đây là một công việc khó khăn, mới mẻ đối với tất cả chúng ta. Mặc dù nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh cũng như sự hỗ trợ của tất cả các bên tham gia nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó nổi lên là những thách thức về kỹ thuật, thời điểm, sự bố trí thời gian để các lãnh đạo phát biểu, trao đổi về tất cả những vấn đề cùng quan tâm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm của khu vực, một hội nghị cấp cao được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo 13 nước và có cả lãnh đạo các tổ chức quốc tế, trong đó có lãnh đạo của Tổ chức Y tế thế giới.

Khó khăn đầu tiên khi tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tuyến về mặt kỹ thuật là làm sao phối hợp được tất cả các khâu: ghi âm, ghi hình, phát hình trên đường truyền trực tuyến; đồng thời cần bố trí được thời gian phù hợp bởi việc tổ chức hội nghị lần này sẽ diễn ra trên 4 đến 5 múi giờ khác nhau. Do đó, việc bố trí thời gian phù hợp để lãnh đạo tất cả các nước cùng tham gia, cùng có được ý kiến, cùng phát biểu, là một trong những thách thức đối với đơn vị tổ chức.

Một khó khăn nữa là việc thực hiện các quy trình, thủ tục của ASEAN. Do hiện nay khu vực đang trong tình hình rất đặc biệt nên có nhiều quy trình, thủ tục của ASEAN phải được vận dụng theo hướng vừa bảo đảm hình ảnh đoàn kết và nhất trí của ASEAN vừa đảm bảo hiệu quả hội nghị.

Xin ông đánh giá ý nghĩa của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 và vai trò của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Trước hết, có thể thấy dịch COVID-19 là một trong những thách thức chưa từng có đối với khu vực. Mặc dù có ý kiến cho rằng, trước đây khu vực đã phải đối mặt với một số thời điểm bệnh dịch hoành hành như dịch SARS hoặc MERS-CoV. Tuy nhiên, mức độ, cường độ và diện lây lan của dịch COVID-19 là chưa từng xảy ra trong khu vực. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ hết sức lâu dài, phức tạp và khó khăn đối với tất cả các nước trong khu vực, không chỉ riêng bất kỳ quốc gia nào dù mạnh hay yếu.

Do đó, mục tiêu của Hội nghị lần này đặt ra là làm sao phối hợp được về chính sách, cách đánh giá, cách tiếp cận cũng như cách giải quyết các vấn đề; hệ lụy mà dịch để lại cho đời sống chính trị, kinh tế và đời sống khu vực. Đây sẽ là một trong những chủ đề của các hội nghị lần này đối với ASEAN.

Hội nghị lần này có rất nhiều ý nghĩa, là lần đầu tiên ASEAN họp trực tuyến ở cấp cao. Tuy nhiên tinh thần đoàn kết, sự sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ cũng như tầm nhìn của các lãnh đạo vẫn sẽ được trao đổi và thống nhất về một khu vực an ninh an toàn, hòa bình, ổn định để tiếp tục bước đi trong các bước xây dựng cộng đồng.

Đây cũng là thời điểm để các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định quyết tâm xây dựng một cộng đồng gắn kết và thích ứng. Cho dù bệnh dịch có diễn biến như thế nào, đây vẫn là mục tiêu về lâu dài của ASEAN.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ASEAN đã có những bước đi hết sức tích cực trong đó có việc khởi động cơ chế Hội đồng Cộng đồng ASEAN (ACC) do các Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu. Hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là Chủ tịch ACC. Hội đồng này đã triển khai tất cả các bước phối hợp đồng bộ và nhất quán giữa các kênh chuyên ngành của ASEAN như y tế, quân y, kinh tế, thương mại… để vừa kiểm soát, ngăn ngừa một cách hiệu quả sự lây lan của bệnh dịch, vừa đặt nền móng cho sự phát triển cộng đồng sau khi dịch kết thúc.

Dịch COVID-19 không chỉ tác động đến các nước ASEAN mà còn tác động đến các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là các nước +3 khối Đông Bắc Á. Chúng ta biết dịch tác động sâu rộng đến tất cả các nước +3 gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Kiến tạo cơ sở tiếp tục phát triển mối quan hệ sau dịch sẽ là một nội dung trao đổi với các nhà lãnh đạo. Chúng tôi cho rằng quan hệ quốc tế cũng bị dịch COVID-19 tác động nhiều. Một trong những nhiệm vụ đặt ra là làm sao duy trì được đà phát triển trước đó. Không được để dịch COVID-19 tác động tới quan hệ quốc tế, tới đối thoại và hợp tác. Như vậy chúng ta mới có được hòa bình, có được sự phát triển bền vững ở tương lai.

Năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Chủ đề chính của Việt Nam trong năm 2020 là “Một ASEAN gắn kết và thích ứng”. Chủ đề này cũng được các nước trong khối ASEAN ủng hộ tích cực. Với tư cách là một thành viên của ASEAN, trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cộng đồng.

Trước những khó khăn thách thức từ dịch COVID-19, đây là thời điểm Việt Nam phát huy vai trò tích cực, tinh thần chủ động và trách nhiệm Chủ tịch đối với cộng đồng.

Ngay từ rất sớm, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã chủ động thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm chuyên ngành trên các kênh y tế.

Ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với tư cách là Chủ tịch năm ASEAN 2020 đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh. Tiếp đó, các kênh chuyên ngành của ASEAN, đặc biệt là Hội đồng Cộng đồng ASEAN cũng đã được khởi động. Với sự dẫn dắt của Việt Nam, chúng ta đã có những tuyên bố về phòng chống COVID-19 trong ASEAN tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN và Bộ trưởng Y tế ASEAN+3; Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN...

Đồng thời trong một tháng qua, ngoài việc trao đổi trong nội khối, ASEAN còn có những tiếp xúc bên ngoài, điển hình là trao đổi thông qua trực tuyến với Liên minh châu Âu (EU), với Trung Quốc, sắp tới với Hoa Kỳ về các biện pháp phòng chống COVID-19.

Song song với nội dung phối hợp phòng, chống COVID-19, vấn đề phục hồi kinh tế được đề cập như thế nào trong Hội nghị, thưa ông?

Đánh giá tác động của dịch COVID-19 là một trong những chủ đề trao đổi của Hội nghị lần này. Đánh giá được đưa ra đối với nền kinh tế vĩ mô của từng quốc gia. Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ có những đánh giá về tác động của bệnh dịch đối với hợp tác kinh tế khu vực. Tôi cho rằng, tất các các Chính phủ trong khu vực đều đã có những biện pháp để khôi phục, tạo sức bật cho nền kinh tế sau bệnh dịch. Các nước đang làm việc với nhau ở mức độ rất cao, đưa ra các phương thức điều phối chính sách để các gói hỗ trợ, các biện pháp được triển khai hiệu quả, đảm bảo duy trì liên kết giữa các nền kinh tế. Trong thời gian vừa qua, nhiều mảng hợp tác đã bị gián đoạn, xáo trộn và tác động nặng nề. Do đó, tôi kỳ vọng các nước có thể nối lại đối thoại trên cả khía cạnh chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội để khôi phục sự bình thường của quan hệ quốc tế sau khi bệnh dịch kết thúc.

Hội nghị dự kiến sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể nào nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức của dịch COVID-19, thưa ông?

Các bên đang trao đổi các nhóm giải pháp trong các nước ASEAN và các nước ASEAN+3. Sau Hội nghị sẽ có hai tuyên bố, đó là: Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về dịch COVID-19 và Tuyên bố chung của ASEAN+3 về dịch COVID-19. Các nhóm giải pháp bao gồm nội dung về quan hệ quốc tế, mối liên hệ giữa các khu vực, xã hội và kinh tế. Về lĩnh vực kinh tế sẽ có cam kết của các nhà lãnh đạo tiếp tục xây dựng hệ thống thương mại rộng mở dựa trên luật lệ, bảo đảm các chuỗi cung ứng không bị cắt đứt. Đặc biệt, các nước có các biện pháp như lập các kho dự trữ chiến lược về y tế để đáp ứng tình trạng khẩn cấp, đây cũng là hướng đi lâu dài để phòng chống các dịch bệnh trong khu vực. Hợp tác sẽ vẫn là dòng chảy chính giữa các nước trong khu vực, có như vậy chúng ta mới có thể phòng, chống hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.

Tôi cho rằng, các hội nghị lần này cho thấy mối quan hệ ràng buộc giữa các quốc gia rất lớn, sâu rộng; dịch COVID-19 là một thử thách đối với các mối quan hệ đó. Quan hệ giữa các quốc gia không thể để bị ảnh hưởng bởi các vấn đề ngắn hạn như dịch bệnh. Con người dù có phát triển đến đâu cũng sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức ngày càng đa dạng và phức tạp. Điều này đòi hỏi các nước có cách tiếp cận chung, hợp lý và cân bằng để phát triển. Để làm được điều đó, việc điều phối chính sách đóng vai trò rất quan trọng nhằm có được những chính sách hài hòa, vừa đáp ứng được nhu cầu của con người vừa duy trì được sự tồn tại phát triển của các nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương/TTXVN (Thực hiện)