12:17 21/12/2015

Argentina - Một năm nhiều biến động

2015 được đánh giá là một năm nhiều biến động đối với Argentina bởi chưa bao giờ trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này lại có một năm bầu cử tổng thống gay cấn đến như vậy.

Tân Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Argentina Alfonso Prat-Gay ngày 16/12 công bố quyết định bỏ trần tỷ giá hối đoái được áp dụng từ cuối năm 2011. Ảnh: AFP-TTXVN

Bên cạnh đó, kết quả của cuộc bầu cử cũng để lại nhiều bất ngờ khi phe đối lập giành chiến thắng, chấm dứt 12 năm cầm quyền của liên minh Mặt trận vì thắng lợi (FpV)

Việc ứng cử viên của Liên minh cánh hữu đối lập thay đổi, ông Mauricio Macri đánh bại ứng cử viên của FpV Sergio Scioli trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai đã cho thấy sự chia rẽ mạnh mẽ trong đời sống chính trị Argentina.

Ông Macri chủ trương theo đuổi chính sách tự do mới, không ủng hộ quốc hữu hóa, phá giá đồng tiền và không bảo hộ sản xuất trong nước, hoàn toàn ngược lại với những chính sách của chính phủ tiền nhiệm thiên về đảm bảo an sinh xã hội cho đa số người nghèo và người có thu nhập trung bình.

Trong bài diễn văn đầu tiên với cương vị tổng thống, ông Macri đã cam kết mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế, đưa tất cả người dân Argentina thoát khỏi đói nghèo và giải quyết nạn tham nhũng. Tuy nhiên, ông Macri không đưa ra chi tiết cụ thể mới nào về cách ông sẽ nới lỏng kiểm soát vốn và hạn chế nhập khẩu, kiềm chế lạm phát hai con số hay thu hẹp mức thâm hụt tài chính lớn của Argentina.

Đây là các nhiệm vụ khó khăn của ngân hàng trung ương Argentina vốn đang cạn kiệt đồng USD, trong khi các cuộc đàm phán với các chủ nợ đã khiến nước này cô lập khỏi thị trường nợ quốc tế và đẩy họ rơi vào tình trạng vỡ nợ trong năm 2014.

Về chính sách đối ngoại, ông Macri khẳng định sẽ tận dụng mọi cơ hội để mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới. Tân Ngoại trưởng Susana Malcorra cho biết Argentina sẽ không áp đặt “ý thức hệ vào chính sách đối ngoại” để tăng cường đối thoại hướng tới thu hút đầu tư và thương mại cùng với một “lập trường chín chắn” cho phép hợp tác với cả Mỹ, Trung Quốc và Nga. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác với Mỹ, đồng thời khẳng định quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai so với thời của chính phủ trước.

Chỉ một tuần sau khi chính phủ của ông Macri lên cầm quyền, một loạt biện pháp kinh tế “mạnh tay” đã được đưa ra gồm quyết định bỏ mức trần tỷ giá hối đoái, được Buenos Aires áp dụng từ cuối năm 2011, nhằm ngăn chặn “chảy máu” ngoại tệ.

Với chính sách tiền tệ mới, ngay lập tức đồng nội tệ peso đã mất giá tới hơn 30%. Ngay sau đó, Argentina cũng đã đạt được một thỏa thuận tín dụng trị giá 5 tỷ USD với Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Buenos Aires cũng quyết định phát hành trái phiếu chính phủ Bonar 2016 vào ngày 28/12 với kỳ vọng thu về số tiền khoảng 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, Chính phủ Argentina quyết định giảm và miễn thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp, theo đó giảm 5% thuế xuất khẩu đậu tương xuống mức 30%, bỏ thuế đối với lúa mỳ, ngô và lúa miến cũng như các sản phẩm công nghiệp.

Trước đó, thuế xuất khẩu đối với lúa mỳ và ngô lần lượt ở mức 23% và 20%, trong khi các sản phẩm công nghiệp bị áp thuế 5%. Chính phủ hy vọng trong trong 3 tuần tới mỗi ngày xuất khẩu nông sản sẽ đem về cho Argentina 400 triệu USD. Argentina là nước xuất khẩu đậu tương và ngô lớn thứ 3 thế giới và là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 7 thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Argentina dự kiến đạt 25 tỷ USD trong năm nay, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung của cả nước.

Các chuyên gia đánh giá tích cực phản ứng của thị trường khi Argentina phá giá đồng nội tệ bởi đã không xảy ra tình trạng hoảng loạn, đồng thời nhận định đây là “một liều thuốc” cần thiết giúp đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại rằng quyết định này sẽ làm lạm phát gia tăng và gây phương hại đến sức tiêu dùng của người dân.

Hiện nền kinh tế Argentina vẫn đang đối mặt với tình trạng giảm tốc với tỷ lệ lạm phát dự báo hơn 25% trong năm nay và có thể hơn mức 35% trong năm tới. Thách thức với chính phủ của ông Macri còn rất dài ở phía trước bởi chỉ ngay trong những ngày đầu của tháng 12, hàng hóa đã đồng loạt lên giá, đặc biệt là giá thực phẩm. Tổng Liên đoàn Lao động Argentina (CGT) đã yêu cầu chi bổ sung 220 USD lương cuối năm cho mỗi người lao động. Dự kiến, kinh tế Argentina chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2015.

Tương lai sẽ trả lời sự lựa chọn của quá nửa trong tổng số 32 triệu cử tri Argentina. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng lịch sử Argentina đã sang trang sau 3 nhiệm kỳ liên tiếp của ông Kircher và bà Fernandez, với xu hướng cánh tả tiến bộ. Trong suốt 12 năm qua, hai vị tổng thống này đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng.

Khi ông Kirchner nhậm chức tháng 5/2003, Argentina đang chìm trong khủng hoảng không có lối thoát sau khi tuyên bố vỡ nợ cuối năm 2001 với số tiền lên tới 100 tỷ USD. Hiện Argentina là quốc gia duy nhất trên thế giới giảm được tỷ lệ nợ nước ngoài trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn 2007-2014 với mức chỉ còn tương đương 9,7% GDP.

Lương tối thiểu của Argentina hiện ở mức gần 600 USD, tăng hơn 20 lần so với năm 2003 và cao nhất Mỹ Latinh. Khoảng 6 triệu người được hưởng trợ cấp hưu trí tối thiểu 400 USD, cũng là mức cao nhất khu vực. Trong giai đoạn 2002-2013, đã có 12 triệu người Argentina thoát nghèo và hiện tỷ lệ người nghèo ở quốc gia này chỉ còn 4,7%, thấp nhất Mỹ Latinh. Đầu tư cho giáo dục chiếm 6,3% ngân sách nhà nước, cũng là tỷ lệ cao ở Mỹ Latinh.

Vì thế, giữ được những thành quả xã hội trên và cải thiện tình hình kinh tế - xã hội Argentina trong thời gian tới quả là nhiệm vụ không mấy dễ dàng với chính phủ của ông Macri.

Diệu Hương (P/v TTXVN tại Argentina)