12:22 19/12/2020

Apple ngừng đặt hàng mới từ một nhà cung cấp Ấn Độ do bạo loạn công nhân

Hãng “trái táo khuyết” Apple Inc. ngày 19/12 thông báo sẽ tạm ngừng đặt hàng mới từ nhà cung cấp Wistron Corp., ở Ấn Độ, do những thiếu sót trong cách quản lý lao động, dẫn đến các cuộc bạo loạn của công nhân tại đây.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở San Francisco, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Apple cho biết các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy công ty Đài Loan Wistron Corp. -nhà cung cấp, sản xuất iPhone đầu tiên của Apple tại Ấn Độ - đã không thực hiện đúng quy trình quản lý giờ làm việc dẫn đến việc chậm thanh toán cho một số công nhân vào tháng 10 và tháng 11/2020.

Đầu tháng này, các công nhân của Wistron tại một nhà máy ở Narasapura gần Bengaluru đã gây náo loạn vì không được trả lương, trong đó nhiều người đã bị bắt vì bạo lực và phá hoại. Theo truyền thông địa phương, những nhân công này đã làm hỏng tài sản và cướp đi hàng nghìn iPhone và máy tính xách tay.

Các nguồn tin thân cận cho hay việc tuyển dụng và mở rộng nhanh chóng của Wistron ở Ấn Độ đã gây sức ép cho hệ thống của công ty, ảnh hưởng đến đội ngũ quản lý cũng như bộ phận nhân sự. Wistron đã tuyển dụng nhiều nhân công hơn mức cần thiết ở Ấn Độ.

Apple cho biết Wistron đã tiến hành các biện pháp kỷ luật và đang cơ cấu lại đội ngũ tuyển thêm và nhân viên ở Narasapura. Hiện Wistron nằm trong diện “theo dõi” và công ty này sẽ không được nhận bất kỳ đơn đặt hàng mới nào từ Apple cho đến khi vấn đề được giải quyết.

Wistron cũng thông báo sa thải Phó chủ tịch đang giám sát các hoạt động ở Ấn Độ, đồng thời mở một đường dây nóng để công nhân có thể nói lên những lo ngại của mình.

Trước đây, Apple và các nhà cung cấp đã bị chỉ trích vì chấp nhận những điều kiện lao động yếu kém ở Trung Quốc. Tháng trước, Apple cũng đã đình chỉ hoạt động kinh doanh mới với đối thủ lớn hơn của Wistron là Pegatron Corp. sau khi phát hiện ra sai phạm lao động trong chương trình việc làm cho sinh viên, đồng thời có hành động mạnh tay xử lý một dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, bị cáo buộc lạm dụng công nhân lâu nay.

Minh Hằng (Theo Bloomberg)