06:16 12/06/2014

Áp lực mùa thi chuyển cấp

Khi cái nóng như đổ lửa của mùa hè ập đến, cũng là lúc các cô cậu học trò vật vã với kỳ thi vào lớp 10, thi vào đại học. Áp lực từ quan niệm không có sự lựa chọn nào khác ngoài thi đỗ, đã khiến nhiều học sinh mệt mỏi, phờ phạc.

Khi cái nóng như đổ lửa của mùa hè ập đến, cũng là lúc các cô cậu học trò vật vã với kỳ thi vào lớp 10, thi vào đại học. Áp lực từ quan niệm không có sự lựa chọn nào khác ngoài thi đỗ, đã khiến nhiều học sinh mệt mỏi, phờ phạc. Các bậc phụ huynh cũng tất bật lo chuyện học hành, thi cử cho con cái. Chuyện học hành, thi cử không chỉ là nỗi ám ảnh của các cô cậu học trò, mà cả với những ông bố, bà mẹ có con thi chuyển cấp.

Trong khi các nhà giáo dục đang loay hoay bàn chuyện nên học 9 năm hay 12 năm, thì có nhiều luồng ý kiến thiết thực hơn khi cho rằng, phải giảm tải áp lực học đối với học sinh. Thời gian 9 hay 12 năm không quan trọng, mà quan trọng là các em được học gì, có tìm thấy niềm say mê trong những giờ lên lớp. Hay ký ức tuổi học trò chỉ là nỗi sợ hãi của việc học hành, thi cử.

Thời điểm tháng 5, tháng 6 được coi là giai đoạn cao điểm của các cô cậu lớp 9 thi vào lớp 10 trung học phổ thông. Nhiều ông bố bà mẹ muốn con thi vào trường điểm, trường chuyên (nhất là ở khu vực Hà Nội), thì áp lực đó còn kinh khủng hơn. Các em quay cuồng trong các lò luyện để cố giành được suất vào các trường theo mong muốn. Nếu theo chỉ tiêu được ngành giáo dục đào tạo Hà Nội công bố, thì các trường công lập giảm 1.400 chỉ tiêu; có nghĩa, cánh cửa vào lớp 10 ở các trường công lập ở Hà Nội đối với nhiều học sinh trở nên quá hẹp. Chưa hết, dù theo phát ngôn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, yêu cầu đối với các em học sinh thi vào lớp 10 chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản là đủ. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Những học sinh muốn thi đỗ vào được các trường điểm, trường chuyên thường phải đến các lò luyện để bổ sung thêm kiến thức thì mới hy vọng thi đỗ.

Chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới đây về chương trình dạy học cũng như tiêu chí tuyển chọn vào các trường điểm đã tạo nên những tranh luận nhiều chiều.

Cách đây vài năm, Hà Nội đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao như ở nhiều cấp học. Trong đó có 13 trường chất lượng cao toàn phần và 5 trường chất lượng cao từng phần. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn mà chỉ tiêu lại có hạn nên đã nảy sinh không ít tiêu cực, nhất là nạn chạy trường, sau đó là nạn chạy vào lớp chọn. Những gia đình có điều kiện thì tìm đủ mọi cách, cậy nhờ người thân, huy động các mối quan hệ, thậm chí bỏ tiền “đi đêm”..., miễn sao con cái họ được vào trường chuyên, lớp chọn. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là cho con theo học ở các trường công, trường điểm, để vừa giảm được gánh nặng học phí, vừa bảo đảm được chất lượng dạy và học.

Thế nên, rất nhiều hiệu trưởng của các trường chuyên, trường điểm ở Hà Nội cứ vào mùa tuyển sinh là tắt điện thoại di động. Chưa hết, mùa tuyển sinh cũng là mùa “làm ăn” của các giáo viên ở các trường công, trường điểm. Hầu hết các trường tuyển sinh đều khẳng định nhà trường không tổ chức luyện thi, nhưng trên thực tế, giáo viên của các trường này thường đua nhau mở “lò luyện thi” với tần suất không thể cao hơn. Không ít bậc phụ huynh cũng tìm cách cho con theo học ở các lò luyện này, bởi theo họ, không gì bằng khi con cái họ được học trực tiếp các thầy cô của trường mà con mình dự tuyển.

Thật không dễ để thay đổi tư duy trong các bậc phụ huynh. Vậy nên: Học và thi, thi và học - vẫn mãi là điệp khúc không có điểm dừng đối với tuổi học trò ở những năm cuối cấp.

Yến Nhi