02:14 26/02/2020

Áp dụng kỹ thuật nối mạch vi phẫu giữ lại chân cho bệnh nhi

Ngày 26/2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình vừa sử dụng kỹ thuật nối mạch bằng Coupler (sử dụng bộ nối mạch vi phẫu để nối các mạch máu nhỏ) điều trị thành công một trường hợp gãy đa xương, biến chứng tổn thương mạch máu rất nặng, nguy cơ cao không giữ lại được phần chân bị thương.

Chú thích ảnh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sáng 26/2. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh nhi Nguyễn Huỳnh K.H. (15 tuổi) nhập viện ngày 18/2 do bị tai nạn giao thông, đã được sơ cứu từ tuyến trước và chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ với dấu hiệu sưng đau biến dạng đùi phải, vết thương dập nát vùng 1/3 dưới cẳng chân phải, lộ xương.

Nhận thấy tình trạng vết thương của bệnh nhi rất nặng, quá khả năng chuyên môn nên các bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ thực hiện báo động đỏ liên viện và nhanh chóng chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. 

Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng xác định: Bệnh nhi bị gãy hở gần lìa cẳng chân phải, gãy xương đùi phải, đây là tổn thương phức tạp bao gồm phần gân, cơ, xương, thần kinh cũng như cả hai mạch máu quan trọng cung cấp máu cho vùng cổ bàn chân. Do thời gian tổn thương đã lên đến 12 giờ nên nguy cơ đoạn chi (phẫu thuật cắt bỏ chân) là rất cao. Với chủ trương “còn nước còn tát”, các bác sĩ đã chạy đua với thời gian, sử dụng kỹ thuật hiện đại nhất để cố gắng giữ lại chân cho bệnh nhi.

Bác sĩ chuyên khoa I Nhâm Phúc Duy (chuyên khoa vi phẫu) cùng ê kíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Kiểm tra vùng bàn chân, các cơ vẫn còn đáp ứng với kích thích điện, còn khả năng cứu chữa được nên các bác sĩ quyết định thông nối lại mạch máu, tái lập lại tuần hoàn cho bàn chân, khâu nối lại mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu, cố định xương gãy bằng kỹ thuật nối mạch bằng Coupler. 

Kỹ thuật này giúp giảm nguy cơ xẹp miệng nối động mạch và tĩnh mạch - là nguyên nhân gây tăng nguy cơ tắc mạch chết phần chi nối. Việc rút ngắn thời gian phẫu thuật và an toàn giúp mạch máu bệnh nhân hồi phục nhanh, các mô sớm phục hồi chức năng. Sau nối, mạch máu thông tốt và các chỉ số xét nghiệm đánh giá tổng quát sức khỏe của bệnh nhân trong giới hạn an toàn.

Hiện tại, sau phẫu thuật 7 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định, vết mổ còn ít dịch thấm băng, bàn chân và ngón chân hồng ấm, cử động được đầu ngón chân, các chỉ số xét nghiệm đều trở về trong giới hạn bình thường.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, thành công của ca phẫu thuật là nhờ kết hợp nhiều yếu tố: Báo động đỏ giữa 2 bệnh viện, áp dụng kỹ thuật cao trong điều trị (thực hiện nối mạch máu vi phẫu cho bệnh nhân mà không dùng kim khâu), trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chuyên sâu, bệnh nhi còn trẻ tuổi nên khả năng hồi phục tốt...

Thành công này cũng là cơ sở để người dân Đồng bằng sông Cửu Long yên tâm về chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến cuối tại Cần Thơ, giảm tình trạng chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh, gây tốn kém và làm mất đi “thời gian vàng” trong chữa trị bệnh.

Ánh Tuyết  (TTXVN)