06:16 14/06/2016

Anh-xứ Wales, cuộc chiến kì lạ trong mùa “Brexit”

Trận đấu Anh-xứ Wales là cuộc chiến trong nhà họ, không chỉ trên sân cỏ, mà có thể còn trên đường phố nữa.

Cuộc đối đầu giữa Anh và xứ Wales ở Lens sắp tới đây như là đại chiến của Liên hiệp vương quốc Anh.

Với một sự thận trọng hiếm thấy, báo chí Anh bắt đầu viết về cuộc đối đầu giữa Anh và xứ Wales ở Lens sắp tới đây như là đại chiến của Liên hiệp vương quốc Anh, một cuộc chiến đặc biệt trong lòng quốc đảo sương mù. Cuộc chiến ấy sẽ diễn ra ba ngày sau khi một cuộc chiến khác đã bùng nổ ở Marseille, khi các hooligan Anh làm loạn đường phố và đánh nhau kịch liệt với cảnh sát. Một liên tưởng: Đấy là cuộc chiến của nước Anh với Châu Âu, trong mùa “Brexit”. Còn trận đấu Anh-xứ Wales là cuộc chiến trong nhà họ, không chỉ trên sân cỏ, mà có thể còn trên đường phố nữa. Tóm lại, họ là một rắc rối lớn với Châu Âu trên mọi phương diện.


Lens sẽ điều động 2.400 cảnh sát cho trận đấu và ban tổ chức lo ngại những cuộc đụng độ sẽ lại tiếp tục xảy ra, như một sự tiếp nối của những gì chúng ta đã chứng kiến ở Marseille. HLV Hodgson và đội trưởng đội tuyển Anh Rooney, vô cùng lo lắng trước nguy cơ Anh có thể bị UEFA loại khỏi giải một khi làn sóng bạo lực từ các hooligan không thuyên giảm, đã đưa ra lời kêu gọi với các cổ động viên Anh, rằng họ hãy cư xử cho đàng hoàng, và “những ai không có vé thì đừng nên tới Lens, đừng phá hoại mọi chuyện”. Nỗi lo ấy là có cơ sở, vì UEFA đã khẳng định sẽ có biện pháp mạnh nếu tình hình không thay đổi, nhưng nỗi lo thua xứ Wales, một nỗi xấu hổ lớn lao nếu điều này xảy ra, và do đó có thể bị loại sớm, còn ám ảnh hơn nhiều. Anh đã hòa Nga đầy thất vọng ở Marseille, trong cái ngày mà các hooligan của họ đánh nhau với người Nga và bị người Nga đánh lại, trong khi vài tiếng trước đó, xứ Wales đã mở đầu EURO đầu tiên của họ bằng một chiến thắng trước Slovakia. Nỗi lo vẫn ám ảnh, dù Anh chưa từng thua xứ Wales lần nào kể từ năm 1984.


Nhưng trận derby bóng đá này còn có một ý nghĩa khác hơn nữa ngoài lí do thể thao. Xứ Wales đánh mất sự độc lập của mình trước Anh vào năm 1282, khi Vua Edward I của Anh đánh bại Hoàng tử Llywelyn II của xứ Wales trên chiến trường. Nhưng trên thực tế, hơn 7 thế kỉ chung sống với người Anh của xứ Wales, một mảnh đất có ngôn ngữ và văn hóa hoàn toàn khác biệt với Anh, cho thấy, xứ này đem đến ít rắc rối nhất cho London, dù thu nhập bình quân đầu người ở đây thấp hơn mức trung bình của toàn bộ Liên hiệp Vương quốc Anh 20%. Họ chấp nhận sự điều hành của người Anh, nhưng không hề mất đi niềm tự hào và bản sắc của mình. Ngay cái tên Wales cũng đã chỉ điều khác biệt. Chữ này đến từ tiếng Đức cổ, “Walha”, nghĩa là “nước ngoài”. Bây giờ, “nước ngoài” ấy có diện tích hơn 20.000km2 và 3 triệu dân, so với phần nước Anh 130.000km2 và 53 triệu dân. Quá chênh lệch, trên mọi phương diện.


Nhưng chỉ cần một cái tên cũng có thể khiến người Anh lo lắng: Gareth Bale. Chàng trai này là một nỗi ám ảnh lớn với hàng thủ Anh, dù số bàn thắng mà anh ghi cho xứ Wales (20 bàn trong 56 trận) chỉ bằng 1/3 số bàn mà Rooney đã ghi cho đội Anh (52 bàn trong 112 trận). Thật thế, Bale đã gây sự chú ý lớn lao trong hai mùa bóng chơi cho Real, đã tạo được cảm tình mạnh mẽ của người hâm mộ sau khi đưa Wales tới thắng lợi ở trận mở màn với Slovakia. Trước cuộc đối đầu với Anh, Bale bảo: “Chúng tôi đã chờ đợi cuộc chiến với Anh từ bảy tháng nay. Đấy là một trận đấu vô cùng đặc biệt. Chúng tôi rất tôn trọng họ, nhưng không sợ họ”. Câu trả lời sau đó đến từ Wilshere, học trò cưng của Hodgson: “Nếu chặn được Bale, chúng tôi sẽ đánh bại xứ Wales. Chúng tôi mạnh hơn họ. Chúng tôi có những cầu thủ giỏi hơn họ”.


Vậy đó, một cuộc chiến đã bắt đầu theo cách ấy, trong thời điểm đặc biệt mà nước Anh đang trong không khí của lựa chọn sẽ ở lại hay rời bỏ EU. Về bóng đá, điều đó không thể diễn ra, dù đám cổ động viên Anh điên rồ có thể sẽ khiến quá trình rời bỏ EURO của đội tuyển diễn ra nhanh hơn. Nhưng nếu Anh không thắng được xứ Wales, thậm chí thua, thì cơn bẽ bàng lớn lao sẽ ập đến với họ trong một trò đùa của số phận: anh lớn ra về để bỏ phiếu vụ Brexit, còn em bé tiếp tục ở lại với Châu Âu. Ít nhất là trên sân bóng...

Trương Anh Ngọc (từ Pháp)